Những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị lạc nội mạc tử cung

4 năm trước 33

Hiện tại chưa có cách chữa trị triệt để lạc nội mạc tử cung nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc, phẫu thuật và thay đổi một số thói quen, lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống.

Nội dung chính của bài viết

  • Để làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể và giảm triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung thì cần theo chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, chủ yếu là các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu vitamin và khoáng chất.
  • Ngoài ra nên tránh ăn những thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, thịt đỏ, glutin, đồ uống có cồn...
  • Bên cạnh chế độ ăn, bạn cũng có thể uống viên uống bổ sung, tập thể dục và các liệu pháp thay thế khác để kiểm soát các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung. 

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà những mô thường chỉ hình thành ở bề mặt bên trong của tử cung (niêm mạc tử cung hay nội mạc tử cung) lại phát triển ở những nơi bên ngoài, ví dụ như bề mặt ngoài của tử cung, phúc mạc (lớp màng bao phủ bề mặt bên trong của thành bụng), ống dẫn trứng, buồng trứng, bàng quang, ruột...

Theo thống kê của Tổ chức Lạc nội mạc tử cung Hoa Kỳ thì cứ 10 phụ nữ lại có 1 người gặp phải vấn đề này trong độ tuổi sinh sản.

Lạc nội mạc tử cung gây đau đớn, chủ yếu là ở vùng chậu. Rất hiếm khi mô nội mạc tử cung lan xa quá ống dẫn trứng, buồng trứng và ra ngoài khoang chậu.

Các triệu chứng lạc nội mạc tử cung thường trở nên nghiêm trọng hơn trong khoảng thời gian ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau vùng chậu, tăng lên khi đến kỳ
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi đi tiểu tiện và đại tiện
  • Ra máu nhiều bất thường trong kỳ kinh
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Người mệt mỏi
  • Tiêu chảy
  • Trướng bụng
  • Táo bón
  • Đau thắt lưng
  • Đau bụng dưới dữ dội

Nếu không được điều trị, lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến vô sinh.

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung sẽ có nguy cơ ung thư buồng trứng hoặc ung thư biểu mô tuyến cao hơn bình thường.

Hiện tại chưa có cách chữa trị triệt để bệnh lý này nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc, phẫu thuật và thay đổi một số thói quen, lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống. Vậy, khi bị lạc nội mạc tử cung thì nên ăn gì và không nên ăn gì?

Những thực phẩm nên tránh

Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung hoặc khiến cho các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặc dù phải cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để tìm ra mối liên hệ giữa chế độ ăn hoặc thói quen lối sống với sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung nhưng dưới đây là một số thực phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng bệnh và nên tránh:

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa có tỷ lệ mắc lạc nội mạc tử cung cao hơn so với những phụ nữ tiêu thụ ít. Chất béo chuyển hóa là loại chất béo có nhiều trong các món chiên, thực phẩm qua chế biến và thức ăn nhanh.
    Tìm hiểu thêm về lý do tại sao chất béo chuyển hóa lại không tốt cho sức khỏe
  • Thịt đỏ: Việc ăn nhiều thịt đỏ như thịt bò, thịt dê làm tăng nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung.
  • Gluten: Một nghiên cứu được thực hiện trên 207 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đã cho thấy rằng 75% trong số này đã giảm đáng kể các triệu chứng đau sau khi ngừng ăn các loại thực phẩm chứa gluten trong chế độ hàng ngày.
    Tham khảo về chế độ ăn không có gluten
  • Thực phẩm FODMAP cao: Một nghiên cứu đã chứng minh rằng ở những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) và lạc nội mạc tử cung thì các triệu chứng được cải thiện đáng kể sau một thời gian theo chế độ ăn ít FODMAP. FODMAP là viết tắt của fermentable oligosaccharide, disaccharide, monosaccharide và polyol - các carbohydrate chuỗi ngắn khó được hấp thụ trong đường ruột và có thể lên men, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng và tiêu chảy.

