Nhận biết dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng

3 năm trước 39

Ung thư buồng trứng có các dấu hiệu cảnh báo nhưng các triệu chứng khi bệnh mới chỉ ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng và rất dễ bị bỏ qua. Do đó, chỉ có khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Ung thư buồng trứng là gì?

Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào trong buồng trứng trở nên bất thường, bắt đầu nhân lên mất kiểm soát và hình thành khối u ác tính. Nếu không được điều trị, các tế bào ung thư có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn này được gọi là ung thư buồng trứng di căn.

Buồng trứng là một cơ quan trong hệ sinh dục nữ, là nơi tạo trứng để thụ tinh, đồng thời sản xuất các nội tiết tố nữ estrogen và progesterone.

Mỗi năm có khoảng 1.200 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng tại Việt Nam.

Ung thư buồng trứng có các dấu hiệu cảnh báo nhưng các triệu chứng khi bệnh mới chỉ ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng và rất dễ bị bỏ qua. Do đó, chỉ có khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về ung thư buồng trứng gồm có triệu chứng, các loại ung thư buồng trứng, yếu tố nguy cơ, biện pháp chẩn đoán, các giai đoạn, phương pháp điều trị, tỷ lệ sống sót,…

Các dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng

Người bệnh thường dễ bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của ung thư buồng trứng vì những dấu hiệu này giống với các bệnh thông thường khác hoặc chỉ xảy ra thoáng qua. Các dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng gồm có:

  • Bụng chướng, căng tức và đau
  • Cảm giác no dù mới ăn ít
  • Chán ăn
  • Đi tiểu nhiều
  • Đau tức ở vùng chậu

Ngoài ra, ung thư buồng trứng còn có các triệu chứng khác như:

  • Người mệt mỏi,uể oải
  • Khó tiêu
  • Ợ nóng
  • Táo bón
  • Đau lưng
  • Kinh nguyệt bất thường
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Viêm da cơ (một bệnh hiếm gặp gây viêm da, cơ và yếu cơ)

Những triệu chứng này cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác gây ra chứ không phải của riêng ung thư buồng trứng. Hầu hết mọi người đều từng gặp những hiện tượng này nhiều lần trong đời. Đa phần đều chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chỉ cần thực hiện các biện pháp điều trị đơn giản là sẽ hết.

Tuy nhiên, nếu đột nhiên nhận thấy những thay đổi bất thường thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác. Nếu đúng là ung thư thì càng điều trị sớm, tiên lượng sẽ càng khả quan.

Các triệu chứng ung thư sẽ kéo dài dai dẳng chứ không tự hết và thường trở nên nặng hơn khi khối u phát triển. Lúc này, thường thì tế bào ung thư đã lan ra bên ngoài buồng trứng và việc điều trị sẽ khó khăn, kém hiệu quả hơn rất nhiều.

Các loại ung thư buồng trứng

Buồng trứng được tạo thành từ ba loại tế bào. Mỗi tế bào có thể phát triển thành một loại khối u khác nhau:

  • U biểu mô (ung thư biểu mô) hình thành trong lớp mô ở bên ngoài của buồng trứng. Khoảng 90% trường hợp ung thư buồng trứng là loại này.
  • U mô đệm (ung thư mô đệm) phát triển trong các tế bào sản xuất hormone của buồng trứng. 7% trường hợp ung thư buồng trứng là ung thư mô đệm.
  • U tế bào mầm (ung thư tế bào mầm) phát triển trong các tế bào sản xuất trứng. Ung thư tế bào mầm là loại ung thư buồng trứng rất hiếm gặp.

U nang buồng trứng

Đa phần u nang buồng trứng không phải là ung thư. Chúng là những u lành tính. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, những u nang này có thể phát triển thành ung thư.

