Cựu trung vệ Mạnh Dũng: 'Muốn hạ Indonesia, phải cương nhu đúng lúc'

7 tháng trước 44

Theo cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng, Việt Nam cần chia trận đấu thành ba giai đoạn, bên cạnh việc chơi kiên nhẫn, tập trung và cả mưu mẹo trước Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 hôm nay.

- Việt Nam phải thắng Indonesia trong trận đấu ở Mỹ Đình hôm nay để lấy lại nhì bảng F và nuôi hy vọng đi tiếp tại vòng loại World Cup 2026 - khu vực châu Á. Theo anh, thầy trò Philippe Troussier cần tiếp cận trận đấu thế nào?

- Việt Nam chỉ có một con đường để đi trận này là chiến thắng. Một trận hòa cũng không đủ để cải thiện vị trí, trong bối cảnh phải gặp Iraq quá mạnh ở một trong hai trận còn lại vào tháng 6. Đó rõ ràng là một tình huống phức tạp.

Nhưng được chơi trên sân nhà là một lợi thế cần tận dụng, vì các cầu thủ không mất thời gian để làm quen thời tiết, mặt cỏ hoặc không gian thi đấu. Do đó, họ nên vào trận với tư tưởng thoải mái để phát huy tốt nhất khả năng.

Ban huấn luyện cũng phải lên kế hoạch rõ ràng, cương nhu đúng lúc. Theo tôi, đội tuyển có thể chia trận đấu thành ba giai đoạn. Phải biết khi nào cần phòng thủ, khi nào cần giữ nhịp và khi nào cần tấn công. Việc phân phối sức và sắp xếp, điều chỉnh con người phù hợp cho từng giai đoạn đó có thể mang lại hiệu quả.

Trận đấu ở sân Bung Karno hôm 21/3 cho thấy, Indonesia không tầm thường, không phải cứ ào lên muốn thắng là được. Do đó, Việt Nam cần tiếp cận thận trọng, kiểm soát chặt chẽ, đưa trận đấu vào cuộc chơi của mình rồi mới nghĩ đến chuyện ghi bàn.

HLV Troussier hướng dẫn các cầu thủ tập luyện trên sân Mỹ Đình ngày 25/3. Ảnh: Hiếu Lương

HLV Troussier hướng dẫn các cầu thủ tập luyện trên sân Mỹ Đình ngày 25/3. Ảnh: Hiếu Lương

- Ở lượt đi tuần trước, Việt Nam đã nhập cuộc mạnh mẽ, kiểm soát bóng tốt trong nửa đầu hiệp một nhưng sau đó đánh mất thế trận rồi nhận bàn thua trước Indonesia. Theo anh, đội tuyển cần rút ra bài học gì?

- Khác với nhiều người, tôi không trách HLV Philippe Troussier. Các cầu thủ Việt Nam cần nhìn lại bản thân, vì đã thực hiện không đúng yêu cầu của HLV.

Nhiều người đòi sử dụng những cầu thủ kỳ cựu, nhưng rõ ràng Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Hoàng Đức đều có mặt trên sân mà có làm được gì đâu. Rồi có ý kiến trách móc Troussier không cho Nguyễn Quang Hải thi đấu. Nên nhớ, sau khi từ nước ngoài về, cậu ấy đã xuống phong độ, không còn bén nhạy như trước. Đó là một trong những cầu thủ chơi mờ nhạt nhất ở trận đấu Indonesia tại Asian Cup. Vũ Văn Thanh hay Nguyễn Văn Toàn chỉ có sức lực và tốc độ, chứ không phải lúc nào cũng toả sáng.

Tôi đang mong HLV Troussier tung đội hình mạnh nhất theo mong muốn của người hâm mộ, tức là các cầu thủ tên tuổi kể trên, cộng với Hồ Tấn Tài hay Nguyễn Tiến Linh nữa, để xem họ đá thế nào. Tôi đảm bảo họ không còn đủ thể lực, chỉ chạy được 60-70 phút là hết hơi. Lứa cầu thủ vàng từ thời Thường Châu đã qua đỉnh cao, thậm chí không còn nhiều động lực và khát khao như trước nữa. Do vậy, Troussier có những lý do để kết hợp cầu thủ trẻ và kinh nghiệm cùng nhau. Vấn đề chính ở đây là các cầu thủ không phát huy được kinh nghiệm, phong độ và bài vở được học tập để mang lại thành quả chung.

- Việt Nam thủng ba bàn trong những trận gặp Indonesia gần đây vì những quả ném biên. Là một trung vệ kỳ cựu, anh hiến kế thế nào cho đội tuyển để chống các pha bóng bổng đó?

- Bàn thua hôm 21/3 là do cầu thủ Việt Nam chủ quan, không nghĩ đối phương ném biên mạnh như thế. Điều này đã lặp đi lặp lại ở SEA Games lẫn Asian Cup nhưng đội tuyển không có phương án chống trả. Đó là điều đáng trách.

