Bớt màu cà phê sữa: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, điều trị

7 tháng trước 111

Bớt cà phê sữa (bớt nâu) xuất hiện do rối loạn sắc tố da hoặc do bẩm sinh. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nó khiến nhiều người cảm thấy tự ti. Vậy có cách nào để điều trị không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết về bớt màu cà phê sữa: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và phương pháp trị liệu hiệu quả được ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.

bớt màu cà phê sữa

Bớt màu cà phê sữa là gì?

Bớt màu cà phê sữa (bớt nâu) là một rối loạn sắc tố da thuộc nhóm bẩm sinh, dễ quan sát, có màu sắc thay đổi từ nâu nhạt đến nâu đậm.

Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ tương đương nhau, nhưng có sự biến đổi tùy theo chủng tộc. Người da trắng chiếm 0.3%, người Trung Quốc 0.4%, người gốc Tây Ban Nha 3% và người Mỹ gốc Phi 18%.

Bớt cà phê sữa hình thành do đâu?

Các bớt cafe sữa hình thành do tăng số lượng melanin, thường đi kèm với sự hiện diện của các melanosome khổng lồ, dẫn đến các vùng da có màu nâu.

Dấu hiệu nhận biết bớt màu cà phê sữa

Bằng mắt thường, bạn dễ dàng nhận biết các vết bớt cà phê sữa. Chúng xuất hiện theo từng đốm với màu nâu, khác biệt hoàn toàn so với vùng da bình thường. Kích thước của vết bớt dao động từ 5 – 20 cm. Loại bớt này xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, phổ biến nhất ở khu vực 2 bên má, thân và tứ chi. Bớt có bờ đều hoặc không đều, hình dạng tròn hoặc bầu dục và lan rộng theo thời gian.

Thông thường, mỗi nơi chỉ xuất hiện 1 vết bớt cà phê sữa. Tuy nhiên, nếu có trên 6 bớt, có thể là dấu hiệu của hội chứng rối loạn di truyền gây nên, cần thăm khám và điều trị kịp thời.

Các hội chứng di truyền liên quan đến nhiều bớt cà phê sữa (cafe au lait spots) bao gồm:

  • Bệnh u sợi thần kinh loại 1 (NF1, Von Recklinghausen).
  • Bệnh u sợi thần kinh loại 2 (NF2).
  • Hội chứng McCune Albright.
  • Hội chứng Legius (hội chứng giống NF1).
  • Xơ cứng não củ.
  • Thiếu máu Fanconi.
  • Hội chứng Coffin-Siris.
  • Hội chứng Watson.
  • Hội chứng Noonan (hội chứng LEOPARD).
  • Hội chứng Bloom.
  • Hội chứng Silver-Russell.

Bớt màu cà phê sữa có hại không?

Bớt màu cà phê sữa không có hại, không ảnh hưởng đến sức khỏe, không có các biểu hiện lâm sàng như đau hay sưng tấy. Tuy nhiên, các vùng da xuất hiện bớt tập trung nhiều sắc tố melanin. Do đó, nó ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và khiến nhiều người cảm thấy tự ti và e ngại.

bớt màu cà phê sữa có hại khôngHình ảnh trước và sau điều trị bớt cafe sữa

Bớt màu cafe sữa có chữa được không?

Không có báo cáo nào cho thấy các bớt màu cà phê sữa trở nên ác tính. Bớt lành tính và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, các hội chứng liên quan có thể có những biểu hiện đáng kể.

Vì vậy, điều trị bớt cà phê sữa không cần thiết trừ khi người bệnh yêu cầu để cải thiện thẩm mỹ. Liệu pháp laser là phương pháp điều trị chính cho những tổn thương này. Hầu hết các vết bớt sắc tố bẩm sinh sẽ mờ và dần biến mất theo thời gian, nhưng nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường, cần thăm khám bác sĩ da liễu để đánh giá và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

Chẩn đoán tình trạng bớt cà phê sữa như thế nào?

Đối với trẻ sơ sinh: sau khi trẻ được sinh ra, bác sĩ tiến hành kiểm tra để đảm bảo trẻ khỏe mạnh. Trong quá trình này, họ ghi lại bất kỳ vết bớt nào trên cơ thể trẻ, bao gồm cả bớt cà phê sữa. Cha mẹ cũng được yêu cầu để ý xem trẻ có bao nhiêu vết bớt khi trẻ lớn lên. Các đốm trở nên rõ ràng hơn khi trẻ đạt 2 tuổi hoặc sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Trường hợp khám vết bớt ở người trưởng thành diễn ra như sau:

  • Kiểm tra da: bác sĩ xem xét vùng da có vết bớt và đánh giá kích thước, màu sắc, hình dạng của chúng.
  • Lịch sử bệnh án: Bác sĩ hỏi về lịch sử bệnh án, bao gồm thời điểm xuất hiện vết bớt, số lượng và các triệu chứng liên quan.
  • Xét nghiệm di truyền: đối với những trường hợp có nhiều vết bớt hoặc có dấu hiệu đặc trưng của các hội chứng di truyền, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm di truyền để xác định nguyên nhân.
  • Khám sức khỏe tổng quát: bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát, có thể cần thêm xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, MRI, xét nghiệm máu,.. để loại trừ các vấn đề khác.

