Trẻ bị bỏng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

5 tháng trước 58

Trung bình mỗi năm có khoảng 3.500 người lớn và trẻ em tử vong do bỏng và hỏa hoạn. Tuy nhiên, có đến 75% trường hợp trẻ bị bỏng có thể phòng ngừa.

Trẻ bị bỏng

Trẻ bị bỏng là gì?

Bỏng (còn được gọi là phỏng) là nguyên nhân gây thương tích hàng đầu ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ và trẻ mới biết đi. Bỏng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào tiếp xúc với tác nhân gây bỏng. Tùy vào vị trí và mức độ bỏng, vết phỏng có các điều trị khác nhau và để lại các hậu quả khác nhau.

Trường hợp bỏng nặng, trẻ sẽ bị ảnh hưởng về cả thể chất và tinh thần. Vết bỏng sâu gây tổn thương mô, cơ, có thể khiến trẻ mất chi, biến dạng, mất khả năng vận động, để lại sẹo, nhiễm trùng tái phát,… thậm chí tử vong. Bỏng có thể tạo “ác mộng” tâm lý, khiến trẻ tự ti, trầm cảm. Ảnh hưởng của bỏng không chỉ dừng lại ở chính nạn nhân bị bỏng mà còn tạo gánh nặng cuộc sống, kinh tế cho gia đình, người thân trẻ bị bỏng.

Các loại bỏng ở trẻ em

Bỏng ở trẻ em được chia làm 6 loại chính gồm: bỏng nhiệt, bỏng lạnh, bỏng bức xạ, bỏng hóa chất, bỏng điện, bỏng ma sát. Trong đó, bỏng nhiệt, bỏng điện và bỏng hóa chất là thường gặp nhất.

  • Bỏng nhiệt: Nguồn nhiệt lớn làm tăng nhiệt độ của da và các mô, khiến các tế bào này bị bỏng, thậm chí là cháy. Bỏng nhiệt có thể xảy ra do tiếp xúc với kim loại nóng, chất lỏng nóng, hơi nước, lửa.
  • Bỏng lạnh: Các tổn thương ở da do tiếp xúc với lạnh.
  • Bỏng bức xạ: Vết bỏng gây ra do tiếp xúc dài với tia cực tím, tia X hay các nguồn bức xạ khác.
  • Bỏng hóa chất: Vết bỏng xảy ra do tiếp xúc với Axit, kiềm, chất tẩy rửa hoặc các dung dịch dung môi mạnh.
  • Bỏng điện: Vết bỏng xảy ra do dòng điện.
  • Bỏng do ma sát: Bề mặt da bị cọ xát mạnh dẫn đến tổn thương, bỏng.
nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị bỏng nhiệtTrẻ đang cố với lấy cán chảo trên cao – nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị bỏng nhiệt.

Các cấp độ và dấu hiệu bỏng ở trẻ em

Dựa vào mức độ nghiêm trọng và độ sâu của vết bỏng trên bề mặt da, bỏng ở trẻ em được chia làm 3 cấp độ:

1. Bỏng độ 1

Vết bỏng chỉ ảnh hưởng đến lớp biểu bì hoặc lớp ngoài cùng của da, có màu đỏ, đau, khô và không xuất hiện mụn nước. Cháy nắng nhẹ là một một ví dụ của bỏng độ 1. Tổn thương hiếm khi kéo dài và thường liên quan đến sự tăng/giảm màu da. Quá trình lành vết bỏng thường kéo dài 3 – 6 ngày, lớp da bị bỏng có thể bong ra sau đó 1 – 2 ngày. (1)

2. Bỏng độ 2

Vết bỏng ảnh hưởng đến lớp biểu bì và một phần hạ bì của da, có màu đỏ, phồng rộp, sưng tấy, đau. Trường hợp chăm sóc không cẩn thận, mụn nước có thể vỡ ra, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tại khu vực này sẽ trở nên ẩm ướt hơn, có màu hồng sáng hoặc đỏ anh đào. Quá trình hồi phục vết thương có thể kéo dài 3 tuần hoặc lâu hơn.

3. Bỏng độ 3

Ở bỏng độ 3, lớp biểu bì và hạ bì của da bị phá hủy. Bề mặt bỏng có thể khô, màu trắng như sáp, sần sùi, nâu hoặc cháy thành than. Tế bào thần kinh tại vùng bỏng bị tổn thương nên ban đầu có thể cảm thấy tê, sau đó ít đau hoặc không đau. Quá trình hồi phục thường mất hơn 21 ngày. Khi lành sẽ để lại sẹo.

Cánh tay của trẻ bị bỏng độ 3Cánh tay của trẻ bị bỏng độ 3.

4. Bỏng độ 4

Bỏng độ, vùng bị bỏng có màu trắng như sáp, xám hoặc đen than. Xương, cơ và gân bên dưới vết bỏng có thể bị tổn thương. Nạn nhân có thể cần phẫu thuật cấy ghép da và thực hiện thêm nhiều biện pháp điều trị khác. Thời gian lành vết thương phụ thuộc vào mức độ tổn thương do bỏng.

