Những năm gần đây, việc MU bắt buộc có vé dự C1 giống như chỉ tiêu KPI trong công việc của từng nhân viên tại công ty. Ví von đơn giản hơn, nó giống như việc Man City bây giờ phải vô địch NHA còn nếu không, đó là thất bại. Nhưng việc dự C1, không chỉ đơn giản là vì lòng tự ái, sự tự tôn đối với MU lúc này mà còn vì “miếng cơm, manh áo”.
Champions League là mỏ vàng của mọi đội bóng
Tin tốt cho MU khi CLB xếp ở vị trí thứ 5 tại Premier League mùa này cũng sẽ đủ điều kiện tham dự Champions League 2024/25 nhờ BXH chỉ số các CLB UEFA của bóng đá Anh. Rõ ràng, cơ hội được quay lại sân chơi đẳng cấp nhất châu Âu đã lại “mở” ra với Quỷ đỏ bởi nếu vẫn chỉ lấy top 4, đội bóng của HLV Erik Ten Hag có lẽ chỉ còn mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra với họ vào cuối mùa giải này.
Hiện tại, MU đang đứng thứ 6 trên BXH Ngoại hạng Anh, kém 6 điểm so với vị trí thứ 5 của Tottenham và giải đấu này vẫn còn 10 vòng đấu nữa. Mọi thứ hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là khi Tottenham không có sự ổn định như các đội phía trên nên cơ hội để MU chiếm lấy thứ hạng của Tottenham vẫn rất sáng sủa. Nhưng nếu nhìn vào dự đoán của Opta, MU chắc chắn sẽ chẳng vui. Hãng thống kê này dự đoán MU sẽ chỉ có vé dự Europa League mùa tới và cánh cửa đưa họ tới Champions League, tức cán đích ở vị trí thứ 5 Ngoại hạng Anh chung cuộc chỉ là 15,6%.
Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề lớn nhất là MU phải dự Champions League bằng mọi giá nếu không họ sẽ gặp rắc rối rất lớn. Tương lai của Ten Hag, việc chuyển nhượng và thậm chí là rắc rối về tài chính. Nhưng nếu MU không thể giành vé dự Champions League 2024/25, thì thảm họa tài chính sẽ lớn tới mức nào?
Trong báo cáo thường niên, MU có nên rõ vấn đề và gạch rất đậm đoạn “việc không dự Champions League sẽ dẫn đến doanh thu giảm đáng kể”. Theo phân bổ từ UEFA thì sẽ có khoảng 2,1 tỷ euro được chia cho các CLB tham dự Champions League hàng năm. 25% số đó được cho tất cả các đội giành vé dự vòng bảng, 30% được trả liên quan đến màn trình diễn của mỗi đội tại giải đấu và 30% khác được trả theo hệ số 10 năm của mỗi CLB dựa vào BXH UEFA. 15% cuối cùng được trả tùy theo bản quyền truyền hình trong nước.
Lấy Man City là ví dụ. Mùa trước, họ thu về khoản tiền thưởng lên tới 134,9 triệu euro. Xếp thứ 2 không phải là Á quân Inter mà là Real – CLB thua Man City ở bán kết đã đút túi 118,8 triệu euro. So sánh con số đó với 21,8 triệu euro mà Sevilla, đội đã vô địch Europa League sau khi bị loại khỏi Champions League, bạn có thể thấy độ siêu vênh giữa 2 giải đấu là như thế nào. Đấy là lý do, các đội bóng sẵn sàng trả mọi giá để có được suất dự cúp C1 châu Âu. Như chính chủ tịch của Napoli là ông Aurelio De Laurentiis từng nhấn mạnh, hoặc là Champions League, hoặc là ko có gì.
MU có thể an toàn trước Luật công bằng tài chính
Mùa trước, ngay cả khi bị loại từ vòng bảng Champions League và thi đấu ở Europa League sau đó, MU vẫn thu về tổng cộng 87,9 triệu euro từ bản quyền truyền hình và tiền thưởng. Khi xuống đá ở cúp C2, mặc dù bị loại ở tứ kết, MU vẫn kiếm được 32,6 triệu euro từ UEFA – nhiều nhất so với bất kỳ đội nào ở Europa League. Đương nhiên vì đó là từ danh tiếng MU.
Ngay cả khi sớm chia tay Champions League 2023/24 từ vòng bảng, MU vẫn sẽ nhận được 60,2 triệu euro từ UEFA. Với thể thức mới, UEFA kỳ vọng sẽ nâng doanh thu lên 4,4 tỷ euro, trong đó họ dành 2,5 tỷ euro chia cho các đội bóng tham dự Champions League, phần còn lại trả cho các CLB dự Europa League và Europa Conference League. Đương nhiên, con số 60 triệu euro mà MU được chia kia chả thấm vào đâu nếu biết rằng càng tiến xa và vô địch Champions League, tiền thưởng thu về sẽ là từ 2,5 đến 3 lần.
