Da thừa hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

5 tháng trước 58

Da thừa hậu môn thường xuất hiện sau khi người bệnh gặp các vấn đề về hậu môn như viêm và trĩ. Bệnh không gây đau đớn hay chảy máu hậu môn, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, da thừa hậu môn là tình trạng lành tính, điều trị đơn giản, nhanh chóng và an toàn.

da thừa hậu môn

Da thừa hậu môn là gì?

Da thừa hậu môn là hậu quả để lại sau các chấn thương hậu môn, phổ biến là tình trạng da thừa ở hậu môn sau trĩ ngoại. Hầu hết các trường hợp da thừa hậu môn đều lành tính. Các phương pháp điều trị loại bỏ da thừa được chỉ định theo nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh.

Da thừa hậu môn (hay mụn thịt hậu môn) là một phần da thừa nhô lên quanh hậu môn. Phần da thừa này có sắc tố đậm hơn vùng da xung quanh, kích thước từ vài mm đến vài cm. Về giải phẫu học, da thừa hậu môn là một polyp biểu mô dạng sợi, xuất hiện do sự tăng trưởng bất thường tại mô quanh vùng hậu môn. Các tình trạng rối loạn hậu môn như: trĩ ngoại, táo bón/tiêu chảy kéo dài, viêm nhiễm tại hậu môn… sẽ khiến da vùng hậu môn căng phồng, tạo vết thương kèm da thừa. Tuy nhiên, sau khi các bệnh lý này đã được điều trị và hồi phục thì phần da thừa này vẫn không biến mất mà trở thành da thừa hậu môn.

Người bệnh sẽ cảm nhận như có một vết chai, sưng phồng tại hậu môn. Da thừa hậu môn có thể là một nốt hoặc nhiều nốt, tùy vào tổn thương hậu môn trước đó của người bệnh. Được xem là một dạng polyp viêm lành tính nên da thừa hậu môn hiếm khi là dấu hiệu cảnh cho những biến chứng nguy hiểm, không gây đau đớn hay các triệu chứng lâm sàng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.(1)

Việc cắt bỏ phần da thừa hậu môn cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Phần da này cũng sẽ không tự tiêu biến nên việc thực hiện các phương pháp loại bỏ da thừa hậu môn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của từng người.

da thừa hậu môn là gìDa thừa hậu môn thường là hậu quả để lại của các bệnh trĩ ngoại, viêm hậu môn,…

Đối tượng bị da thừa hậu môn

Bệnh da thừa hậu môn có thể xảy ra với bất cứ ai, tuy nhiên, một vài đối tượng có khả năng mắc phải tình trạng này cao hơn những người khác như phụ nữ đang mang thai, người từng mắc cá bệnh lý về hậu môn, người tập thể dục quá nặng…

Phụ nữ có khả năng cao bị da thừa hậu môn, đặc biệt khi đang ở trong tam cá nguyệt thứ 2. Lý do, ở thời điểm mang thai, tử cung tăng kích thước chứa thai nhi và chèn ép các tĩnh mạch ở khu vực hồi lưu vùng chậu, khiến cho các mạch máu tại vùng hậu môn bị giãn và sưng. Đây là một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ bệnh trĩ và da thừa hậu môn tăng cao ở phụ nữ đang mang thai.(2)

Bên cạnh đó, việc liên tục vận động, tập thể dục quá mạnh, dùng nhiều sức vùng thân dưới (đùi, mông…) hay nâng đồ nặng trong một thời gian dài có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến hậu môn, bao gồm da thừa hậu môn.

Người từng bị mắc các bệnh lý về rối loạn hậu môn như trĩ, viêm hậu môn… cũng có nguy cơ cao hơn so với người chưa từng mắc các bệnh lý này. Da thừa hậu môn cũng là hệ quả của các bệnh hậu môn khác nên người đã từng mắc các rối loạn hậu môn cũng có nguy cơ bị da thừa hậu môn.

sub kênh tiêu hóa tâm anh

Nguyên nhân bị da thừa hậu môn

Da thừa hậu môn thường xảy ra khi các tổn thương ở vị trí này gây giãn mạch máu và sưng phồng. Phổ biến nhất là bệnh trĩ ngoại, một rối loạn hậu môn gây xuất hiện búi trĩ, bên trong chứa nhiều mạch máu. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến vùng da hậu môn xung quanh và gây mụn thịt hậu môn. Bên cạnh đó, một số bệnh lý hậu môn khác cũng có thể gây ra da thừa hậu môn bao gồm:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài gây căng thẳng lên hậu môn
  • Bệnh crohn hoặc các tình trạng viêm hậu môn: Da thừa hậu môn sẽ xuất hiện như một biến chứng của phản ứng viêm.
  • Xuất hiện cục máu đông tại hậu môn
  • Tổn thương hậu môn khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn
da thừa ở hậu mônTáo bón kéo dài là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tổn thương hậu môn

Triệu chứng nhận biết da thừa hậu môn

Triệu chứng duy nhất của tình trạng này là sự xuất hiện của da thừa tại hậu môn. Tại hậu môn và vùng xung quanh, da thừa có thể xuất hiện một hoặc nhiều nốt với các kích thước khác nhau, đủ để người bệnh cảm nhận được.