U nang buồng trứng là những túi chứa dịch hoặc không khí hình thành trong hoặc xung quanh buồng trứng. Đây thường là một phần bình thường trong quá trình rụng trứng – hiện tượng mà buồng trứng giải phóng trứng trưởng thành vào mỗi tháng. U nang buồng trứng thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, ví dụ như chướng bụng và tự khỏi mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, khi không còn rụng trứng thì u nang buồng trứng sẽ là vấn đề cần quan tâm. Phụ nữ ngừng rụng trứng sau khi mãn kinh. Nếu u nang buồng trứng hình thành sau khi mãn kinh thì sẽ cần kiểm tra để tìm ra nguyên nhân, đặc biệt là khi u nang có kích thước lớn hoặc không tự biến mất trong vòng vài tháng.

Nếu u nang buồng trứng không biến mất thì có thể sẽ cần làm phẫu thuật để loại bỏ và sau đó phân tích để xem đó có phải là u ác tính (ung thư) hay không.

Yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm có:

  • Tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng
  • Có các đột biến gen liên quan đến ung thư buồng trứng như BRCA1 hoặc BRCA2
  • Có tiền sử bị ung thư vú, ung thư tử cung hoặc ung thư đại tràng
  • Béo phì
  • Sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ sinh sản hoặc liệu pháp hormone
  • Chưa từng mang thai
  • Lạc nội mạc tử cung

Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ khác. Hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng đều xảy ra sau mãn kinh.

Tuy nhiên, nhiều người dù không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trong số này nhưng vẫn bị ung thư buồng trứng. Mặt khác, việc có một hay một vài yếu tố nguy cơ nêu trên cũng chưa chắc sẽ bị ung thư buồng trứng.

Các giai đoạn ung thư buồng trứng

Bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh dựa trên phạm vi lan rộng của tế bào ung thư. Ung thư buồng trứng tiến triển qua 4 giai đoạn chính và mỗi giai đoạn chính lại được phân thành các giai đoạn nhỏ hơn:

Giai đoạn 1

Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 có ba giai đoạn nhỏ hơn:

  • Giai đoạn 1A: Tế bào ung thư mới giới hạn (khu trú) ở một buồng trứng.
  • Giai đoạn 1B: Tế bào ung thư có ở cả hai buồng trứng.
  • Giai đoạn 1C: Các tế bào ung thư đã lan ra bên ngoài buồng trứng.

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2. tế bào ung thư đã lan sang (di căn) các cấu trúc khác trong vùng chậu. Giai đoạn 2 gồm có hai giai đoạn nhỏ hơn:

  • Giai đoạn 2A: Ung thư đã lan đến tử cung hoặc ống dẫn trứng.
  • Giai đoạn 2B: Ung thư lan đến bàng quang hoặc trực tràng.

Giai đoạn 3

Ung thư buồng trứng giai đoạn 3:

  • Giai đoạn 3A: Tế bào ung thư đã di căn ra ngoài vùng chậu đến phúc mạc (lớp niêm mạc bao phủ bề mặt khoang bụng) và đến các hạch bạch huyết ở bụng.
  • Giai đoạn 3B: Các tế bào ung thư nằm ngoài lá lách hoặc gan.
  • Giai đoạn 3C: Có những khối u kích thước khoảng 2cm hoặc lớn hơn ở bụng hoặc bên ngoài lá lách hoặc gan. Tuy nhiên, tế bào ung thư chưa có ở trong lá lách hoặc gan.

Giai đoạn 4

Ở giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối, ung thư đã di căn ra ngoài vùng chậu, bụng và các hạch bạch huyết đến gan hoặc phổi:

  • Ở giai đoạn 4A: Các tế bào ung thư có trong chất dịch xung quanh phổi.
  • Ở giai đoạn 4B: Các tế bào ung thư di căn vào bên trong lá lách, gan hoặc thậm chí các cơ quan ở xa trong cơ thể như da hoặc não.

Chẩn đoán ung thư buồng trứng bằng cách nào?

Khi ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu thì việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ung thư này lại không đơn giản.

Buồng trứng nằm sâu bên trong khoang bụng nên sẽ không thể cảm nhận thấy khối u. Hiện không có phương pháp sàng lọc định kỳ nào có thể chẩn đoán ung thư buồng trứng. Đó là lý do tại sao cần đi khám ngay khi có những biểu hiện bất thường. Khi đi khám, nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư buồng trứng thì sẽ tiến hành khám phụ khoa. Bác sĩ sẽ sờ nắn bằng tay để phát hiện những dấu hiệu bất thường nhưng nếu khối u ở buồng trứng quá nhỏ thì sẽ rất khó mà phát hiện được.

