Đau ngực, khó thở vì mạch máu tim nghẽn cứng

7 tháng trước 73

Bà Thư, 65 tuổi, đau tức ngực hai tuần thì phát hiện thiếu máu cơ tim nặng do mạch vành bị mảng vôi cứng bít tắc gần hết.

Đau ngực, khó thở vì mạch máu tim nghẽn cứng

Trước đó hai tuần, bà Thư (ngụ Q.12 TP HCM) thỉnh thoảng thấy tức ngực, khó thở nhưng triệu chứng không rõ rệt nên bà không để tâm. Gần đây những triệu chứng này rõ hơn, cơn đau tức ngực kéo dài trên 15 phút kèm cảm giác hụt hơi, khó thở khi gắng sức. Bà đến khám tại bệnh viện Tâm Anh. Bác sĩ nghi ngờ đây là dấu hiệu thiếu máu cơ tim nên chỉ định chụp mạch vành.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp Mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, cả nhánh chính và nhánh phụ (nhánh diagonal) hẹp nặng tại chỗ chia đôi, vôi hóa rất nặng lan vào tận thân chung động mạch vành trái khiến cơ tim thiếu máu nuôi nghiêm trọng, nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao.

Đối với các trường hợp thiếu máu cơ tim do hẹp nghẽn mạch vành đơn thuần (đoạn mạch hẹp ngắn, không vôi hóa, mạch máu không teo), bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp đặt stent ngay để cứu cơ tim.

Tuy nhiên, bác sĩ Long nhận định, mạch vành bà Thư hẹp lan tỏa (hẹp rải rác nhiều chỗ), mạch máu bị teo do mảng xơ vữa bám chắc. Nếu can thiệp sẽ gặp nhiều rủi ro như thủng mạch máu, không thể đưa stent vào lòng mạch, tụt huyết áp, đột tử. Sau khi cân nhắc lợi ích – nguy cơ cũng như nguyện vọng gia đình, bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa và theo dõi.

Một tuần sau, tình trạng bệnh nhân không thuyên giảm mà diễn tiến nặng hơn. Bà Hoàn đau ngực dữ dội kéo dài, khó thở nhiều. Lúc này, ê kip hội chẩn lần hai, quyết định tìm phương án can thiệp khả thi để cứu nhánh mạch vành quan trọng cho người bệnh.

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng Đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp Mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM chia sẻ, để tiếp cận đoạn mạch máu hẹp, trước tiên phải “giải quyết” mảng xơ vữa bám chặt. Bác sĩ sử dụng sợi dây gắn mũi khoan đính kim cương (Rotablator) kích thước 1.5 mm để phá tan mảng vôi cứng, dọn đường đưa bóng vào nong mạch đặt stent. Nhờ thao tác chuẩn xác, mạch máu không bị mũi khoan làm tổn thương gây thủng.

Ê kip bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh dùng mũi khoan đính kim cương khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng mạch máu dọn đường đặt stentÊ kip bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh dùng mũi khoan đính kim cương khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng mạch máu dọn đường đặt stent

Tiếp đến, tại chỗ chia đôi mạch vành trái cần đặt một stent cho mỗi nhánh. Ê kip dùng kỹ thuật “kissing balloon” (đưa cùng lúc 2 bóng cứng vào nong 2 nhánh mạch vành). Nhờ đó, mạch máu được nong rộng, thuận lợi để đưa stent 3.0 mm và 3.5 mm vào áp sát thành mạch, mở rộng lòng mạch và tái thông dòng máu nuôi tim cho bệnh nhân.

Kết quả chụp mạch vành sau can thiệp cho thấy động mạch vành trái thông tốt với đường kính mạch máu mở rộng tối đa. Bà Thư hết hẳn triệu chứng đau ngực, khó thở.

Bà chia sẻ: “Với tình trạng tổn thương phức tạp như của tôi, thật không ngờ các bác sĩ tiến hành can thiệp một cách rất nhanh chóng, nhẹ nhàng. Hai giờ sau thủ thuật, tôi thấy sức khỏe mình tốt hơn cả lúc chưa nhập viện, tinh thần phấn chấn, tươi tỉnh”. Bà được xuất viện sau đó hai ngày.

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh hướng dẫn bà Thư chăm sóc sau can thiệpThS.BS.CKII Võ Anh Minh hướng dẫn bà Thư chăm sóc sau can thiệp

Bác sĩ Minh cho hay, toàn bộ quá trình tái thông mạch vành cho bà Thư chỉ diễn ra trong 60 phút. Trong khoảng thời gian ít ỏi đó, ê kip đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là mảng xơ vữa gần như làm đông cứng mạch máu, khiến ê kip phải khoan nhiều lần, vừa khoan vừa theo dõi chặt chẽ nhịp tim, huyết áp, huyết động học cũng như chỉ số SpO2 của người bệnh.

Thứ hai, mạch vành hẹp lan tỏa từ thân chung mạch vành trái đến đoạn giữa động mạch liên thất trước, đồng thời hẹp ngay chỗ chia đôi mạch máu, đòi hỏi stent đặt vào phải bao phủ tất cả đoạn hẹp. Dù chỉ bỏ sót một đoạn mạch xơ vữa bị tổn thương mà không có stent cũng khiến nguy cơ tái hẹp, huyết khối trong stent tăng rất cao.

“Có thể nói, với một bệnh nhân bị vôi hóa nặng mạch vành, thân chung tắc nghẽn phức tạp như bà Thư mà đặt được stent kích thước lớn, nở trọn, không biến chứng là một thành công lớn”, bác sĩ Minh khẳng định.

Theo bác sĩ Long, vôi hóa mạch vành là sự tích tụ mảng xơ vữa trong thời gian dài (trên 5 năm) ở các mạch máu chính của tim. Kết quả là động mạch vành cứng lại, teo nhỏ, giảm đàn hồi, khiến lưu lượng máu đến tim ít hơn.

Kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch là phương pháp tiên tiến trong điều trị hẹp mạch vành do vôi hóa, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, hẹp lan tỏa nhiều nhánh và nhiều vị trí… Bên cạnh đó, hệ thống IVUS – siêu âm trong lòng mạch giúp bác sĩ đặt được stent kích thước lớn, áp sát lòng mạch, phòng ngừa tái hẹp phải đặt lại stent.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Cập nhật lần cuối: 01:39 30/03/2024

Đọc toàn bộ bài viết