Da thừa ở hậu môn có thể quan sát được bằng mắt thường và thường bị nhầm lẫn với búi trĩ. Dù vậy, tính chất của da thừa và búi trĩ là hoàn toàn khác nhau. Búi trĩ khi xuất hiện sẽ kèm theo cơn đau và chảy máu, khiến cho sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh trở nên khó khăn hơn. Những triệu chứng của trĩ thường biểu hiện rõ ràng khi người bệnh đi đại tiện. Khi đó, da thừa hậu môn, vốn chỉ là một phần da nhô ra từ hậu môn, được xác định bằng những triệu chứng sau:

  • Không gây cảm giác đau đớn
  • Không chảy máu
  • Ngứa ở quanh vị trí có da thừa

Trường hợp người bệnh thường xuyên bị tổn thương vùng hậu môn, hoặc tái phát các bệnh về hậu môn thì da thừa có thể phát triển lớn hơn. Vì vậy, dù bệnh da thừa hậu môn không gây nguy hiểm, nhưng người bệnh vẫn cần cẩn trọng trong sinh hoạt để hạn chế da thừa phát triển gây khó chịu hơn.

Điều trị da thừa hậu môn

1. Quy trình điều trị da thừa hậu môn

Điều trị da thừa hậu môn là một tiểu phẫu đơn giản hay khó tùy thuộc vào da thừa một mẫu hay cả vòng hậu môn, có sẹo hậu môn đi kèm hay không. Da thừa nằm ở bên ngoài hậu môn nên việc tiếp cận và cắt bỏ da thừa diễn ra nhanh chóng và không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Mục tiêu điều trị da thừa hậu môn bao gồm việc loại bỏ da thừa trong hậu môn và ngăn ngừa da thừa tái phát. Sau tiểu phẫu, người bệnh cần tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ để hỗ trợ hồi phục vùng da hậu môn và thực hiện những biện pháp phòng ngừa da thừa hậu môn để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ làm sạch và sát khuẩn hậu môn, sau đó tiêm thuốc tê tại vị trí hậu môn cần cắt bỏ da thừa. Bác sĩ sử dụng tia laser, nitơ lỏng để đốt hoặc dao mổ để cắt da thừa, thủ thuật này diễn ra nhanh chóng và đơn giản. Với những phần thừa có kích thước lớn, bác sĩ sẽ cần nhiều thời gian hơn để loại bỏ hết da thừa. Cuối cùng, bác sĩ khâu lại vết thương bằng chỉ tự tiêu và kết thúc quy trình loại bỏ da thừa hậu môn.

Những trường hợp bệnh có nhiều da thừa hậu môn, bác sĩ có thể tư vấn cắt bỏ 1 phần da thừa trong 1 lần. Mục đích là để da hậu môn có thời gian hồi phục trước khi tiếp tục cắt bỏ các nốt da thừa còn lại. Việc cắt bỏ quá nhiều da thừa trong một lần có thể gây ra áp lực lớn cho hậu môn và cả sức khỏe người bệnh. Thậm chí, khả năng tái phát da thừa hậu môn cũng tăng cao.

cắt bỏ da thừa hậu mônPhẫu thuật cắt bỏ da thừa hậu môn có quy trình đơn giản, ít đau đớn và an toàn

2. Lưu ý sau tiểu phẫu da thừa hậu môn

Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi thực hiện tiểu phẫu. Tuy nhiên, trong 1 tuần đầu người bệnh cần phải hạn chế tối đa tạo áp lực lên hậu môn như nâng vật nặng, tập thể dục cường độ cao… để hậu môn được ổn định, vết thương sau phẫu thuật sớm hồi phục. Ngoài ra, người bệnh cũng phải chú ý đến vấn đề vệ sinh vết mổ để phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng gây viêm sưng tại vị trí mổ.

Bác sĩ cũng sẽ kê một số loại thuốc uống và bôi ngoài da nhằm thúc đẩy quá trình lành thương và tránh nhiễm trùng. Kết hợp uống và bôi thuốc đúng theo chỉ định bác sĩ cùng với chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, người bệnh có thể chủ động làm giảm khả năng tái xuất hiện da thừa hậu môn sau phẫu thuật.

Cách phòng ngừa có da thừa hậu môn

Hạn chế mắc các bệnh về hậu môn là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa da thừa hậu môn. Những biện pháp phòng ngừa này đều là những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày được lành mạnh hơn, nhưng cần duy trì lâu dài. Không chỉ những người đã từng bị da thừa hậu môn mới cần phòng bệnh tái phát, bất cứ ai cũng cần phòng ngừa tình trạng này và những dạng rối loạn hậu môn khác.