Chế độ ăn hàng ngày có ảnh hưởng đến sự điều hòa nồng độ nội tiết tố (hormone) trong cơ thể, đặc biệt là sự cân bằng estrogen và một chế độ ăn không lành mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng bệnh lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra, cần tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể vì điều này sẽ làm nặng thêm các triệu chứng đau và thúc đẩy sự tiến triển của bệnh. Những thực phẩm này gồm có:

  • Đồ uống có cồn
  • Đồ uống có caffeine
  • Thực phẩm chứa gluten
  • Thịt đỏ
  • Thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

Những thực phẩm nên ăn

Để làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể và giảm triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung thì cần theo chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, chủ yếu là các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu vitamin và khoáng chất. Cụ thể, nên ăn nhiều những thực phẩm như:

  • Thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau củ, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt
  • Thực phẩm giàu chất sắt như các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, đậu phụ, gan và các loại nội tạng khác, trứng, thủy hải sản,…
  • Thực phẩm giàu axit béo thiết yếu, chẳng hạn như các loại cá béo (cá hồi, cá mòi, cá trích, cá ngừ), các loại hạt (óc chó, hạt chia, hạt lanh), dầu thực vật (dầu hạt cải, dầu đậu nành)…
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, ví dụ như các loại trái cây và rau củ màu sắc sặc sỡ như cam, ớt chuông, cà chua, đu đủ, dâu, các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, chocolate đen,…

Tuy nhiên, nên thay đổi chế độ ăn từ từ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Hãy chú ý xem các triệu chứng thay đổi ra sao sau khi tăng hoặc giảm một loại thực phẩm và từ đó biết cách điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

Dùng viên uống bổ sung

Ngoài tăng cường các loại thực phẩm có lợi trong chế độ ăn uống, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể cân nhắc dùng thêm viên uống bổ sung.

Trong một nghiên cứu nhỏ được thực hiện ở 59 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, những người uống 1.200IU (đơn vị quốc tế) vitamin E và 1.000IU vitamin C mỗi ngày đã giảm được triệu chứng đau vùng chậu mãn tính và giảm viêm trong cơ thể.

Một nghiên cứu khác về tác dụng của kẽm, vitamin A, C và E đã cho thấy rằng những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và dùng viên uống bổ sung các chất này đã giảm các dấu hiệu stress oxy hóa và tăng dấu hiệu chống oxy hóa trong cơ thể.

Curcumin cũng là một chất giúp kiểm soát tình trạng lạc nội mạc tử cung. Đây là một chất có đặc tính chống viêm có trong củ nghệ. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất curcumin có tác dụng ức chế sự phát triển bất thường của các tế bào nội mạc tử cung bằng cách giảm sự sản xuất estradiol – một loại estrogen. Ngoài ra, củ nghệ và curcumin còn đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, ví dụ như ngăn ngừa bệnh tim, chứng sa sút trí tuệ và một số bệnh ung thư.

Theo kết quả một nghiên cứu khác, những phụ nữ có lượng vitamin D cao trong cơ thể và những người thường xuyên uống sữa và các sản phẩm từ sữa có nguy cơ lạc nội mạc tử cung thấp. Ngoài vitamin D, canxi và magiê từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung cũng là những chất có lợi cho người bị vấn đề này.

Tập thể dục và các liệu pháp thay thế

Tập thể dục cũng giúp kiểm soát các triệu chứng lạc nội mạc tử cung. Lý do là bởi tập thể dục làm giảm nồng độ estrogen và giải phóng các hormone tạo cảm giác phấn chấn, thoải mái như endophin, từ đó giúp người bệnh thấy bớt đau và khó chịu.

Ngoài các phương pháp điều trị thông thường, một số liệu pháp thay thế, hỗ trợ cũng rất có ích cho phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và giúp làm tăng hiệu quả của quá trình điều trị. Những liệu pháp này gồm có:

  • Thiền
  • Tập yoga
  • Châm cứu
  • Mát-xa
Đọc toàn bộ bài viết