Cách điều trị bớt cà phê sữa hiệu quả

Điều trị bớt cà phê sữa bằng laser – phương pháp được các bác sĩ da liễu đánh giá cao trong việc điều trị các vết bớt sắc tố, bao gồm cả bớt màu cà phê sữa.

Tia laser khi chiếu vào vùng điều trị sẽ xuyên qua da với thời gian và năng lượng được sử dụng không làm tổn thương da. Các hạt sắc tố melanin bị phá vỡ thành các mảnh nhỏ, sau đó đưa ra ngoài qua cơ chế đào thải tự nhiên của cơ thể, khiến da trở lại đều màu và mịn màng.

Phương pháp này khá an toàn, hiệu quả và thời gian điều trị nhanh chóng. Nó loại bỏ hoàn toàn các vết bớt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe và không để lại sẹo.

Quy trình điều trị bớt cà phê sữa bằng tia laser được thực hiện theo các bước sau:

  • Vệ sinh khu vực da: chuẩn bị vùng da cần xóa bớt cà phê sữa.
  • Thoa thuốc tê: để giảm đau và gây tê vùng da.
  • Chọn bước sóng và năng lượng laser phù hợp: tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
  • Thực hiện phương pháp laser: áp dụng laser vào vùng da cần điều trị.
  • Làm lạnh và thoa dưỡng: sau khi điều trị, làm lạnh và thoa dưỡng lên vùng da vừa xử lý.
bớt màu cà phê sữa và cách điều trịTia laser làm các hạt sắc tố melanin bị phá vỡ thành các mảnh nhỏ, khiến da trở lại đều màu và mịn màng.

Phân biệt bớt cà phê sữa với các loại bớt sắc tố khác

Để phân biệt bớt cà phê sữa so với các loại bớt khác, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu sau:

1. Bớt ota

Bớt ota có màu xám hoặc xanh, thường xuất hiện ở mặt, miệng hoặc niêm mạc mắt. Nguyên nhân hình thành do bẩm sinh hoặc sự thay đổi của sắc tố da.

Một nghiên cứu của bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: tỷ lệ bị bớt Ota ở phụ nữ cao hơn gấp 5 lần so với nam giới. Châu Á là khu vực có nhiều trường hợp bị bớt Ota nhất so với các châu lục khác trên thế giới.

2. Nốt ruồi

Nốt ruồi có ở mọi vị trí trên cơ thể với nhiều màu sắc khác nhau như: nâu nhạt, đen, hồng, xanh hoặc đỏ. Khác với bớt cà phê sữa, nốt ruồi có hình tròn và không có kích thước cố định. Một số loại nốt ruồi sau một thời gian sẽ tự biến mất, nhưng số khác có thể tăng dần về kích thước và thậm chí xuất hiện lông tóc. Nếu nốt ruồi phát triển lớn và có biểu hiện sưng đau, bạn nên thăm khám bác sĩ. (1)

3. Bớt xanh Mông Cổ

Bớt xanh Mông Cổ xuất hiện ở trẻ em lúc mới sinh hoặc trong những tuần đầu tiên. Bớt này khá phổ biến, đặc biệt ở những bé có da đen tự nhiên. Các đốm màu xanh xuất hiện ở vai, sườn, mông và đốt xương cụt. Trước năm 4 tuổi, các vết bớt này sẽ tự biến mất, nhưng một số ít trường hợp có thể kéo dài suốt đời.

4. Bớt rượu vang

Nguyên nhân gây bớt rượu vang chủ yếu do bẩm sinh hoặc sắc tố da thay đổi. Bớt này có màu đỏ hoặc hồng nhạt. Tuy nhiên, theo thời gian chúng sẽ chuyển sang màu tối hơn và thường có ở mặt. Mặc dù vô hại, nhưng khu vực có vết bớt sẽ dày hơn các biểu bì da xung quanh.

Chú ý sau điều trị bớt cà phê sữa

Sau khi điều trị, để ngừa tăng sắc tố da, bạn cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Khi ra nắng, hãy tuân thủ các biện pháp sau:

  • Mang khẩu trang.
  • Đội mũ rộng vành.
  • Đeo kính râm.
  • Mặc áo khoác và quần dài.
  • Thoa kem chống nắng phổ rộng.

Cảnh giác trước sự thay đổi của bớt cà phê sữa

Trong trường hợp bớt cà phê sữa có những biểu hiện bất thường sau đây, bạn tuyệt đối không được chủ quan mà nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:

  • Kích thước vết bớt tăng đột biến.
  • Thay đổi màu sắc vết bớt, đặc biệt trở nên sậm hơn.
  • Vết bớt bị đau, chảy máu, nhiễm trùng.

Thông qua bài viết này, quý bạn đọc đã hiểu chi tiết về bớt màu cà phê sữa. Điều trị bớt bằng laser là phương pháp mang lại độ hiệu quả cao, chính xác, an toàn và tiết kiệm thời gian nhất. Ngoài ra, khi bạn phát hiện những thay đổi bất thường từ bớt cà phê sữa, hãy đến bệnh viện da liễu – thẩm mỹ da  để để được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm nhất.

Đọc toàn bộ bài viết