Sốt nóng lạnh đau đầu là bệnh gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

5 tháng trước 56

Sốt nóng lạnh đau đầu là do tác nhân gì và được chữa trị thế nào? Khi cơ thể cảm thấy nóng lạnh thất thường kèm theo sốt và đau đầu thì có nguy hiểm không?

sốt nóng lạnh đau đầu

Triệu chứng sốt nóng lạnh đau đầu là triệu chứng phổ biến, nhiều người gặp phải. Người bệnh sốt nóng lạnh kèm đau đầu gây ra cảm giác khó chịu, khiến người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Sốt nóng lạnh đau đầu là bệnh gì?

Sốt nóng lạnh đau đầu là một nhóm các triệu chứng thường diễn ra cùng lúc, có thể do nhiều nguyên nhân bệnh lý gây nên. Cụ thể, sốt nóng lạnh đau đầu có thể là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, dị ứng, cảm cúm, ung thư… Rất nhiều bệnh có triệu chứng ban đầu là sốt nóng lạnh kèm theo đau đầu nên để xác định chính xác là bệnh gì thì cần được bác sĩ thăm khám và có thể thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu để kết luận.

triệu chứng sốt nóng lạnh đau đầuSốt nóng lạnh đau đầu là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh lý

Triệu chứng sốt nóng lạnh đau đầu

Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt cơ thể do rối loạn trung tâm điều nhiệt, tạo ra ngưỡng thân nhiệt bất thường. Thân nhiệt người lớn được coi là tăng khi trên 37,5 độ C nhưng thân nhiệt trẻ em được xác định là tăng khi nhiệt độ đo ở trực tràng từ 38 độ C trở lên (tương đương 37,6 độ C đo ở miệng và 37,4 độ C đo ở nách).

Đau đầu là cảm giác đau ở bất kỳ vị trí nào trên đầu, từ đau cả đầu đến đau nửa đầu, đau sau gáy, đau ở thái dương… Cơn đau có thể diễn ra nghiêm trọng hoặc chỉ là cảm giác đau âm ỉ, kéo dài nhiều giờ hoặc xuất hiện trong một thời gian ngắn. Khi sốt, sờ vào da có thể cảm thấy nóng nhưng người bệnh cảm thấy lạnh trong người, dù mặc nhiều lớp quần áo và đắp chăn dày vẫn thấy lạnh. Đây chính là triệu chứng nóng lạnh thường diễn ra trong lúc sốt, đau đầu. Triệu chứng sốt nóng lạnh đau đầu còn có thể kèm theo một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như: (1)

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau mỏi người
  • Đau rát họng, giọng khàn
  • Ho, khó thở
  • Nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi
  • Cảm giác mệt mỏi, lừ đừ, muốn ngủ nhiều
  • Chán ăn
  • Co giật
  • Hôn mê.

Tùy theo nguyên nhân dẫn đến sốt nóng lạnh đau đầu mà người bệnh có thể có một hoặc nhiều triệu chứng đi kèm. Không phải lúc nào người bệnh cũng có toàn bộ các triệu chứng này.

Nguyên nhân gây đau đầu sốt nóng lạnh

1. Cảm lạnh, cảm cúm

Triệu chứng đau đầu sốt nóng lạnh thường gặp ở người bị cảm lạnh, cảm cúm. Các triệu chứng cảm lạnh thường bao gồm đau họng, sổ mũi, ho (có thể có đờm), nghẹt mũi, đau đầu nhẹ và sốt nhẹ, cảm thấy ớn lạnh trong người… Các triệu chứng cúm thường tương tự nhưng có biểu hiện nặng hơn, kéo dài hơn, có thể bao gồm nôn mửa, tiêu chảy và ho (thường là ho khan).

Cảm cúm, cảm lạnh dễ lây lan từ người này sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Thời gian ủ bệnh thường là từ 1 – 4 ngày với thời gian ủ bệnh trung bình là 2 ngày.

