Cách sơ cứu trẻ bị bỏng tại nhà đơn giản hiệu quả và an toàn

5 tháng trước 70

Sơ cứu trẻ bị bỏng đúng cách và kịp thời sẽ giúp giảm thiểu các tổn thương do bỏng gây ra, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn. Tùy thuộc vào mức độ, nguyên nhân gây bỏng, cách sơ cứu trẻ bị bỏng sẽ có thay đổi khác nhau.

Sơ cứu trẻ bị bỏng

Bỏng ở trẻ em là gì?

Bỏng ở trẻ em là các tổn thương trên da, có thể ảnh hưởng đến các tổ chức sâu dưới da (hệ thần kinh, cơ, xương,…) do nhiệt độ (nóng/lạnh), hóa chất, bức xạ, điện hoặc do ma sát mạnh. Bỏng là một trong những tai nạn có thể xảy ra ngay trong các hoạt động sinh hoạt hàng này và cả các hoạt động giải trí.

Khi bị bỏng, điều đầu tiên cần làm là sơ cứu vết bỏng đúng cách, nhanh chóng bởi nếu kéo dài, vết bỏng có thể sâu hơn, diễn tiến nặng nề hơn. Dù diện tích vùng da bị bỏng khá nhỏ nhưng cũng có thể khiến trẻ mất nước, mất điện giải, dẫn đến sốc, nhiễm khuẩn, ngộ độc, thậm chí đe dọa tính mạng. Đáng lưu ý, ảnh hưởng của bỏng không dừng lại ở các tổn thương trên cơ thể mà còn tác động mạnh đến tâm lý, sự phát triển thể chất và tương lai của trẻ. Vết bỏng nặng sau khi lành sẽ để lại sẹo. Nhiều trường hợp, trẻ phải cắt bỏ một số bộ phận hoặc mất đi một số chức năng của cơ thể.

Bàn tay của trẻ bị bỏngBàn tay của trẻ bị bỏng.

Dấu hiệu trẻ bị bỏng theo từng cấp độ bỏng ở trẻ

Các dấu hiệu bỏng ở trẻ khác nhau tùy thuộc vào cấp độ và nguyên nhân gây bỏng. Đa số các trường hợp, phần da khu vực bỏng sẽ ửng đỏ lên hoặc tím, có thể có những nốt phồng to/nhỏ, xung quanh sưng, nề đỏ, đau rát. Đồng thời, trẻ rơi vào trạng thái hốt hoảng, sợ hãi, có thể vật vã, khóc thét lên,…

1. Bỏng cấp độ 1

Bỏng độ 1 – mức độ bỏng nhẹ nhất, vết thương chỉ xảy ra ở một phần nhỏ của biểu bì da. Phần da bị bỏng có biểu hiện tấy đỏ, đau và sưng nhẹ nhưng không phồng rộp. Vết thương sau khi lành lại thường không để lại sẹo. Quá trình hồi phục thường sẽ mất 3 – 6 ngày, phần da bị bỏng có thể lên da non trong 1 – 2 ngày. (1)

2. Bỏng cấp độ 2

Bỏng độ 2 – vết thương ảnh hưởng đến phần biểu bì, trung bì của da, khiến da phồng rộp, tấy đỏ, đau rát. Một số trường hợp nốt phồng bị vỡ ra sẽ để lộ phần da màu hồng nhạt hoặc màu đỏ, dễ nhiễm trùng. Thời gian hồi phục vết thương do bỏng độ 2 thường là 3 tuần hoặc lâu hơn. Trẻ bị bỏng độ 2 cần được hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.

3. Bỏng cấp độ 3

Bỏng độ 3 gây ảnh hưởng đến tầng biểu bì, trung bì và thậm chí là hạ bì. Khu vực bỏng có bề mặt da khô, trông như sáp màu trắng, nâu hoặc đậm hơn. Tại vị trí bỏng có thể có cảm giác tê hoặc không đau. Quá trình hồi phục cần nhiều hỗ trợ từ ý tế, có thể thực hiện cắt ghép da để giúp làm lành vết bỏng.

