Hiểu và điều trị triệu chứng đau do ung thư buồng trứng

3 năm trước 38

Ung thư buồng trứng được cho là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh di căn (lan đến những khu vực, bộ phận khác trong cơ thể).

Triệu chứng ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất xảy ra ở phụ nữ. Nguyên nhân một phần là do bệnh này thường không được phát hiện sớm. Khi được phát hiện muộn thì bệnh sẽ rất khó điều trị và tiên lượng xấu.

Ung thư buồng trứng được cho là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh di căn (lan đến những khu vực, bộ phận khác trong cơ thể).

Tuy nhiên, ung thư buồng trứng không hoàn toàn “thầm lặng”. Mặc dù các triệu chứng không bộc lộ rõ và nếu có thì cũng giống với nhiều vấn đề, bệnh lý khác nhưng bệnh ung thư này có gây ra một số thay đổi như:

  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Chán ăn
  • Ăn nhanh no
  • Đau ở vùng chậu
  • Táo bón
  • Mệt mỏi
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, ví dụ như kinh nguyệt ra nhiều
  • Thường xuyên buồn tiểu gấp hay đi tiểu nhiều hơn bình thường

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư buồng trứng là các cơn đau, thường xảy ra ở bụng dưới và lưng.

Tại sao ung thư buồng trứng lại gây đau?

Triệu chứng đau do ung thư buồng trứng có thể bắt đầu xảy ra khi khối u chèn ép lên các bộ phận của cơ thể như:

  • Nội tạng
  • Dây thần kinh
  • Xương

Ung thư càng lan rộng thì cơn đau càng dữ dội và xảy ra thường xuyên. Ở những phụ nữ bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3 và 4 thì các cơn đau thường là triệu chứng chính.

Đôi khi nguyên nhân gây đau là do các phương pháp điều trị nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư, ví dụ như hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh này gây cảm giác đau và nóng rát ở:

  • cánh tay
  • cẳng chân
  • bàn tay
  • bàn chân

Một trong những vấn đề xảy ra trong thời gian hóa trị là xuất hiện những vết loét gây đau ở quanh miệng.

Sau phẫu thuật điều trị ung thư, bệnh nhân có thể gặp hiện tượng khó chịu và đau nhức kéo dài đến vài tuần.

Triệu chứng đau do ung thư sẽ trở nên nặng dần lên theo thời gian còn đau do các phương pháp điều trị sẽ đỡ dần và biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị. Tùy theo nguyên nhân gây đau mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị, khắc phục cụ thể.

Nhiều phụ nữ mặc dù nhận thấy những cơn đau bất thường nhưng lại không đi khám vì sợ là nếu đi khám thì sẽ phát hiện ra một căn bệnh hiểm nghèo, ví dụ như ung thư. Và cũng có không ít người cố gắng chịu đựng cơn đau đớn trong quá trình điều trị thay vì báo với bác sĩ. Một trong các lý do của việc này là vì nhiều bệnh nhân lo rằng nếu kiểm tra thì sẽ phát hiện ra rằng phác đồ điều trị hiện tại không có hiệu quả và ung thư đang ngày một lan rộng.

Tuy nhiên, không nên chịu đựng tình trạng đau đớn. Có nhiều biện pháp để giảm đau, kiểm soát sự khó chịu và duy trì chất lượng cuộc sống trong quá trình điều trị ung thư.

Thông thường, trước khi chỉ định biện pháp giảm đau thì bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đau đớn bằng những câu hỏi như:

  • Đau đớn đến mức nào?
  • Đau ở đâu?
  • Cơn đau thường xảy ra vào những lúc nào?
  • Cơn đau có kéo dài liên tục không hay chỉ thoáng qua và tự hết?
  • Có điều gì kích hoạt các cơn đau không?

Hoặc bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh đánh giá mức độ đau đớn mà mình gặp phải theo thang điểm từ 0 đến 10. Các câu hỏi và thang điểm sẽ giúp bác sĩ tìm ra phương pháp giảm đau phù hợp nhất.