Nguyên nhân bé bị bỏng

Trẻ em, trẻ nhỏ rất hiếu kỳ, tò mò, nghịch ngợm, hay tiếp xúc với những điều lạ xung quanh nhất là những thứ lấp lánh, ánh sáng bắt mắt… Điều này khiến trẻ tăng nguy cơ bị bỏng. Lửa, nước sôi và điện giật là những nguyên nhân gây bỏng thường gặp nhất ở trẻ em. Các trường hợp bỏng do tiếp xúc với hóa chất, vết bỏng thường nặng nề, phức tạp hơn. Trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài cũng có thể bị bỏng.

Trẻ em có tính tò mò, có thể với lấy các món đồ gây bỏngTrẻ em có tính tò mò, có thể với lấy các món đồ gây bỏng khi chúng ở gần trẻ.

Cách điều trị em bé bị bỏng

Độ tuổi của trẻ, vị trí, mức độ bỏng và phần trăm diện tích bề mặt bỏng trên cơ thể là yếu tố ảnh hưởng đến diễn tiến của vết thương do bỏng gây ra. Theo Hiệp hội Bỏng Hoa Kỳ, trẻ bị bỏng cần được điều trị tích cực tại bệnh viện chuyên khoa nếu: (2)

  • Diện tích vết bỏng chiếm trên 10% tổng diện tích bề mặt cơ thể.
  • Bỏng vùng mặt, tay, chân, háng, cơ quan sinh dục hay toàn bộ cơ thể.
  • Trẻ bị bỏng có các chấn thương đường hô hấp, ảnh hưởng đường thở, phổi.
  • Trẻ bị bỏng có bệnh nền ảnh hưởng đến quá trình hồi phục các tổn thương do bỏng như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh thận…
  • Trẻ bị bỏng hóa chất hoặc bỏng điện.

Trẻ bị bỏng bôi thuốc gì?

Trường hợp bỏng nhẹ, mẹ có thể bôi gel nha đam hoặc thuốc mỡ dành cho da bị bỏng lên vết thương. Nha đam có đặc tính khuẩn, tốt cho điều trị bỏng, làm dịu da, kích thích mọc da non.

Trường hợp bỏng nặng, trẻ có biểu hiện sốt, mẹ có thể cho trẻ dùng Acetaminophen hoặc Ibuprofen giúp giảm đau, hạ sốt. Nếu vết bỏng có mụn nước bị vỡ, thuốc mỡ kháng sinh (Bacitracin, Neosporin) có thể được chỉ định nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng, giúp vết thương nhanh lành.

Cánh tay của trẻ được băng bó lại do bỏngCánh tay của trẻ được băng bó lại do bỏng.

Sơ cứu trẻ bị bỏng

Sơ cứu trẻ bị bỏng nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Bước đầu tiên trong sơ cứu trẻ bị bỏng là cách ly trẻ với tác nhân gây bỏng. Trường hợp trẻ bị bỏng ở miệng và cổ họng, vết bỏng đặc biệt nguy hiểm, có thể gây sưng phế quản dẫn đến ngạt thở nên cần phải nới lỏng phần áo quanh cổ, gọi hỗ trợ hoặc đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Tùy vào nguyên nhân gây bỏng, sơ cứu trẻ bị bỏng sẽ có một số điểm khác nhau, điển hình như:

1. Đối với bỏng do nhiệt

Khi vừa bị bỏng, để vết bỏng dưới vòi nước mát (để nước chảy chậm, nhẹ nhàng) trong khoảng 15 – 20 phút sẽ giúp làm mát vết bỏng, tránh để da bị rộp. Nước mát, sạch, có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết bỏng. Quần áo, đồ trang sức cần được loại bỏ nhẹ nhàng, không để dính vào vết bỏng. Nếu vết bỏng nhẹ, bôi lên vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị sẽ giúp làm dịu cảm giác đau rát, thúc đẩy vết bỏng mau lành. (3)

Lưu ý, trường hợp quần áo của trẻ bị bắt lửa, hoảng loạn sẽ khiến lửa cháy lớn hơn, tăng diện tích bỏng. Trẻ cần được trấn an tâm lý, giữ yên, đặt nằm trên sàn, để phần bị bỏng ở phía trên. Dùng một tấm mền thô hoặc một cái áo dày bằng len dạ bọc bé lại để dập lửa. Lăn trẻ trên sàn nhà cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn rồi dội nước hoặc chất lỏng không bắt lửa (nếu có) lên người trẻ.

2. Đối với bỏng do điện

Đầu tiên, phụ huynh cần cắt nguồn điện, dùng cây gỗ khô gạt bỏ dây điện, kéo trẻ ra khỏi nguồn điện. Nếu trẻ bất tỉnh, cần khai thông đường thở và chuẩn bị hô hấp nhân tạo theo độ tuổi. Để vùng da bị bỏng dưới vòi nước mát đang chảy ít nhất 10 phút để làm mát vết bỏng. Tiếp đó, dùng vải sạch đắp lên vết thương.