2. Bệnh sốt rét

Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), chỉ tính riêng trong năm 2022, trên thế giới ước tính có khoảng 249 triệu ca bệnh sốt rét. Trong đó có 608,000 ca tử vong. Bệnh sốt rét chủ yếu xảy ra ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. (2)

Bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium gây ra thường có triệu chứng sốt nóng lạnh đau đầu, ho, khó thở, đau cơ, tiêu chảy… Người bệnh cảm thấy lạnh run dù có thực hiện nhiều phương pháp giữ ấm cơ thể. Bệnh sốt rét lây theo đường máu, truyền từ người bệnh sang người lành chủ yếu là do muỗi Anopheles, hoặc có thể lây truyền từ mẹ sang con, truyền máu, dùng chung bơm kim tiêm dính máu nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Sốt rét là một căn bệnh nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, bệnh có thể gây tổn thương đa tạng và dẫn đến tử vong.

triệu chứng đau đầu sốt nóng lạnhBệnh sốt rét có thể gây tử vong khi không điều trị kịp thời

3. Dị ứng

Dị ứng là một trong những nguyên nhân có thể gây sốt nóng lạnh đau đầu. Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với các chất lạ như lông thú cưng, phấn hoa, một chất nào đó trong thức ăn… (3)

Phản ứng của hệ thống miễn dịch gây viêm da, xoang, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, sốt, nóng lạnh… Tính nghiêm trọng của tình trạng dị ứng khác nhau ở mỗi người và các triệu chứng có thể xảy ra ở mức độ từ kích ứng nhẹ đến sốc phản vệ, thậm chí gây tử vong.

4. Nhiễm trùng tai

Đau tai (cơn đau tăng nặng khi nằm), nghe không rõ âm thanh, có dịch chảy ra từ tai, sốt nóng lạnh đau đầu… là những triệu chứng thường gặp ở người bị nhiễm trùng tai. Thông thường, trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi dễ bị nhiễm trùng tai hơn. Nếu thấy ở tai có rò rỉ máu, dịch có mủ hoặc sốt cao, tai đau nặng, mất thính lực… thì nên đến bệnh viện ngay lập tức để thăm khám và điều trị.

5. Viêm màng não

Viêm màng não (tình trạng viêm ở lớp màng bao quanh não và tủy sống) là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, có thể gây tử vong. Khoảng 70% các trường hợp viêm màng não do vi khuẩn ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Những trường hợp đang bị suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ bị viêm màng não cao hơn. Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh viêm màng não bao gồm sốt nóng lạnh đau đầu, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn, lú lẫn, xuất huyết dưới da, li bì không tỉnh táo…

sốt nóng lạnh đau đầu là bệnh gìViêm màng não có triệu chứng sốt nóng lạnh đau đầu, cứng cổ, kém tỉnh táo…

6. Say nắng, say nóng

Kiệt sức do nhiệt độ cao (say nắng/say nóng) là một tình trạng diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong những ngày mùa hè nắng nóng. Người làm việc ngoài trời hoặc di chuyển ngoài trời trong thời gian dài mà không có biện pháp che chắn cẩn thận, người không bổ sung đủ nước, người già hoặc trẻ em… là những đối tượng dễ bị say nắng, say nóng.

Ngoài sốt nóng lạnh đau đầu, khi bị say nắng hoặc say nóng, người bệnh có thể thấy mệt mỏi, đổ nhiều mồ hôi, choáng váng, hoa mắt chóng mặt… Người bệnh nên đến bệnh viện khi bị say nắng, say nóng nếu vẫn không khỏe sau 30 phút nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ và đã uống bổ sung nước hoặc cơ thể sốt cao, nhịp tim nhanh, khó thở, lú lẫn kém tỉnh táo, mất ý thức…

7. Thuốc

Tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể khiến người bệnh bị sốt nóng lạnh kèm đau đầu. Người bệnh cũng có thể bị tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, đau cơ, ho, mệt mỏi, tê hoặc run tay chân… Nếu các tác dụng phụ của thuốc kéo dài nhiều ngày, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

8. Tiêm chủng

Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh), bất kỳ loại vắc xin nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ sau tiêm (đa phần không nghiêm trọng). Các tác dụng phụ phổ biến bao gồm đau đầu sốt nóng lạnh, đau ở vị trí tiêm, mệt mỏi… (4)

Việc có các triệu chứng như cảm cúm sau tiêm là điều hoàn toàn bình thường. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy vắc xin đang hình thành phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn và giúp cơ thể tăng khả năng phòng vệ chống lại tác nhân gây bệnh trong tương lai. Các tác dụng phụ sau tiêm chủng thường hết trong 24 – 48 giờ sau tiêm.