4. Bỏng cấp độ 4

Bỏng độ 4 được đánh giá là mức độ bỏng nặng nhất, phá hủy toàn bộ lớp da, gây ảnh hưởng đến phần cơ và xương bên dưới. Khu vực bỏng có màu đen, không đau, không có cảm giác, mất khả năng di động và chức năng của nó. Trẻ bị bỏng độ 4 cần được điều trị tích cực về mặt chức năng và tâm lý, cần được chăm sóc lâu dài.

Bỏng nặng để gây tổn thương về cả chức năng và tâm lý của trẻBỏng nặng để gây tổn thương về cả chức năng và tâm lý của trẻ.

Hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị bỏng tại nhà

Sơ cứu trẻ bị bỏng là điều đầu tiên phụ huynh cần thực hiện khi phát hiện trẻ bị bỏng. Lưu ý, nếu trẻ bỏng ở mức độ nặng, cần liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức. (2)

Dưới đây là một số bước sơ cứu trẻ bị bỏng cơ bản:

Bước 1: Đưa trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng, đặt trẻ ở nơi an toàn, thoáng khí, khô ráo và cắt bỏ quần áo, đồ trang sức ở khu vực bị bỏng.

  • Nếu quần áo của trẻ bắt lửa, trẻ hoảng loạn, phụ huynh cần giữ yên trẻ nằm trên sàn, trấn an tâm lý. Dập lửa bằng cách trùm một tấm mền thô hoặc áo dày bằng ben dạ lên người trẻ. Sau đó, lăn trẻ trên sàn nhà cho đến khi lửa tắt hẳn rồi dội nước mát lên người trẻ.
  • Trẻ bị bỏng điện, điều đầu tiên là phải ngắt nguồn điện. Tiếp đó, dùng cây gỗ khô gạt bỏ dây điện ra khỏi người trẻ.
  • Trẻ bị bỏng do hóa chất, khi sơ cứu cần chú ý tránh để hóa chất dây vào người. Mẫu/chai/lọ hóa chất nên được giữ lại để hỗ trợ cho việc chẩn đoán, điều trị sau đó.

Bước 2: Đánh giá sơ qua về mức độ bỏng, kiểm tra trẻ còn tỉnh táo không? đường thở có thông thoáng không? trẻ có đang hô hấp khó khăn không? bỏng có ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu không? cơ xương tại vùng bỏng và những cơ quan khác có bị ảnh hưởng không?… Từ đó, lựa chọn phương hướng sơ cứu trẻ bị bỏng phù hợp. Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu trẻ bất tỉnh.

Bước 3: Để vùng da bị bỏng dưới vòi nước mát chảy nhẹ nhàng trong ít nhất một phút, có thể kéo dài đến khi da hết rát. Mẹ có thể dùng gạc lau nhẹ vết bỏng để làm trôi dị vật, bùn đất bám trên vết bỏng. Lưu ý, không sử dụng nước đá, đá lạnh ngâm hay rửa vết bỏng. Nước dùng rửa vết bỏng nên là nước sạch nhưng nếu không có sẵn, mẹ có thể thay thế bằng nước ao, nước hồ,… Các vùng còn lại của cơ thể cần được giữ ấm cẩn thận.

Không chườm đá, xối nước lạnh, nước đá, hay tự ý thoa kem dưỡng da, kem, thực phẩm (lòng trắng trứng, bơ, kem đánh răng, khoai tây, nước mắm, nước muối dưa cà,…) vào vết bỏng bởi điều này sẽ khiến vết bỏng trở nên nguy hiểm hơn. Chọc vỡ bóng nước không giúp vết bỏng nhanh lành, ngược lại, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng.

Bước 4: Băng, che phủ vết bỏng nhằm phòng ngừa nhiễm bẩn. Sau khi làm sạch vết thương, mẹ nên dùng băng gạc sạch, vải sạch, khăn mặt, khăn tay hoặc vải màn sạch để che phủ vết bỏng. Tiếp đó, dùng băng cuộn, băng vải hoặc băng thun để băng ép vết bỏng.

Bước 5: Giữ ấm, bù nước và điện giải.

Bước 6: Đưa trẻ đi cấp cứu.

Trẻ bị bỏng bôi thuốc gì?

Trường hợp vết bỏng nhẹ, trẻ có thể được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhưng nếu vết bỏng ở mức độ nặng hơn, gây đau đớn và ảnh hưởng tâm lý trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ điều trị tích cực.