Để chống bóng bổng của phạt góc, chúng ta cần tập trung số đông cầu thủ ở vòng cấm, theo sát đối phương và cho thủ môn đội nhà phạm vi hoạt động rộng để anh ta tận dụng đôi tay hoá giải bóng. Còn về ném biên, đó là vũ khí mà nhiều đội bóng trên thế giới áp dụng chứ không riêng Indonesia. Ném biên có lợi thế là không tính việt vị nên cầu thủ đối phương thường di chuyển sâu vào vòng cấm. Nhưng khi ném biên, bóng sẽ vòng lên cao mới rơi xuống chứ không đi theo phương ngang như đá phạt, do đó lực đi nhẹ hơn và dễ đoán hơn. Vì thế, đầu tiên cần dùng tiểu xảo, cử người chạy nhảy trước cầu thủ ném biên. Không thể cản được nhưng cũng khiến họ phân tâm, che tầm nhìn cầu thủ ném và cầu thủ tiếp nhận bóng. Các hậu vệ cũng phải mưu mẹo, tập trung nhân sự cao to, theo sát các mũi nhọn của đối phương và đọc tình huống phá bóng. Đội tuyển cần cầu thủ chỉ huy, la hét, chỉ đạo đồng đội phòng ngự trong tình huống này. Họ cần ngăn cản đối phương để thủ môn hoạt động rộng hơn, dùng tay đấm bóng hoặc ôm gọn.

Tôi nghĩ, những bài này HLV nào cũng chỉ dạy, chỉ là các cầu thủ trên sân có phát huy kinh nghiệm, khả năng phán đoán để áp dụng đúng hay không. Thời chúng tôi còn thi đấu, Hồ Quý Đức của Khánh Hoà ném biên rất mạnh, toàn vào vòng cấm. Nhưng sau vài lần bỡ ngỡ, chúng tôi đã tập trung phán đoán và phá được hết.

Nguyễn Mạnh Dũng (số 15) từng là trung vệ nổi tiếng của Việt Nam, khoác áo Thể Công, HAGL và nhiều năm ở đội tuyển. Trong ảnh, anh tập luyện cùng Kiatisuk ở HAGL giai đoạn 2003-2004.

Nguyễn Mạnh Dũng (số 15) từng là trung vệ nổi tiếng của Việt Nam, khoác áo Thể Công, HAGL và nhiều năm ở đội tuyển. Trong ảnh, anh tập luyện cùng Kiatisuk ở HAGL giai đoạn 2003-2004.

- HLV Troussier đang chịu nhiều áp lực sau chuỗi trận không tốt. Theo anh, tương lai của ông ấy với bóng đá Việt Nam thế nào?

- Việc này phải để Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tôi nghĩ trong hợp đồng đều ghi rõ HLV bị sa thải trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào thì tiếp tục.

Cá nhân tôi không bênh vực Troussier, nhưng tôi nghĩ ông ấy chẳng có lỗi gì. Ông ấy nhận đội tuyển lúc "thiên không lợi, nhân không hoà" thôi. Tôi cũng không ghét bỏ gì Park Hang-seo, nhưng rõ ràng ông ấy may mắn khi đến vào thời điểm có một lứa cầu thủ đã kinh qua nhiều giải đấu thất bại nhưng có nhiều kinh nghiệm, kết nối họ lại và mang về nhiều thành tích.

Dưới thời Troussier, chính lứa cầu thủ kể trên có chiều hướng đi xuống, thiếu khát khao và động lực. Vì thế, ông ấy mới được ký hợp đồng dài hạn để xây dựng và kết hợp hai lứa cầu thủ, hướng tới World Cup 2030. Muốn được như thế, lứa trước phải dìu dắt và truyền đạt cho lứa sau. Các đàn anh phải thực sự chuyên nghiệp, tập luyện nghiêm túc và tuân thủ mọi sự sắp xếp của HLV. Chỉ khi nào họ thật sự cố gắng hết mình, nhưng đội tuyển vẫn còn nhiều sai số thì đó mới là lỗi của HLV trưởng.

Một số cầu thủ đá tốt ở V-League, nhưng ra quốc tế không phát huy được. Đó là do trình độ còn kém, chưa phát huy hết bản năng, kinh nghiệm. Chứ HLV không đá thay, không nghĩ thay cầu thủ trên sân được.

- Vậy anh nghĩ thế nào về kết quả hôm nay?

- Là người Việt Nam, ai chẳng muốn thắng. Tôi ước chúng ta thắng 2-0. Indonesia sẽ muốn từ hoà đến thắng để giữ lợi thế, nên Việt Nam cần tiết chế, đừng nhồng lên, ào ạt dâng để rồi nhận trái đắng thì khó nuốt trôi.

Nhưng thực ra, ngay cả khi không thể vào vòng sau cũng không phải vấn đề lớn. Bởi suy cho cùng, Việt Nam có đi tiếp đến vòng loại thứ ba cũng không thể đoạt vé World Cup. Những trận thua te tua ở vòng đấu này dưới thời HLV Park cho thấy chúng ta vẫn còn một khoảng cách xa so với châu lục, chứ đừng nói đến thế giới.

Vì vậy, mục tiêu của chúng ta là xây dựng một nền móng, một kế hoạch dài hạn hướng đến tương lai, trong đó World Cup 2030 là thực tế nhất.

Đức Đồng

Đọc toàn bộ bài viết