9. Ung thư

Các triệu chứng do ung thư gây ra khác nhau tùy thuộc vào bộ phận bị ảnh hưởng. Một số triệu chứng chung liên quan đến bệnh ung thư nhưng không đặc hiệu gồm có: mệt mỏi, tăng/giảm cân đột ngột, vàng da, có vết loét trên da không lành, thay đổi thói quen đại tiện, ho dai dẳng, khó thở, chán ăn, khó tiêu, sốt nóng lạnh đau đầu dai dẳng không rõ nguyên nhân…

Ung thư là một bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Nhiều người khi gặp các triệu chứng ung thư không đặc hiệu thường nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường, chủ quan không thăm khám, chữa trị kịp thời.

bị sốt nóng lạnh đau đầuSốt nóng lạnh đau đầu có thể là dấu hiệu không đặc hiệu ở người bệnh ung thư

Bị sốt nóng lạnh đau đầu có nguy hiểm không?

Tiên lượng sốt kèm theo đau đầu nóng lạnh khác nhau vì còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng. Một số nguyên nhân như tác dụng phụ sau tiêm vắc xin hay cảm lạnh thường ít nguy hiểm, ít để lại biến chứng. Mặt khác, những nguyên nhân nghiêm trọng gây sốt nóng lạnh đau đầu (chẳng hạn như ung thư hoặc viêm màng não) có thể gây tử vong.

Cách khắc phục tình trạng sốt nóng lạnh đau đầu tại nhà

Phương pháp điều trị tình trạng sốt đau đầu nóng lạnh còn tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Các trường hợp nhiễm vi khuẩn cần sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Tại nhà, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau không kê đơn để khắc phục triệu chứng sốt đau đầu. Việc uống nhiều nước, tắm nước ấm, chườm ấm, nghỉ ngơi nhiều, bổ sung các loại vitamin và chất dinh dưỡng… cũng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, nhanh hồi phục hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trường hợp sốt nóng lạnh đau đầu có thể xuất phát từ những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh không nên chủ quan khi gặp triệu chứng sốt nóng lạnh đau đầu. Khi vừa xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu kèm theo nóng lạnh người bệnh có thể nghỉ ngơi tại nhà. Trong các trường hợp dưới đây, người bệnh nên khẩn trương đến bệnh viện để được thăm khám và có hướng xử trí phù hợp:

  • Cơn đau đầu kéo dài nhiều ngày và ngày càng diễn tiến tăng nặng, không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi có sử dụng thuốc giảm đau.
  • Sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt trên 38 độ C nhưng không hạ kể cả khi dùng thuốc hạ sốt hay đã áp dụng các biện pháp hạ sốt hoặc các trường hợp sốt kéo dài trên 7 ngày.
  • Sốt nóng lạnh đau đầu kèm theo triệu chứng nôn mửa, khó thở, yếu tay chân, mất ý thức, lú lẫn, cứng cổ…

Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào người bệnh nên sớm đến bệnh viện thăm khám. Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế uy tín cung cấp những dịch vụ thăm khám, chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó bao gồm cả tình trạng sốt nóng lạnh đau đầu. Bệnh viện quy tụ đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, được trang bị hệ thống máy móc tân tiến hàng đầu thế giới phục vụ tốt cho quá trình thăm khám, điều trị.

Cách phòng ngừa sốt nóng lạnh đau đầu

Không thể ngăn ngừa được tất cả các nguyên nhân gây sốt nóng lạnh đau đầu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện một số biện pháp giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm và một số nguyên nhân gây đau đầu, sốt nóng lạnh khác, chẳng hạn như:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn. Đặc biệt, cần rửa tay sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc với các vật ở nơi công cộng như nút giữ thang máy, tay nắm cửa, cầu thang…
  • Không dùng chung dụng cụ ăn uống, ly uống nước, bàn chải đánh răng hoặc khăn tắm với người khác.
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp chống muỗi và bọ ve đốt khi ở ngoài trời.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng hoặc khi phải ở ngoài trời nắng quá lâu.
  • Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Sốt nóng lạnh đau đầu nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng. Người bệnh không nên chủ quan khi gặp tình trạng đau đầu sốt nóng lạnh, nếu có dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện thăm khám kịp thời.

Đọc toàn bộ bài viết