Tưởng lãng tai tuổi già hóa ra thủng màng nhĩ

7 tháng trước 49

Tưởng tuổi già lãng tai nghe kém, bà N.T.H. (65 tuổi) đi khám mới biết mình bị thủng màng nhĩ, phải phẫu thuật vá nhĩ.

lãng tai do thủng màng nhĩ

Phải phẫu thuật vá nhĩ

Ở tuổi 65, bà N.T.H. (quê Đồng Tháp) nghe kém 2 năm nay. Bà ù tai phải, đau tai, chảy dịch tai…, bà ra tiệm thuốc gần nhà mua uống 3 tuần nhưng không đỡ.

Càng ngày bà càng nghe kém nhưng vẫn nghĩ lãng tai tuổi già. Gần đây, bà nghe kém hơn. Bà không thể nghe được điện thoại ở tai phải, chỉ nghe được ở tai còn lại. Mỗi lần xem ti vi, bà phải mở âm thanh rất to. Tai phải chảy dịch thường xuyên nên con trai đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám.

Sau khi nội soi tai, thạc sĩ bác sĩ Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chẩn đoán tai phải bà H. bị viêm tai giữa thủng màng nhĩ, hòm nhĩ đọng mủ vàng. Bà H. được điều trị nội khoa để ổn định tình trạng tai giữa và phẫu thuật vá nhĩ sau đó.

Bác sĩ Tường cho biết, bà H. bị viêm tai giữa nhiều năm trước đó nhưng bà không điều trị kịp thời và đúng cách nên tai giữa bị viêm nhiễm kéo dài, khiến bệnh nặng hơn dẫn đến lỗ thủng màng nhĩ không lành. Bệnh càng để lâu, tiên lượng phục hồi sức nghe càng kém.

ca bệnh phẫu thuật taiCác bác sĩ Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong một ca phẫu thuật vá nhĩ hồi 03/2024.

Phẫu thuật vá nhĩ giúp làm lành màng nhĩ, phục hồi thính lực. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị như thế nào còn phụ thuộc vào tình trạng thủng màng nhĩ. Nếu trước phẫu thuật vá nhĩ, ngưỡng nghe đường xương (liên quan đến ốc tai) của người bệnh kém (trên 50dB) thì sau phẫu thuật không cải thiện nhiều về khả năng nghe. Vì vá nhĩ chỉ cải thiện được sự dẫn truyền âm thanh còn ngưỡng nghe đường xương là do ốc tai quyết định, phẫu thuật vá màng nhĩ không thể cải thiện được.

Trường hợp của bà H., vì không điều trị kịp thời và đúng cách ngay từ đầu, ngưỡng nghe đường xương đã kém đi nên sau phẫu thuật, màng nhĩ được đóng kín, hạn chế viêm nhiễm nhưng chức năng nghe chỉ hồi phục được tầm 30%-40%, không thể hồi phục hoàn toàn.

Trường hợp trước mổ, người bệnh nghe kém dẫn truyền hay nghe kém hỗn hợp mà ngưỡng nghe đường xương còn tốt (dưới 30 dB) thì sau phẫu thuật, khả năng nghe được phục hồi rất tốt.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phẫu thuật vá nhĩ được thực hiện qua nội soi, thường sẽ mất 1-2 giờ. Bác sĩ sử dụng hệ thống nội soi tai để quan sát và phẫu thuật màng nhĩ, các xương con trong tai.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Thạc sĩ bác sĩ Trương Trí Tường cho biết, nhiều người lớn tuổi, đặc biệt ở các huyện xa của các tỉnh thường không đi khám ngay khi có triệu chứng, để viêm tai giữa tái đi tái lại nhiều lần. Vì lớn tuổi phải phụ thuộc con cái, ở xa nên khó khăn trong việc đi khám chữa bệnh. Không phát hiện sớm, không điều trị đúng cách nên giảm hiệu quả điều trị khi đã xảy ra biến chứng.

Những người lớn tuổi thường nhầm lẫn lãng tai, nghe kém vì tuổi tác. Nhưng lãng tai ở người lớn tuổi và viêm tai giữa thủng màng nhĩ hoàn toàn khác nhau. Lãng tai ở người già là tình trạng suy giảm thính lực dần dần do quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra ở các mạch máu, tế bào thần kinh hạch xoắn ốc hướng tâm và tế bào lông, dẫn đến chúng không còn phản ứng nhanh nhạy với các tín hiệu âm thanh. Dấu hiệu lãng tai ở người lớn tuổi khó cảm nhận âm thanh nhỏ; nghe câu được, câu không khi giao tiếp, nghe đài, ti vi phải ở mức to.

Còn viêm tai giữa thủng màng nhĩ là biến chứng của viêm tai giữa cấp tính, không được điều trị kịp thời, đúng cách, tái phát nhiều lần. Khi nhiễm trùng ăn mòn vào các xương nhỏ của tai giữa hoặc sâu hơn đến tai trong, thính giác bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có thể mất thính giác vĩnh viễn. Triệu chứng của viêm tai giữa thủng màng nhĩ gồm: ù tai, đau tai, chảy mủ tai, tai có mùi hôi, nghe kém…

Bác sĩ Tường cho biết, một số biến chứng của viêm tai giữa thủng màng nhĩ vô cùng nguy hiểm. Trong đó có tình trạng hình thành khối cholesteatoma (là một tổ chức viêm nhiễm bao gồm biểu bì, vi khuẩn và chất hủy xương), gây ăn mòn xương, lan bệnh tích lên não. Đặc biệt, biến chứng áp xe ngoài màng cứng hoặc áp xe não rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, còn có một số biến chứng khác như thoái hóa niêm mạc tai giữa; điếc dẫn truyền do chuỗi xương con bị tổn thương; liệt mặt do tổn thương dây thần kinh số 7.

“Tuy nhiên, một số người chưa ý thức được tầm nguy hiểm của bệnh này nên hay tự điều trị sai cách gây nên những hậu quả về sau”, bác sĩ Tường nói.

Bác sĩ Tường nhấn mạnh, nếu có những triệu chứng ù tai, đau tai, chảy dịch tai, người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Người bệnh để càng lâu càng ảnh hưởng tới sức nghe, thậm chí tổn thương đến ốc tai. Lúc này, dù có phẫu thuật vá nhĩ cũng không thể hồi phục khả năng nghe như ban đầu.

Để phòng ngừa viêm tai giữa thủng màng nhĩ, bác sĩ Tường khuyến nghị mọi người cần theo dõi và điều trị triệt để tình trạng viêm tai giữa, không để bệnh tái phát. Vệ sinh tai đúng cách, không dùng tăm bông ngoáy sâu trong tai; tránh môi trường khói bụi.

Đọc toàn bộ bài viết