Ra máu sau phẫu thuật cắt tử cung có bình thường không?

4 năm trước 32

Chảy máu âm đạo trong thời gian đầu sau phẫu thuật cắt tử cung đa phần là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, đôi khi đây lại là điều bất thường.

Nội dung chính của bài viết

  • Chảy máu âm đạo là một hiện tượng thường gặp sau phẫu thuật cắt tử cung. 

  • Hầu hết bệnh nhân đều bị ra máu ngay sau ca phẫu thuật và hiện tượng này kéo dài trong vài tuần sau đó. Mức độ ra máu sẽ giảm dần theo thời gian và ngừng hẳn.

  • Nếu bị ra máu đột ngột, ngày càng nhiều và không có dấu hiệu dừng lại thì là hiện tượng bất thường và cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

  • Ngoài ra, nếu bị chảy máu kéo dài suốt vài tháng sau khi cắt tử cung thì lại là điều không bình thường và cần được bác sĩ chẩn đoán, điều trị.

  • Đó có thể là dấu hiệu của một biến chứng nghiêm trọng và cần được can thiệp ngay lập tức.

Ra máu bình thường

Hầu hết phụ nữ đều sẽ gặp hiện tượng ra một ít máu sau phẫu thuật cắt tử cung.

Hiện tượng này đôi khi có thể kéo dài lên đến 6 tuần. Đây là khoảng thời gian mà cơ thể đang trong quá trình lành lại và chỉ khâu dần dần tiêu đi. Trong giai đoạn này, dịch tiết âm đạo (khí hư) có thể có màu đỏ, nâu hoặc hồng do có lẫn máu. Màu máu sẽ nhạt đi và lượng máu giảm dần.

Mức độ ra máu sẽ tùy thuộc vào quy trình phẫu thuật được thực hiện.

Các phương pháp cắt tử cung

Tùy thuộc vào lý do cần cắt tử cung mà bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ toàn bộ hoặc chỉ một phần của tử cung:

  • Cắt tử cung bán phần: chỉ cắt đi phần trên của tử cung và giữ lại cổ tử cung.
  • Cắt tử cung toàn phần: cắt toàn bộ tử cung và cổ tử cung.
  • Cắt tử cung triệt căn: cắt bỏ toàn bộ tử cung, mô ở hai bên tử cung, cổ tử cung và phần trên cùng của âm đạo. Phương pháp thường chỉ được thực hiện trong những trường hợp bị ung thư.

Quy trình phẫu thuật cắt tử cung có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau như:

  • Cắt tử cung qua đường âm đạo: Bác sĩ đưa dụng cụ mổ vào qua âm đạo để cắt tử cung và không cần tạo đường rạch ở bên ngoài.
  • Nội soi ổ bụng: tạo một vài đường rạch nhỏ ở bụng và đưa ống nội soi cùng dụng cụ mổ vào để cắt tử cung mà không cần tạo đường rạch dài ở bụng dưới.
  • Cắt tử cung bằng robot: Bác sĩ điều khiển cánh tay robot từ một thiết bị bên ngoài để thực hiện các thao tác phẫu thuật với độ chính xác cao hơn so với phương pháp phẫu thuật truyền thống.
  • Mổ mở: tạo đường rạch dài ở bụng dưới để tiếp cận trực tiếp đến tử cung và cắt bỏ.

Mức độ mất máu trung bình khi phẫu thuật qua đường âm đạo và phẫu thuật nội soi ổ bụng là 50 đến 100ml còn đối với phương pháp mổ mở thì thường mất khoảng 200ml máu.

Tìm hiểu về cắt tử cung qua đường âm đạo

Ra máu bất thường

Nếu sau khi cắt tử cung mà bị ra máu nhiều giống như kinh nguyệt, kéo dài quá 6 tuần, ngày càng ra nhiều hơn hoặc một thời gian sau phẫu thuật mới đột nhiên bị ra máu thì là những hiện tượng không bình thường và có thể là dấu hiệu của biến chứng.

Bệnh nhân có thể bị ra máu bất thường sau cắt tử cung do xuất huyết hoặc rách âm đạo. Cả hai biến chứng này đều hiếm khi xảy ra.

