Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc bị lạc nội mạc tử cung sẽ giảm khả năng thụ thai thành công và làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.
Nội dung chính của bài viết
- Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh.
- Tuy nhiên, việc bị lạc nội mạc tử cung sẽ giảm khả năng thụ thai thành công và làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.
- Mang thai khi bị vấn đề này được coi là thai kỳ nguy cơ cao nên cần theo dõi sát sao và hết sức cẩn thận trong suốt thai kỳ để có thể kịp thời phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh phụ khoa trong đó những mô vốn chỉ hình thành ở bề mặt bên trong tử cung (được gọi là nội mạc tử cung hay niêm mạc tử cung) lại phát triển ở những nơi bên ngoài buồng tử cung, ví dụ như mặt ngoài của tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, các cơ quan trong hệ tiết niệu hay đường tiêu hóa dưới. Buồng trứng là cơ quan có chức năng giải phóng trứng mỗi tháng và ống dẫn trứng mang trứng từ buồng trứng đến tử cung.
Khi bất kỳ cơ quan nào trong số này bị tổn thương, tắc nghẽn hoặc bị kích thích bởi mô niêm mạc tử cung thì việc mang thai và duy trì thai kỳ cho đến khi sinh sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuổi tác, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của lạc nội mạc tử cung cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng mang thai và thai kỳ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi tháng, trong số những cặp vợ chồng có khả năng sinh sản bình thường và đang cố gắng thụ thai và thì có 15 - 20% cặp thụ thai thành công nhưng ở những cặp đôi mà người vợ bị lạc nội mạc tử cung thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 2 – 10%.
Các triệu chứng sẽ như thế nào trong khi mang thai?
Lạc nội mạc tử cung có triệu chứng đặc trưng là ra máu nhiều, kéo dài và đau đớn dữ dội mỗi khi đến kỳ kinh. Mang thai sẽ tạm thời chấm dứt các triệu chứng này và cả một số biểu hiện, triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung.
Nguyên nhân của điều này là nhờ nồng độ progesterone tăng lên trong thai kỳ. Hormone này ức chế và thậm chí có thể thu nhỏ những vùng mô nội mạc tử cung hình thành bất thường. Trên thực tế, progestin - một dạng progesterone tổng hợp - cũng thường được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung.
Tuy nhiên, ở nhiều phụ nữ, các triệu chứng lạc nội mạc tử cung lại không cải thiện trong thời gian mang thai và thậm chí đôi khi, các triệu chứng còn trở nên trầm trọng hơn kể từ khi có thai. Lý do của điều này là vì tử cung giãn rộng để thích ứng với sự phát triển của thai nhi, điều này sẽ khiến cho vùng mô niêm mạc tử cung “đi lạc” bị kéo căng và gây đau đớn, khó chịu. Ngoài ra, nồng độ estrogen tăng cao trong thai kỳ sẽ kích thích sự phát triển của những vùng mô niêm mạc hình thành bên ngoài tử cung.
Khi bị lạc nội mạc tử cung, những hiện tượng diễn ra trong thai kỳ cũng sẽ khác so với những phụ nữ không bị vấn đề này. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề, sự sản xuất hormone của cơ thể và cách mà cơ thể phản ứng với thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến những hiện tượng này.
Ngay cả khi các triệu chứng lạc nội mạc tử cung có cải thiện hay biến mất trong thai kỳ thì cũng sẽ quay trở lại sau khi sinh. Việc cho con bú có thể giúp trì hoãn thời gian tái phát các triệu chứng lạc nội mạc tử cung nhưng một khi có kinh nguyệt trở lại thì các triệu chứng này sẽ xuất hiện.
Rủi ro và biến chứng thai kỳ
Lạc nội mạc tử cung làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng trong thai kỳ và khi sinh nở. Nguyên nhân của điều này là do lạc nội mạc tử cung gây tăng phản ứng viêm, làm tổn hại cấu trúc của tử cung và ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Một số rủi ro có thể xảy ra trong thời gian mang thai ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung gồm có:
Sảy thai
Một số nghiên cứu đã ghi nhận tỷ lệ sảy thai ở những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung cao hơn so với những người không bị vấn đề này. Một bản phân tích đã đưa ra kết luận rằng phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có 35.8% nguy cơ sảy thai trong khi tỷ lệ này ở những phụ nữ không bị chỉ là 22%. Một khi đã sảy thai thì sẽ không có cách nào ngăn chặn được nhưng cần biết rõ các dấu hiệu để có biện pháp can thiệp kịp thời và tránh xảy ra những vấn đề nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.