Khi phát triển, khối u sẽ chèn lên bàng quang và trực tràng. Bác sĩ có thể phát hiện ra những điểm bất thường này trong quá trình kiểm tra trực tràng – âm đạo.

Ngoài ra sẽ cần đến những phương pháp chẩn đoán sau:

  • Siêu âm qua đường âm đạo: Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để phát hiện khối u trong các cơ quan sinh dục, bao gồm cả buồng trứng. Tuy nhiên, siêu âm qua đường âm đạo không thể xác định được khối u là lành tính hay ác tính.
  • Chụp CT ổ bụng và vùng chậu
  • Chụp MRI vùng chậu.
  • Xét nghiệm máu để đo mức kháng nguyên ung thư 125 (CA-125): Đây là một dấu ấn sinh học giúp đánh giá mức độ đáp ứng với các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng và các bệnh ung thư cơ quan sinh dục khác. Tuy nhiên, kinh nguyệt, u xơ tử cung và ung thư tử cung cũng có thể ảnh hưởng đến mức CA-125 trong máu.
  • Sinh thiết: Đây là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ buồng trứng và phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết là cách duy nhất để xác nhận có bị ung thư buồng trứng hay không.

Điều trị ung thư buồng trứng

Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng hay giai đoạn ung thư. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho từng trường hợp, thường gồm có các phương pháp dưới đây:

  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Phẫu thuật để loại bỏ khối u và xác định giai đoạn ung thư
  • Liệu pháp nhắm trúng đích
  • Liệu pháp hormone

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị ung thư buồng trứng.

Mục đích phẫu thuật là loại bỏ khối u nhưng thường sẽ cần cắt cả tử cung. Một số trường hợp cần cắt bỏ cả hai buồng trứng và ống dẫn trứng, các hạch bạch huyết lân cận cùng với các mô khác trong vùng chậu.

Việc xác định vị trí của tất cả các khối u là rất khó nên có thể còn sẽ sót lại tế bào ung thư sau phẫu thuật và cần đến các phương pháp điều trị khác như hóa trị hoặc xạ trị. Đôi khi, hai phương pháp này được thực hiện trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u và giúp cho việc loại bỏ trong khi làm phẫu thuật được dễ dàng hơn.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp sử dụng một số loại thuốc để tấn công các tế bào ung thư trong khi không gây tổn hại hoặc chỉ tổn hại ở mức tối thiểu cho các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

Các loại thuốc nhắm trúng đích được dùng để điều trị các trường hợp ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn sau gồm có bevacizumab (Avastin) và olaparib (Lynparza). Bác sĩ chỉ kê olaparib cho những người mang đột biến gen BRCA.

Bảo tồn khả năng sinh sản

Các phương pháp điều trị ung thư, gồm có hóa trị, xạ trị và phẫu thuật, đều có thể làm hỏng cơ quan sinh dục và khiến việc mang thai sau này trở nên khó khăn hoặc thậm chí gây vô sinh.

Nếu còn muốn mang thai trong tương lai thì cần nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị để được tư vấn về các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản. Các lựa chọn mà phụ nữ có thể cân nhắc gồm có:

  • Đông lạnh phôi: đông lạnh trứng đã thụ tinh để cấy vào tử cung sau khi điều trị xong
  • Đông lạnh trứng: đông lạnh trứng chưa thụ tinh.
  • Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản: trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ phẫu thuật cắt bỏ một buồng trứng và giữ lại bên buồng trứng khỏe mạnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn sẽ có khả năng mang thai. Đây thường là những trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn đầu.
  • Trữ lạnh mô buồng trứng: lấy và đóng băng mô buồng trứng để sử dụng trong tương lai.
  • Ức chế buồng trứng: sử dụng hormone để tạm thời ức chế chức năng buồng trứng.