Kiểm soát triệu chứng đau do ung thư buồng trứng

Các phương pháp chính để điều trị ung thư buồng trứng là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị để loại bỏ hoặc thu nhỏ khối u một cách tối đa. Mục đích chính của các phương pháp này là kéo dài tuổi thọ và cải thiện các triệu chứng như đau đớn.

Nhiều trường hợp còn phải phẫu thuật để cắt đi những đoạn tắc nghẽn ở ruột, hệ tiết niệu hoặc thận. Đây cũng là những nguyên nhân góp phần khiến người bệnh bị đau.

Bác sĩ cũng có thể kê thuốc để trực tiếp xử lý triệu chứng đau do ung thư. Loại thuốc giảm đau được kê sẽ dựa trên mức độ đau đớn mà mỗi người phải trải qua.

Với các cơn đau mức độ nhẹ thì có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen.

Thuốc chống viêm không steroid có tác dụng làm giảm đau và giảm phản ứng viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng liên tục trong thời gian dài sẽ gây ra những tác dụng phụ như loét dạ dày tá tràng, đau đầu hoặc gây hại cho gan, vì vậy chỉ nên sử dụng liều tối thiểu và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Khi bị đau nhiều hơn thì có thể sẽ cần đến các thuốc giảm đau opioid. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị triệu chứng đau do ung thư là morphin. Ngoài ra, các lựa chọn khác còn có:

  • fentanyl
  • hydromorphone
  • methadone

Những loại thuốc này cũng đi kèm với nhiều tác dụng phụ như:

  • Buồn ngủ
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đầu óc lú lẫn
  • Táo bón
  • Chóng mặt

Thuốc giảm đau nhóm opiod có thể gây nghiện. Do đó, cần sử dụng thật cẩn thận theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Tùy thuộc vào vị trí đau mà người bệnh còn một lựa chọn khác là tiêm thuốc phong bế thần kinh. Đây là phương pháp tiêm trực tiếp thuốc giảm đau vào dây thần kinh hoặc vào vùng xung quanh cột sống. Phương pháp này cho hiệu quả giảm đau cao và lâu dài hơn so với thuốc chống viêm không steroid hay thuốc giảm đau nhóm opiod.

Các loại thuốc khác đôi khi cũng được sử dụng để giảm triệu chứng đau do ung thư buồng trứng gồm có:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chống động kinh
  • Steroid

Khi cơn đau quá nghiêm trọng và thuốc không có tác dụng thì sẽ cần tính đến phương án phẫu thuật cắt dây thần kinh để không còn cảm thấy đau.

Biện pháp thay thế

Ngoài các loại thuốc giảm đau nói trên, bệnh nhân ung thư cũng có thể thử thêm những biện pháp dưới đây để làm dịu bớt cảm giác đau đớn:

  • Châm cứu: Châm cứu là phương pháp sử dụng kim mảnh để kích thích các huyệt khác nhau trên cơ thể, từ đó giúp giảm đau và các triệu chứng khác như mệt mỏi và phiền muộn trong quá trình điều trị ung thư.
  • Hít thở sâu: Các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu có thể giúp làm dịu cơn đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Liệu pháp hình ảnh: Phương pháp này giúp người bệnh chuyển sự chú ý từ cảm giác đau trên cơ thể sang một ý nghĩ hoặc hình ảnh có tác dụng làm dịu tâm trí.
  • Liệu pháp mùi hương, mát-xa và thiền cũng là những biện pháp khác giúp người bệnh thư giãn và đỡ đau. Có thể thử các biện pháp này cùng với thuốc giảm đau trong quá trình điều trị ung thư buồng trứng.

Khi nào cần đi khám?

Khi nhận thấy những cơn đau bất thường nghi là ung thư thì nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân. Khi đã được chẩn đoán ung thư buồng trứng và bị đau trong quá trình điều trị thì cũng nên báo với bác sĩ để có biện pháp giảm đau.

Đọc toàn bộ bài viết