Khi mang thai dưới 12 tuần thì các dấu hiệu sảy thai thường giống với các dấu hiệu diễn ra trước và trong kỳ kinh nguyệt, gồm có:
- Chảy máu âm đạo
- Đau bụng dưới
- Đau thắt lưng
- Ra máu
- Không còn các dấu hiệu mang thai như buồn nôn hay thèm ăn
Khi sảy thai, máu đi ra từ âm đạo còn mang theo các mảnh mô.
Các dấu hiệu sảy thai sau 12 tuần cũng tương tự nhưng mức độ chảy máu kèm theo mô và đau bụng, đau lưng sẽ nặng hơn.
Sinh non
Theo phân tích của một số nghiên cứu, những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ sinh non cao gấp 1.5 lần so với những phụ nữ không bị. Sinh non được định nghĩa là sinh trước 37 tuần của thai kỳ.
Trẻ sinh non thường có cân nặng khi sinh thấp, dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe và khả năng phát triển hơn so với những trẻ sinh đủ tháng. Các dấu hiệu sinh non hoặc chuyển dạ sớm gồm có:
- Co thắt tử cung thường xuyên (hay được gọi là những cơn gò tử cung): Mẹ bầu sẽ cảm nhận thấy các cơn co thắt này ở vùng bụng dưới, có thể có hoặc không đau.
- Vỡ ối
- Cổ tử cung mở từ 2cm trở lên
- Dịch tiết âm đạo có sự thay đổi, ví dụ như có lẫn máu, nhiều lên hoặc đặc như chất nhầy.
- Đau quặn bụng, mức độ các cơn đau tăng dần
- Tức nặng ở vùng chậu
- Đau thắt lưng
Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số này thì cần đến bệnh viện ngay. Bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm hoặc chấm dứt các cơn đau tử cung, ức chế chuyển dạ hoặc thúc đẩy sự phát triển của thai nhi sắp sinh.
Nhau tiền đạo
Khi mang thai, tử cung sẽ phát triển nhau thai để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi đang phát triển bên trong. Nhau thai thường bám vào phía trên hoặc bên cạnh của tử cung. Ở một số phụ nữ, nhau thai lại bám vào phần bên dưới của tử cung, ở lỗ cổ tử cung. Tình trạng được gọi là nhau tiền đạo.
Nhau tiền đạo làm tăng nguy cơ nhau thai bị vỡ trong quá trình chuyển dạ. Nhau thai bị vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt, gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.
Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ cao bị nhau tiền đạo. Triệu chứng chính của vấn đề này là chảy máu âm đạo màu đỏ tươi. Nếu ra ít máu thì có thể chỉ cần nghỉ ngơi nhiều và hạn chế hoạt động cho đến khi sinh nhưng nếu bị chảy nhiều máu thì sẽ cần truyền máu và mổ lấy thai khẩn cấp.
Phương pháp điều trị
Phẫu thuật và liệu pháp hormone là hai phương pháp được dùng phổ biến để điều trị lạc nội mạc tử cung nhưng không phù hợp cho phụ nữ mang thai.
Thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm dịu các cơn đau do lạc nội mạc tử cung nhưng phải hỏi bác sĩ những loại thuốc an toàn dùng được cho phụ nữ mang thai và có thể dùng trong bao lâu.
Ngoài ra còn có một số biện pháp khác có thể tự thực hiện tại nhà để khắc phục các triệu chứng lạc nội mạc tử cung gồm có:
- Tắm hoặc chườm nước ấm
- Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ để giảm táo bón
- Đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập yoga thường xuyên trước khi sinh để kéo giãn cơ lưng và giảm triệu chứng đau lưng cũng như là những triệu chứng khác do lạc nội mạc tử cung