Một số biện pháp phòng ngừa da thừa hậu môn bạn có thể tham khảo:

  • Ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước để hạn chế táo bón
  • Giữ cho hậu môn luôn sạch, hạn chế tình trạng nhiễm trùng gây viêm hậu môn
  • Đi khám chuyên khoa Tiêu hóa, Hậu môn trực tràng nếu bị táo bón hoặc tiêu chảy để được chỉ định các loại thuốc nhuận trường với liều lượng phù hợp
  • Hạn chế sự tiếp xúc, tạo ma sát ở vị trí hậu môn để tránh gây kích ứng hoặc tổn thương nặng hơn
phòng ngừa hậu môn có da thừaBổ sung chất xơ giúp hạn chế táo bón, phòng ngừa da thừa hậu môn

Câu hỏi thường gặp về da thừa hậu môn

1. Bị da thừa hậu môn có sao không?

Da thừa hậu môn là một bệnh lý lành tính, không gây hại cho người bệnh. Sự xuất hiện của da thừa có thể gây ngứa hậu môn và khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, chúng không gây đau đớn, chảy máu hoặc tiến triển thành những bệnh lý phức tạp hơn.

2. Da thừa hậu môn có nguy hiểm không?

Da thừa hậu môn không nguy hiểm. Trường hợp, người bệnh không có nhu cầu cắt bỏ da thừa hậu môn cũng không có vấn đề gì, vì đây chỉ là một đoạn da bị dư ra của hậu môn. Điều quan trọng, người bệnh phải giữ hậu môn sạch sẽ, tránh viêm nhiễm, tổn thương thì da thừa hậu môn sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng hậu môn.

3. Phân biệt trĩ ngoại và da thừa hậu môn

Triệu chứng của bệnh trĩ bao gồm:

  • Búi trĩ bị sa ra khỏi hậu môn khi đi đại tiện
  • Búi trĩ gây sưng đau tại hậu môn
  • Đại tiện có máu, không kèm cơn đau
  • Thường xuyên có cảm giác đau rát tại hậu môn

Triệu chứng của da thừa hậu môn không bao gồm những cơn đau hay chảy máu như bệnh trĩ. Người bệnh chỉ cảm nhận sự xuất hiện của mụn thịt ở hậu môn và có cảm giác ngứa nhẹ quanh khu vực da thừa.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) thuộc Hệ thống BVĐK Tâm Anh là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng.

Nơi đây quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội soi tiêu hóa – Nội khoa và Ngoại khoa Tiêu hóa – Gan Mật Tụy – Hậu môn trực tràng chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, các phương pháp ngoại khoa tiên tiến được áp dụng trong các lĩnh vực Nội soi và Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, không để lại sẹo bởi các tuổi hàng đầu như TS.BS Đỗ Minh Hùng, TTƯT.TS.BS Phạm Hữu Tùng, BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, TS.BS Trần Thanh Bình, ThS.BS.CKII Trần Hiếu Nhân, BS.CKII Hồ Thị Bích Thủy, BS.CKI Đặng Lê Bích Ngọc; điều trị Gan Mật Tụy kỹ thuật hiện đại với TS.BS Phạm Công Khánh, BS.CKII Võ Ngọc Bích; thăm khám và tư vấn bệnh lý nội tiêu hóa với ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, BS.CKI Huỳnh Văn Trung, BS.CKI Hoàng Đình Thành, ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Bích, ThS.BS.CKI Đoàn Hoàng Long; phẫu thuật trong điều trị các bệnh lý hậu môn trực tràng như ThS.BS Nguyễn Văn Hậu, ThS.BS Ngô Hoàng Kiến Tâm, ThS.BS Nguyễn Thanh Biên…

Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp cũng dẫn đầu với các kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật nội soi ổ bụng với các tên tuổi chuyên gia như TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương, ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường, ThS.BS Lê Văn Lượng… Các chuyên gia thuộc lĩnh vực nội soi tiêu hóa tiêu biểu như TS.BS Vũ Trường Khanh, BSNT Đào Trần Tiến, BSNT Hoàng Nam, BS.CKII Bùi Quang Thạch…

Ngoài ra, bệnh viện còn được trang bị hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

Da thừa hậu môn là hậu quả còn sót lại sau các tổn thương ở hậu môn, có thể xuất hiện một hoặc nhiều nốt da thừa. Người bệnh sẽ bị những nốt da thừa gây khó chịu, ngứa tại hậu môn. Dù vậy, da thừa hậu môn rất lành tính, không gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Việc điều trị cắt bỏ da thừa hậu môn thường nhằm mục đích thẩm mỹ, và tùy vào nhu cầu của người bệnh. Sau điều trị, người bệnh vẫn cần phải chăm sóc và giữ vệ sinh cho hậu môn vì da thừa hậu môn vẫn có thể tái phát nếu hậu môn liên tục bị tổn thương.

Đọc toàn bộ bài viết