Trong một số trường hợp, hiện tượng chảy máu âm đạo còn kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi cắt tử cung. Nguyên nhân có thể là do teo âm đạo hoặc một vấn đề khác, chẳng hạn như ung thư. Cần đến bệnh viện để kiểm tra khi tình trạng ra máu kéo dài quá 6 tuần sau ca phẫu thuật.

Xuất huyết

Xuất huyết là biến chứng có thể xảy ra sau bất kỳ ca phẫu thuật nào nhưng tỷ lệ rất thấp. Nguy cơ xuất huyết khi phẫu thuật nội soi ổ bụng thường cao hơn so với các phương pháp khác.

Tình trạng xuất huyết có thể bắt nguồn từ mạch máu của tử cung hoặc cổ tử cung và âm đạo.

Các biểu hiện xuất huyết sau phẫu thuật gồm có chảy máu âm đạo đột ngột hoặc ngày càng chảy nhiều máu.

Trong một nghiên cứu trên 1.613 phụ nữ từng cắt tử cung thì có 21 người bị xuất huyết sau phẫu thuật. Trong đó có 10 người bị mất dưới 200ml máu và 11 người bị mất trên 200ml máu. Ngoài ra, một số người còn gặp phải những biểu hiện khác như ho và sốt. Tình trạng xuất huyết thường xảy ra sau phẫu thuật từ 3 đến 22 ngày.

Rách âm đạo

Bệnh nhân cũng có thể bị chảy máu âm đạo nếu cơ quan này bị rách sau khi cắt tử cung toàn phần hoặc cắt tử cung triệt căn. Điều này chỉ xảy ra ở khoảng từ 0.14 đến 4% trường hợp phẫu thuật cắt tử cung và nguy cơ sẽ cao hơn khi phẫu thuật bằng phương pháp nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật bằng robot.

Bệnh nhân có thể bị rách âm đạo bất cứ lúc nào sau ca mổ.

Ngoài chảy máu, các dấu hiệu khác của rách âm đạo còn có:

  • Đau ở vùng chậu hoặc bụng
  • Dịch tiết âm đạo lỏng như nước
  • Cảm giác đau tức trong âm đạo

Âm đạo có thể bị rách vì nhiều nguyên nhân khác nhau như quan hệ tình dục, rặn mạnh khi đi ngoài, ho, hắt hơi hoặc đôi khi không xác định được nguyên nhân.

Khi nào cần can thiệp?

Cần đến gặp bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ hiện tượng nào dưới đây sau phẫu thuật cắt tử cung:

  • Ra máu ngày càng nhiều
  • Máu ngày càng sẫm màu
  • Ra máu kéo dài quá 6 tuần
  • Một thời gian sau phẫu thuật mới đột ngột bị ra máu
  • Ra máu kèm theo các biểu hiện bất thường khác

Ngoài ra, cũng cần đến bệnh viện nếu bị buồn nôn hoặc nôn, cảm thấy đau, nóng rát khi đi tiểu, vết mổ bị kích ứng, sưng hoặc chảy dịch.

Cần đến ngay phòng cấp cứu nếu có những biểu hiện dưới đây:

  • Ra máu màu đỏ tươi
  • Dịch tiết âm đạo ra rất nhiều và lỏng như nước
  • Sốt cao không hạ
  • Đau ngày càng dữ dội
  • Khó thở
  • Đau tức ngực

Biện pháp điều trị

Nếu chỉ bị ra một lượng máu nhỏ sau phẫu thuật và giảm dần sau vài ngày thì là hiện tượng bình thường và không cần can thiệp điều trị. Có thể dùng băng vệ sinh trong quá trình phục hồi cho đến khi ngừng ra máu.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây chảy máu âm đạo bất thường sau phẫu thuật cắt tử cung nên không có phương pháp điều trị cụ thể nào cả. Khi có những biểu hiện không bình thường thì cần đến bệnh viện để ​​bác sĩ xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp.

Các biện pháp can thiệp bước đầu cho những trường hợp bị xuất huyết sau phẫu thuật cắt tử cung gồm có chèn gạc vào âm đạo, khâu vòm âm đạo và truyền máu.

Với những trường hợp bị rách âm đạo thì sẽ cần phẫu thuật để khắc phục. Thủ thuật này có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ mở, nội soi ổ bụng, phẫu thuật qua đường âm đạo hoặc kết hợp các phương pháp với nhau, tùy theo nguyên nhân gây rách.

Đọc toàn bộ bài viết