Tham vấn y khoa Dr Trường
Đăng bởi Bác sĩ Anh vào 11:14 +07 Thứ sáu, 25/11/2022
Bị tiểu đường nhưng không kiểm soát được trước khi thụ thai có thể tạo ra những khác biệt lớn trong kết quả thai kỳ.
Phụ nữ bị bệnh tiểu đường cần biết gì trước khi mang thai?
Nội dung chính bài viết:
- Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ mang thai tiền sử bị tiểu đường đã giảm đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, tình trạng dị tật bẩm sinh vẫn còn phổ biến.
- Nên kiểm soát tốt lượng đường máu trước khi thụ thai và duy trì nó trong suốt thai kỳ. Cố gắng đạt được nồng độ HbA1C bình thường trước khi thụ thai, kiểm soát chế độ ăn uống cẩn thận, theo dõi lượng glucose máu thường xuyên.
- Có thể cần chuyển loại thuốc an toàn hơn.
- Bổ sung acid folic, xét nghiệm máu, nước tiểu để sàng lọc và tối đa hóa cơ hội sinh con khỏe mạnh.
Mang thai khi đang mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gì?
Trước kia khi insulin chưa được sử dụng, phụ nữ bị bệnh tiểu đường ít khi mang thai thành công, và khoảng 65% trẻ tử vong khi còn trong bào thai hoặc ngay sau khi sinh. Tuy nhiên thống kê này đã giảm trong những năm qua xuống còn dưới 2%. Khi bệnh tiểu đường được kiểm soát trong quá trình mang thai, nguy cơ sẩy thai ở bệnh nhân tiểu đường không còn cao hơn nhiều so với ở phụ nữ mang thai bình thường.
Tuy nhiên, thật không may là tình trạng dị tật bẩm sinh vẫn còn phổ biến hơn từ 2 đến 4 lần ở những trường hợp mang thai bị mắc bệnh tiểu đường. Chúng ta không biết lý do tại sao nhưng có lẽ phần lớn là do lượng đường trong máu bất thường - ở những người chỉ số đường huyết thường xuyên nằm ngoài phạm vi bình thường cũng như những người có mức dao động đáng kể.
Bà mẹ đang bị tiểu đường, trước khi mang thai cần làm gì?
Vì đa số các dị tật bẩm sinh liên quan đến tim, thận và hệ thần kinh trung ương bắt đầu trong 7 tuần thai kỳ đầu tiên, nên điều quan trọng là phải kiểm soát lượng đường trong máu trước khi thụ thai và duy trì nó trong suốt thai kỳ. Gặp bác sĩ tư vấn trước khi mang thai có thể hữu ích. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ dị tật bẩm sinh giảm từ 10% xuống khoảng 1% nếu một bà mẹ tương lai được hỗ trợ.
Để làm tất cả mọi việc có thể ngăn chặn nguy cơ dị tật bẩm sinh (cũng như sảy thai và thai chết lưu) hãy làm theo chiến lược dưới đây: đạt được mức hemoglobin glycosolated (HbA1c) bình thường trước khi thụ thai, sau đó kiểm soát chế độ ăn uống của bạn một cách cẩn thận và theo dõi lượng glucose máu thường xuyên.
Duy trì đường huyết trong mức kiểm soát có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề khác cho em bé của bạn, chẳng hạn như sinh non, cân nặng khi sinh quá cao, hoặc có lượng đường huyết thấp ngay sau khi sinh.
Tùy theo loại thuốc bạn đang dùng mà bác sĩ có thể cần bạn chuyển sang loại thuốc an toàn khác trong thai kỳ. (Ví dụ không khuyên dùng thuốc ức chế ACE, ARB và nhóm thuốc statins nói chung).
Những biện pháp phòng ngừa này, kết hợp với việc bổ sung axit folic trước khi bạn mang thai và siêu âm, cũng như xét nghiệm máu, nước tiểu để sàng lọc những vấn đề có thể xảy ra. Những điều đó sẽ tối đa hóa cơ hội sinh con khỏe mạnh của bạn.
Nếu bạn không có kiểm tra mắt trong 12 tháng qua, hãy cân nhắc việc lên lịch để đảm bảo rằng bạn không bị bệnh võng mạc do tiểu đường (bệnh mắt nghiêm trọng do bệnh tiểu đường gây ra). Mang thai có thể làm tình trạng này nặng thêm nếu bạn đã bị và tăng nguy cơ mắc bệnh nếu bạn chưa bị.
Bác sĩ cũng sẽ muốn kiểm tra huyết áp của bạn và nếu cần sẽ kê toa thuốc sử dụng an toàn trong thời kỳ mang thai để duy trì huyết áp ở mức an toàn. Huyết áp cao trong khi mang thai có thể không an toàn cho bạn và con đang phát triển.
Tất cả phụ nữ mang thai đều được kiểm soát huyết áp, nhưng vì phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị tiền sản giật nên điều đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo huyết áp của bạn ở mức an toàn.