Nếu không dự Champions League 2024/25, MU sẽ không được nhận 18,6 triệu euro tiền xuất hiện dự vòng bảng, mà chỉ nhận được 4,1 triệu euro nếu đá ở Europa League. Trong khi các CLB dự Europa League sẽ chỉ nhận được 450.000 euro cho mỗi chiến thắng ở vòng bảng và 1,75 triệu euro khi lọt vòng loại trực tiếp, thì các đội bóng ở Champions League sẽ nhận được lần lượt 2,1 triệu euro và 11 triệu euro. Ngay cả khi UEFA có thưởng thêm cho những đội nhất bảng, nhì bảng, lọt vào vòng play-off Europa League (ở Champions League không có vòng này) thì nó cũng chưa bằng được việc xuất hiện tại vòng bảng.
Ngoài ra, nếu không được dự Champions League, nhà tài trợ Adidas sẽ cắt giảm 30% khoản thanh toán hàng năm trị giá gần 87 triệu euro (tương đương 26 triệu euro) đối với MU. Vì thế theo The Athletic, việc dự Champions League chỉ có thể có lợi cho việc MU tuân thủ các quy định của FFP (Luật công bằng tài chính). Nhưng liệu việc không đủ điều kiện có khiến họ có nguy cơ bị vi phạm không? Thực tế, Quỷ đỏ đã vi phạm các quy định của FFP mùa trước sau một năm không được tham dự Champions League và bị phạt 300.000 euro vì vi phạm “nhỏ” trong bài kiểm tra hòa vốn của UEFA (mức doanh thu bằng tổng chi phí).
Ngoài ra, MU cũng bị cảnh báo về việc tuân thủ các quy tắc của PSR (Quy tắc lợi nhuận và bền vững): CLB không được phép thua lỗ quá 121,8 triệu euro trong 3 mùa giải liên tiếp. Thực tế, họ đã lỗ rất nhiều tiền trong những năm gần đây, nhưng từ mùa giải tới trở đi, khoản lỗ trước thuế 174 triệu euro phải gánh chịu trong mùa giải 2021/22 sẽ không còn nằm trong giai đoạn giám sát của UEFA hoặc Premier League nữa. Việc được trừ khoản 174 triệu euro đó, thì miễn không bị thâm hụt con số tương tự vào cuối mùa này, MU sẽ ổn về tài chính, dù có được chơi ở Champions League hay không.
Nhưng đừng quên 25% của mùa 2022/23
Chẳng ai làm ăn mà đi dựa vào cấu trúc “nếu thì” để đứng vững hoặc xây dựng đế chế cho riêng mình. Có 1 cách khác để nói về việc MU bằng mọi giá phải có suất dự Champions League mùa tới, đó là các cầu thủ hãy về nhà và xem lại hợp đồng đã ký. Chắc chắn trong đó có ghi, họ sẽ bị giảm thu nhập nếu như đội nhà xem cúp C1 châu Âu qua tivi.
Rất gần thôi, trở lại với mùa giải 2021/22, thất bại 0-4 trên sân Brighton ở vòng 36 Ngoại hạng Anh mùa đó khiến Man Utd hết cửa dự Champions League 2022/23. Việc vắng mặt ở Champions League khiến Man Utd sụt giảm doanh thu, gồm tiền bán vé, bản quyền truyền hình hay tiền thưởng…. Bởi vậy, lương của các cầu thủ đội một Man Utd đã giảm đáng kể, mỗi người bị trừ 25% thu nhập của mùa 2022/23.
Đơn cử như Ronaldo. Mùa giải đó khi siêu sao người Bồ Đào Nha còn đang chơi cho MU cũng phải chấp nhận sụt giảm thu nhập đáng kể. Ngày ấy, Ronaldo đang hưởng 385.000 bảng/tuần và số tiền chuyển vào tài khoản anh mỗi tuần trong mùa 2022/23 chỉ còn 288.000 bảng – mức lương thấp nhất mà CR7 hưởng trong hơn 10 năm qua, trước khi anh sang Saudi Arabia để khoác áo Al Nassr. Ngôi sao nhận lương cao thứ 2 đội khi ấy là David de Gea cũng từ 375.000 bảng chỉ còn nhận 281.000 bảng/tuần.
Rõ ràng, khoản trừ mỗi người khác nhau nhưng đã hụt lương là chẳng ai vui. Nếu không muốn khi nhìn thấy “ting ting” mà lòng chán chường, Bruno Fernandes và các đồng đội chỉ còn nước đá bằng hết khả năng và phải vào top 5 Ngoại hạng Anh 2023/24 bằng mọi giá. Còn không… họ chỉ nên hi vọng có CLB nào đó ở Saudi Arabia quan tâm và sẵn sàng trả lương cho mình để viết đơn xin rời MU thôi.