Runner nghĩ gì trước một giải trail?

8 tháng trước 44

Không lường trước rủi ro, chuẩn bị sơ sài cả về kiến thức lẫn kỹ năng xử lý tình huống, ỷ lại vào ban tổ chức... là những điều mà tôi thấy nhiều runner hay mắc phải trước khi vào một giải chạy trail.

 Hanoinromeyes

Hai runner tập trên đường chạy trail ở núi Hàm Lợn, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hanoinromeyes

Chạy bộ được vài năm, tôi thấy dân chạy bộ cự ly dài chẳng phải thần thánh tốt đẹp mẫu mực gì. Nói vui, chúng tôi cũng chỉ là mấy đứa khùng khùng suốt ngày mồ hôi nhễ nhại long nhong ngoài đường, hay phơi năng phơi sương trên núi. Nhưng tôi luôn tin những người dành nhiều thời gian cho chạy bộ đều có nền tảng xã hội tốt, có ý thức và có tinh thần thể thao, các bạn chạy trail thì ít nhiều cũng yêu thiên nhiên. Vì thế, gần đây, chứng kiến nhiều vụ tranh cãi ăn thua, ăn vạ, chửi bới các ban tổ chức, tôi cũng không hiểu các runner sai hay các BTC sai, hay chính môn chạy bộ này đang sai nữa.

Từ trải nghiệm cá nhân, mới nhất là hai giải trail nhiều thị phi ở hai miền Nam, Bắc hai tuần qua, tôi muốn có vài dòng chia sẻ về những quan niệm sai lầm của các runner khi đến với một giải trai. Đây chỉ là một góc nhìn của riêng tôi, không ám chỉ, không dạy dỗ gì cả.

Không lường trước tình huống xấu

Có một vài race trail nước ngoài, trước vạch xuất phát, đại diện ban tổ chức giải, thường là vị trí Giám đốc Đường chạy (Race Director) sẽ bắt các runner đưa tay lên thề theo kiểu "Tôi hiểu đây là lựa chọn của chính tôi, và nếu tôi có bị thương, có chết, thì đều do lỗi của tôi hết".

Theo tôi, việc VĐV đọc lời thề này không có nghĩa ban tổ chức phủ sạch hoàn toàn trách nhiệm. Đó chỉ là một lời nhắc nhở với runner, rằng không có ai bắt bạn ở đây cả, bạn đóng tiền để được ở đây và tất cả rủi ro, nguy hiểm, và cả sự hứng thú, sắp tới trên đường đua là do chính bạn lựa chọn. Nếu có vấn đề gì xảy ra, người đầu tiên, và có thể là duy nhất, mà bạn có thể tin tưởng là chính bạn.

Bạn mong chờ sẽ lang thang trong rừng 6 tiếng, 12 tiếng, 24 tiếng mà không có bất kỳ sự cố gì? Hoặc nếu có sự cố, sẽ có người lập tức nhảy ra xử lý cho bạn? Nếu có suy nghĩ đó trong đầu, bạn nên ở nhà, chứ đừng chạy trail.

Thiếu sự chuẩn bị khi đi race

Có lẽ vì bệnh nghề nghiệp, tôi luôn mang dư đồ khi đi race, nên hay được bạn bè gọi là nhà kho di động: dư đèn, dư quần áo, dư dinh dưỡng, giày vớ thường luôn có back-up. Đến lúc vào race, tôi có thể mang ít hoặc nhiều, nhưng luôn đủ đồ theo checklist của ban tổ chức. Nước cũng là chi tiết quan trọng, thậm chí quan trọng nhất. Dù uống nước trong race không nhiều, tôi luôn có một bình mềm để không, dự trữ phòng khi có thay đổi về thời tiết, quãng đường.