Các phương pháp mới để điều trị ung thư buồng trứng vẫn đang không ngừng được nghiên cứu. Các nhà khoa học cũng đang cố gắng tìm ra những cách mới để điều trị ung thư buồng trứng kháng platin. Ung thư buồng trứng kháng platin là những trường hợp ung thư không đáp ứng với các loại thuốc hóa trị tiêu chuẩn trong nhóm platin như carboplatin và cisplatin.

Một số loại thuốc cũng đang được nghiên cứu về lợi ích tiềm năng trong việc chữa trị ung thư buồng trứng. Một nghiên cứu vào năm 2014 đã đánh giá hiệu quả của các liệu pháp nhắm trúng đích đối với những trường hợp ung thư giai đoạn sau.

Phác đồ chính để điều trị ung thư buồng trứng là phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và tử cung, kết hợp với hóa trị. Sau phẫu thuật, do không còn buồng trứng nên bệnh nhân sẽ ngay lập tức bước vào thời kỳ mãn kinh và có các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục,…

Một nghiên cứu vào năm 2016 đã đánh giá về tác dụng của liệu pháp hormone đối với chất lượng cuộc sống sau khi điều trị ung thư buồng trứng. Nghiên cứu này cho thấy liệu pháp hormone là một giải pháp an toàn để điều trị các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Những người trong nghiên cứu này đã duy trì được chất lượng cuộc sống ở mức tốt trong thời gian sử dụng liệu pháp hormone sau khi điều trị ung thư.

Một nghiên cứu vào năm 2015 về hóa trị liệu trong phúc mạc (intraperitoneal chemotherapy) đã cho thấy những người điều trị bằng phương pháp này có tỷ lệ sống trung bình là 61.8 tháng, như vậy là tăng thêm 10 tháng so với tỷ lệ 51.4 tháng của những người điều trị bằng phương pháp hóa trị tiêu chuẩn.

Có thể phòng ngừa ung thư buồng trứng không?

Không có cách nào có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, có một số yếu tố, biện pháp có thể làm giảm nguy cơ, ví dụ như:

  • Uống thuốc tránh thai
  • Cho con bú sau sinh
  • Mang thai
  • Những thủ thuật phẫu thuật được thực hiện ở cơ quan sinh dục (ví dụ như thắt ống dẫn trứng hoặc cắt tử cung)

Tỷ lệ sống khi mắc ung thư buồng trứng

Tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán, tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ đáp ứng với điều trị. Mỗi trường hợp là khác nhau nhưng giai đoạn ung thư là yếu tố quan trọng nhất quyết định tỷ lệ sống sót.

Tỷ lệ sống sót là số người còn sống sau một thời gian nhất định trên tổng số người được chẩn đoán ung thư. Ví dụ, tỷ lệ sống 5 năm là số người còn sống được thêm ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán ung thư. Tỷ lệ sống tương đối là tỷ lệ sống được tính bằng cách lấy số lượng người còn sống sau một khoảng thời gian nhất định kể từ khi được chẩn đoán ung thư chia cho số lượng người còn sống ở cùng một nhóm tuổi, cùng một giới tính của dân số nói chung, chứ không chỉ có những người mắc ung thư.

Ung thư biểu mô buồng trứng là loại ung thư buồng trứng phổ biến nhất. Hiệp hội Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ (American Cancer Society) ước tính tỷ lệ sống tương đối của loại ung thư buồng trứng này theo từng giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: 71%
    • 1A: 93%
    • 1B: 91%
    • 1C: 84%
  • Giai đoạn 2: 61%
    • 2A: 82%
    • 2B: 72%
  • Giai đoạn 3: 28%
    • 3A: 63%
    • 3B: 53%
    • 3C: 41%
  • Giai đoạn 4: 19%

Tỷ lệ sống sót sẽ trên 90% khi ung thư được phát hiện sớm ở giai đoạn IA hoặc IB và được điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, chỉ có 20% trường hợp ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu.

Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu những cách chính xác hơn để phát hiện sớm ung thư buồng trứng.

Đọc toàn bộ bài viết