Acetaminophen hoặc Ibuprofen có thể được sử dụng với liều lượng phù hợp để giảm đau, hạ sốt cho trẻ. Ngoài ra, một số loại thuốc trị bỏng, thuốc mỡ kháng sinh,… có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng trong điều trị bỏng ở trẻ em.

Lưu ý: Trẻ bị bỏng, bố mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian để trị bỏng cho trẻ. Tất cả các loại thuốc được sử dụng cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng

Phần lớn trẻ bị bỏng là bỏng nhiệt, do tiếp xúc với nước sôi. Tỷ lệ tử vong do loại bỏng này khá thấp, song trẻ vẫn có nguy cơ gặp di chứng nặng nề về sau, có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động hay tâm lý. Ngoài ra, trẻ bị bỏng có thể do các nguyên nhân khác như:

  • Bỏng nhiệt do tiếp xúc với lửa, dầu sôi; canh/nước uống/thức ăn đang sôi; các thiết bị đang nóng như xoong; nồi, chảo, bàn ủi, lò sưởi, bếp than, bô xe,…
  • Bỏng điện do tiếp xúc với các thiết bị không đảm bảo an toàn điện, bị chập điện, đùa nghịch với dây điện, cho tay vào ổ cắm điện,…
  • Bỏng hóa chất do tiếp xúc với các chất tẩy rửa, pin đồng hồ, keo dán sắt,…
  • Bỏng do bức xạ như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, dưới nắng gắt, tiếp xúc với tia UV, tia X,…
  • Bỏng lạnh do tiếp xúc với các vật dụng, kim loại ở nhiệt độ quá thấp.
  • Bỏng do ma sát như chà sát tay liên tục lên mặt phẳng, chạy bộ,…
Đa số trẻ bị phỏng do nước sôiĐa số trẻ bị phỏng do nước sôi.

Cách phòng ngừa trẻ bị bỏng

Tai nạn bỏng có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào; do vậy, chủ động phòng ngừa bỏng cho trẻ em là vô cùng cần thiết, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ bỏng cho trẻ em:

  • Đảm bảo an toàn điện: Che chắn ổ cắm, tránh để trẻ chọc tay vào; ngắt nguồn điện các thiết bị điện khi không sử dụng; kiểm tra/bảo trì các thiết bị điện định kỳ; lắp đặt hệ thống an toàn, tự ngắt khi quá tải điện,…
  • Kiểm soát nhiệt độ thức ăn, nước uống hay nước tắm trước khi cho trẻ tiếp xúc: Thức ăn, nước uống cho trẻ em cần được để nguội để tránh gây bỏng; khi pha nước tắm cho trẻ, nên dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ nước, tránh để nước quá nóng,…
  • Quan sát, lắp đặt các vật dụng tại các vị trí phù hợp, tránh để trẻ đến gần: Khu vực bếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bỏng cho trẻ, mẹ nên lắp đặt thêm một rào cản an toàn để ngăn trẻ đến các khu vực này; bếp, lò nướng dễ gây phỏng, nên đặt ở những chỗ trẻ không thể với tới; sau khi nấu ăn, mẹ nên để quay tay cầm chảo, xoong, ấm nước vào phía trong của bếp,…
  • Giáo dục trẻ về bỏng và nguy cơ bỏng: Giải thích cho trẻ các nguy hiểm khi chơi với lửa, tiếp xúc với nước nóng và giúp cho trẻ hiểu rõ lý do cần tránh xa chúng.
  • Đóng gói các sản phẩm hóa chất: Nước rửa chén, xà phòng, pin, thuốc tẩy,… cần được đóng gói ngăn nắp và cất gọn gàng, không để trẻ nghịch.
  • Giảm sát trẻ cẩn thận: Trẻ vốn có tính tò mò, hiếu kỳ và tinh nghịch; do vậy, dù được răn đe về sự nguy hiểm của bỏng nhưng trẻ vẫn cần được giám sát chặt chẽ.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã nắm rõ cách sơ cứu trẻ bị bỏng và hiểu rõ hơn về bỏng ở trẻ em cũng như phòng ngừa bỏng ở trẻ. Công tác sơ cứu trẻ bị bỏng cần được thực hiện nhanh chóng và đúng cách để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tối đa các tổn thương do bỏng gây ra.

Đọc toàn bộ bài viết