Một việc nữa tôi luôn làm là đọc kỹ thông tin về đường đua, độ cao, khoảng cách giữa các checkpoint, thông tin về thời tiết, nhiệt độ. Với các elite hay runner chuyên đi race, việc này là quá bình thường. Nhưng với runner phổ thông, tôi để ý thấy nhiều người bước tới startline mà hoàn toàn không biết thông tin gì về cuộc đua họ sắp dấn thân vào, trong khi họ chính là nhóm có nhiều nguy cơ nhất bị sốc vì những thay đổi trên đường chạy. Chúng ta có thể không cần lên một race plan với đầy đủ thông tin, chỉ số, nhưng việc tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất về những gì mình sắp dấn thân vào chính là sự chuẩn bị tử tế nhất với bản thân.

Ỷ lại vào ban tổ chức

Có một nhầm lẫn khá phổ biến trong giới chạy bộ, rằng ban tổ chức các giải chạy trail là nhà cung cấp dịch vụ "du lịch mạo hiểm". Theo đó, ban tổ chức phải cung cấp đầy đủ dịch vụ như vận chuyển về lại khách sạn khi runner muốn bỏ cuộc dù ở bất kỳ đâu, phải chuẩn bị thuốc men đầy đủ cho mỗi người, dịch vụ cứu hộ sẵn sàng có mặt chỉ sau ba phút, hay ban tổ chức phải dọn dẹp rác do runner tiện tay vứt đi trên đường... Trong khi đó, ban tổ chức các giải chạy trail thích nghĩ rằng họ là đơn vị tổ chức sân chơi cho các runner thích thử thách bản thân, và dám chắc nhiều Race Director các giải trail đều thích vẽ đường khó để thử thách VĐV. Vì vậy, nếu bạn dấn thân vào một cuộc đua trail và nghĩ mình sẽ được cung cấp đầy đủ mọi dịch vụ, thì bạn nên nghĩ lại. Thứ đầu tiên mà bạn được cung cấp là một tờ giấy miễn trừ trách nhiệm để ký trước khi nhận BIB.

Dĩ nhiên, bạn có quyền yêu cầu, góp ý về các dịch vụ của BTC và cách làm việc của họ sẽ phản ánh mức độ chuyên nghiệp cũng như quyết định của bạn hoặc cộng đồng chạy bộ khi tham gia các giải sau này của đơn vị tổ chức. Nhưng một khi đã ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm - mà không ai bắt bạn ký, thì như mình nói ở trên, tất cả trách nhiệm trong cuộc đua sắp tới thuộc về chính bạn.

Không biết lúc nào nên dừng lại

Ảnh hưởng từ mạng xã hội, các đồng run hay các KOL có xu hướng khiến runner luôn cố gắng vượt qua chính mình, phá vỡ giới hạn... Nhưng mọi người thường bỏ qua nguy cơ rõ ràng nhất là khi bạn đi trail. Giới hạn của bạn có thể là lúc bạn đang ở giữa rừng vào nửa đêm, nơi mà ban tổ chức hay đội cứu hộ phải mất ít nhất vài tiếng đồng hồ để tiếp cận, chứ chưa nói đến việc giải cứu hay cung cấp dịch vụ y tế cơ bản nhất.

Tôi gặp nhiều runner chạy đua với COT (thời gian cắt loại) tới từng phút, không bỏ cuộc và về đích thành công ở cự ly siêu dài. Nhưng thường thấy nhất là cảnh nhiều runner, ở các cự ly thấp, thiếu cả kinh nghiệm lẫn tập luyện tích lũy, đánh giá thấp những gì đang đón chờ trên đường chạy, mải mê đi theo những cái gì đó, rồi lê lết và hối hận ở những đoạn cuối. Dù gì, race cũng chỉ là một cuộc chơi thôi mà, một buổi đi dạo. Tôi luôn tâm niệm, nếu thấy hết vui, hết sức để tận hưởng, tôi về sớm bật máy lạnh ngủ cho sướng.

Tôi viết ra những suy nghĩ của bản thân, mong mọi người đóng góp thêm ý kiến để tất cả cùng nhìn nhận và chuẩn bị tốt hơn khi đi trail.

Độc giả Thái Đồng

Đọc toàn bộ bài viết