Trẻ bị bỏng cần được làm dịu vết thương bằng cách dùng nước mát xối nhẹ vào phần bị bỏng ngay lập tức để làm dịu vết thương, ngăn ngừa vết bỏng sâu thêm. Trường hợp không có sẵn nước sạch, nước sông, ao, ruộng,… có thể thay thế để làm mát vết thương. Việc hạn chế độ sâu của vết bỏng là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới xét đến các yếu tố nguy cơ, nhiễm trùng.

3. Đối với bỏng do hóa học

Khi sơ cứu, cần lưu ý tránh để hóa chất dây vào người, đeo găng tay cao su, dội nước để rửa sạch hóa chất. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, người nhà nên mang theo lọ/mẫu hóa chất gây bỏng ở trẻ để hỗ trợ xác định sớm tác nhân gây bỏng, từ đó có hướng xử trí phù hợp, nhanh chóng.

Lưu ý: Cần giữ ấm cho trẻ và chỉ chườm nước mát vào vết bỏng. Không chườm đá, xối nước lạnh, nước đá hay tự ý thoa kem dưỡng da, kem, thực phẩm (lòng trắng trứng, bơ, kem đánh răng, khoai tây, nước mắm, nước muối dưa cà,…) vào vết bỏng bởi điều này sẽ khiến vết bỏng trở nên nguy hiểm hơn. Chọc vỡ bóng nước không giúp vết bỏng nhanh lành, ngược lại, còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng.

Trường hợp bỏng mức độ nhẹ, không xuất hiện phồng rộp hoặc vỡ, tinh thần trẻ ổn định, phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Nhưng nếu vết bỏng nghiêm trọng hơn, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ tích cực. Trong thời gian này, hãy che vết bỏng bằng băng lỏng, không dính hoặc màng nhựa dính (không dán màng nhựa quá một giờ) cho đến khi bác sĩ xử lý vết bỏng, thay băng mới cho trẻ.

Phòng ngừa bỏng ở trẻ

Phần lớn bỏng ở trẻ em xảy ra tại nhà, chủ yếu ở khu vực bếp và phòng tắm. Cẩn thận sắp xếp các vật dụng trong nhà một cách hợp lý, chủ động phòng ngừa bỏng cho trẻ sẽ giúp giảm nguy cơ đáng kể.

  • Cảnh báo trẻ về sự nguy hiểm tiềm ẩn của các vật dụng có khả năng gây bỏng.
  • Luôn giám sát các hoạt động của trẻ, tránh để trẻ đến gần những đồ dễ gây bỏng.
  • Sắp xếp đồ đạc, các vật dụng trong nhà hợp lý, đảm bảo an toàn cho trẻ: để phích cắm, ấm nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa ở trên cao, nơi trẻ không thể với tới, đặt bếp ở trên cao, khi nấu ăn xong, quay cán xoong, chảo vào phía trong.
  • Tránh cho trẻ dùng thức ăn, đồ uống nóng.
  • Dùng nhiệt kế kiểm tra nước tắm cho trẻ, không để nước nóng quá 50 độ C.
  • Nếu pha nước tắm cho trẻ, phụ huynh đổ nước lạnh vào trước, sau đó thêm dần nước nóng, chú ý theo dõi nhiệt kế để đảm bảo nhiệt độ nước tắm phù hợp.
  • Không để trẻ đến gần bàn ủi, lò sưởi, bật lửa, diêm, các vật dụng đang cháy.
  • Lắp đặt và thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị báo khói.
  • Đảm bảo an toàn điện: kiểm tra định kỳ các thiết bị điện, thay mới/bảo trì đồ dùng điện khi có dấu hiệu hư mòn, ngắt khỏi nguồn điện khi không sử dụng, không cho trẻ sờ mó/đến gần/đùa nghịch với dây điện, lắp thiết bị ngắt mạch/nguồn điện.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Nếu trẻ gặp các vấn đề dưới đây, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám ngay lập tức:

  • Vết bỏng sâu (trẻ có thể không cảm thấy đau).
  • Vết bỏng có kích thước trên 3cm hoặc xuất hiện mụn nước.
  • Bỏng ở vùng mặt, tay, bộ phận sinh dục, cổ họng hoặc đường thở.
  • Tinh thần trẻ hoảng loạn hoặc phụ huynh quá lo lắng về vết bỏng và các chấn thương liên quan.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Trẻ bị bỏng cần được xử lý và chăm sóc đúng cách, kịp thời để giảm thiểu các tổn thương do bỏng gây ra. Chủ động phòng ngừa bỏng, tránh để trẻ đến gần các vật dụng có thể gây bỏng và sắp xếp không gian sống gọn gàng, an toàn là các tốt nhất để giảm nguy cơ bị bỏng cho trẻ.

Đọc toàn bộ bài viết