Tụ máu não sống được bao lâu? Tiên lượng ra sao?

7 tháng trước 69

Các tổn thương ở não thường nguy hiểm. Do đó, khi không may bị tụ máu ở não, nhiều người bệnh lo lắng thắc mắc tụ máu não sống được bao lâu? Bệnh này có chữa khỏi không? Chữa như thế nào cho hiệu quả?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

tụ máu não sống được bao lâu

Tụ máu não là gì?

Tụ máu não là tình trạng tổn thương bên trong não, xảy ra khi các mạch máu não bị vỡ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, gây xuất huyết và lượng máu này tập trung lại tại một vùng não nhất định. Máu tụ trong não có thể gây ra vỡ, phình hoặc dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp…, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ xuất huyết não.

Dựa vào vị trí, tụ máu não được phân loại thành tụ máu não ngoài màng cứng nội sọ, tụ máu dưới màng cứng và tụ máu trong nhu mô não. Mặt khác, dựa vào mức độ khởi phát và thể tích của lượng máu chảy trong nội sọ, tụ máu não được phân loại thành tụ máu não cấp tính và mạn tính. Tụ máu não là vấn đề nguy hiểm, khối máu tụ lớn có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề cho hệ thần kinh trung ương, thậm chí gây tử vong. (1)

hình ảnh chụp tụ máu não nguy hiểmTụ máu não là tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong

Người bị tụ máu não có thể sống sót mà không cần phẫu thuật không?

Người bị tụ máu não có thể sống mà không cần phẫu thuật nếu khối máu tụ nhỏ, được chẩn đoán cấp tính, ít nguy cơ gây biến chứng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh điều trị bằng phương pháp theo dõi hoặc sử dụng thuốc.

Người bị tụ máu não trong trường hợp này có thể không cần phẫu thuật nhưng vẫn phải theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt để phát hiện sớm các diễn tiến hay triệu chứng bất thường, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ ảnh hưởng của khối máu tụ và có biện pháp can thiệp kịp thời. Khi xuất hiện triệu chứng mới và bệnh chuyển biến xấu, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ càng sớm càng tốt.

Người bị tụ máu não sống được bao lâu?

Các trường hợp tụ máu não nhẹ, được can thiệp sớm có thể bảo toàn sức khỏe, tính mạng, mức độ tổn thương não tùy thuộc từng trường hợp. Người bị tụ máu não có chữa được không, mức độ điều trị như thế nào hay tụ máu não sống được bao lâu tùy thuộc vào các yếu tố như: (2)

  • Mức độ nghiêm trọng của khối máu tụ: Khối máu tụ kích thước nhỏ và không nằm ở vùng não quan trọng thường có tiên lượng tương đối khả quan.
  • Tốc độ can thiệp điều trị: Tụ máu não cần được phát hiện càng sớm càng tốt. Điều này giúp gia tăng hiệu quả điều trị, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
  • Độ tuổi của người bệnh: Triển vọng điều trị tụ máu não ở người trẻ thường cao hơn người cao tuổi.
  • Quá trình chăm sóc sức khỏe sau điều trị: Tụ máu não có thể tái phát sau điều trị với nguy cơ gây tử vong cao. Người bệnh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, tái khám định kỳ và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của bác sĩ để tránh tụ máu não tái phát.

Nếu can thiệp kịp thời bằng biện pháp điều trị phù hợp, người bị tụ máu não có thể được cứu chữa, đảm bảo sức khỏe. Sau điều trị người bệnh cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe và tái khám định kỳ để tránh tái phát tụ máu.

yếu tố ảnh hưởng tiên lượng tụ máu nãoTụ máu não có chữa được không hay người bị tụ máu não sống được bao lâu tùy vào các yếu tố như mức độ của khối máu tụ, tốc độ điều trị…

Tiên lượng sống của người bị tụ máu não theo tuổi tác

So với đối tượng người bệnh trẻ tuổi, người lớn tuổi bị tụ máu não thường hiệu quả điều trị sẽ giảm hơn ít nhiều tùy trường hợp. Hệ thống mạch máu trên vỏ não ở người lớn tuổi thường yếu hơn và khó hồi phục khi xảy ra tổn thương. Tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật điều trị tụ máu não ở người cao tuổi có thể thấp hơn so với người trẻ, vì sức khỏe tổng thể của đối tượng này thường yếu hơn. Thể tích não giảm cũng dần theo độ tuổi, vì vậy khoảng cách xa giữa hộp sọ và nhu mô não ở người có tuổi góp phần gia tăng nguy cơ tái phát tụ máu não. (3)

Tuy nhiên, tụ máu não ở người trẻ hay người lớn tuổi đều có cơ hội được cứu chữa thành công nếu người bệnh đi khám kịp thời, tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tụ máu não nếu được cứu chữa kịp thời thì hoàn toàn có thể khỏi bệnh và sống lâu dài như người bình thường.

Làm sao nâng cao hiệu quả điều trị, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người bị tụ máu não?

Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ chế độ chăm sóc sau điều trị là điều kiện tiên quyết để kéo dài sự sống cho người bị tụ máu não, cụ thể:

  • Chẩn đoán sớm tình trạng tụ máu não: Ngay khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu nghi ngờ tụ máu não, chẳng hạn như nhìn đôi, nhìn mờ, đau đầu, tê bì và yếu tay chân…; hoặc ngay sau khi xảy ra chấn thương ở đầu, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để thăm khám. Tại bệnh viện, người bệnh được bác sĩ kiểm tra, đánh giá và chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng như chụp MRI, chụp CT, chụp động mạch đồ… Dựa vào các kết quả xét nghiệm này, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về tình trạng máu tụ trong não cùng hướng điều trị thích hợp.
  • Điều trị tụ máu não kịp thời: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tụ máu não và một số yếu tố khác, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đối với trường hợp khối máu tụ có kích thước nhỏ, chưa gây ra triệu chứng, bác sĩ thường cân nhắc chỉ định liệu pháp theo dõi, dùng thuốc thay vì can thiệp mổ. Mặt khác, nếu khối máu tụ có kích thước lớn với nguy cơ gây ra biến chứng cao, người bệnh cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt bằng các phương pháp như phẫu thuật dẫn lưu khối máu tụ, phẫu thuật mở hộp sọ hoặc điều trị bằng thuốc.
  • Chế độ chăm sóc sau điều trị: Sau quá trình điều trị, người bệnh tụ máu não cần được chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ trong khoảng thời gian từ vài tháng đến một năm, tùy trường hợp. Người bệnh cần tuân thủ đầy đủ chỉ định của bác sĩ, bao gồm chế độ dinh dưỡng, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc và lịch tái khám. Nếu sau điều trị, người bệnh xảy ra các vấn đề về thần kinh như mất ngủ, động kinh, rối loạn tâm thần, suy giảm thị lực… cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.

Bên cạnh các yếu tố trên, hiệu quả điều trị cho người bệnh tụ máu não còn phụ thuộc vào kỹ thuật mổ não. Phẫu thuật não là kỹ thuật chuyên sâu, mọi sai sót trong quá trình thực hiện đều có thể để lại di chứng nặng nề với nguy cơ tử vong cao cho người bệnh. Hiện nay, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ứng dụng Robot mổ não Modus V Synaptive thế hệ mới cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng hiện đại khác, giúp  nâng cao tỷ lệ thành công cho quá trình phẫu thuật điều trị tụ máu não.

Với sự hỗ trợ đắc lực của Robot Modus V Synaptive, trong suốt quá trình thực hiện bác sĩ giải phẫu thần kinh có thể nhìn thấy rõ ràng mô não và các bó sợi thần kinh trong mối tương quan với vùng máu tụ. Từ đó, bác sĩ có thể chọn được đường dẫn an toàn đến khối máu tụ trong não, loại bỏ máu tụ mà không hoặc ít gây tổn thương các vùng não lành lân cận.

theo dõi tiên lượng điều trị tụ máu nãoSau điều trị, người bị tụ máu não cần được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt

Phương pháp chăm sóc hỗ trợ cho người bị tụ máu nhanh hồi phục

Để giúp người bị tụ máu não nhanh hồi phục sức khỏe, cần có chế độ chăm sóc phù hợp. Sau quá trình điều trị, người bệnh tụ máu não có thể được bác sĩ chỉ định tập vật lý trị liệu kết hợp với xây dựng lối sống và chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để hỗ trợ hồi phục sức khỏe. Dưới đây là những điều cần lưu ý trong quá trình chăm sóc để hỗ trợ người bệnh tụ máu não sớm hồi phục sức khỏe:

  • Người bệnh cần tránh thức khuya, đảm bảo luôn ngủ đủ giấc vào ban đêm, dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi vào ban ngày.
  • Hạn chế tham gia các hoạt động thể thao, vận động dùng nhiều sức nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Tránh tiêu thụ bia, rượu, bởi vì nồng độ cồn có thể làm chậm quá trình hồi phục cơ thể sau điều trị tụ máu não.
  • Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ.
  • Tái khám đúng lịch hẹn.
  • Thông báo ngay với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường.
  • Không điều khiển phương tiện giao thông khi chưa được sự đồng ý từ bác sĩ.

Người bị tụ máu não cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ

Tái khám định kỳ là kế hoạch theo dõi dành riêng cho mỗi người bệnh. Kế hoạch này bao gồm thăm khám lâm sàng và kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm lâm sàng. Việc tuân thủ chỉ định tái khám định kỳ được bác sĩ chỉ định đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cũng như thắc mắc bệnh tụ máu não sống được bao lâu sau điều trị.

Tái khám định kỳ giúp bác sĩ có thể theo dõi được mức độ phục hồi sức khỏe và kịp thời xử trí biến chứng nếu có. Mặc dù tụ máu não đã được điều trị ổn định, một số tác dụng phụ có thể tiếp tục xảy ra. Tái khám định kỳ đúng lịch hẹn của bác sĩ giúp người bệnh có thể kiểm soát tốt các tác dụng phụ không mong muốn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Tụ máu não chữa được không, chữa được như thế nào hay tụ máu não sống được bao lâu phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ bệnh, thời điểm can thiệp, phương pháp điều trị, thể trạng của người bệnh, chế độ chăm sóc sau điều trị cùng một số yếu tố khác. Người bệnh tụ máu não hoàn toàn có thể khỏi bệnh và sống lâu dài như người bình thường. Để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng, người bệnh cần sớm đến bệnh viện thăm khám ngay sau khi có chấn thương đầu hoặc khi cơ thể xuất hiện triệu chứng nghi ngờ của bệnh.

Đọc toàn bộ bài viết