Ung thư vú trông như thế nào?

5 năm trước 43

Ung thư vú là tình trạng phát triển không thể kiểm soát của các tế bào ác tính trong vú. Mặc dù còn có thể xảy ra ở cả nam giới nhưng đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ.

Hiện nay y học vẫn chưa thể làm rõ được nguyên nhân chính xác gây ung thư vú nhưng có một số yếu tố khiến một người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác, ví dụ như phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư vú và phụ nữ mang các đột biến gen nhất định.

Ngoài ra, những người có kinh nguyệt lần đầu trước 12 tuổi, bắt đầu mãn kinh muộn hoặc chưa bao giờ mang thai cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú.

Chẩn đoán và điều trị ung thư vú từ sớm sẽ mang lại triển vọng điều trị tốt nhất. Phụ nữ nên tự kiểm tra vú thường xuyên và lên lịch chụp nhũ ảnh định kỳ bắt đầu từ tuổi 45 nhưng những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc ung thư vú cao được khuyến nghị bắt đầu chụp nhũ ảnh từ tuổi 40. Tốt nhất là nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về lịch khám sàng lọc ung thư vú phù hợp với mình.

Vì các tế bào ung thư có thể di căn hay lan sang các bộ phận khác của cơ thể nên phải chú ý phát hiện sớm các triệu chứng ung thư vú. Chẩn đoán và bắt đầu điều trị càng sớm thì triển vọng càng cao.

Các triệu chứng ung thư vú

Vú có u cục hoặc dày lên

Các triệu chứng sớm nhất của ung thư vú thường dễ cảm nhận thấy hơn là nhìn thấy. Việc tự khám vú hàng tháng sẽ giúp bạn quen với vẻ ngoài và cảm giác bình thường của bộ ngực, từ đó có thể phát hiện những vấn đề bất thường.

Mặc dù chưa có bằng chứng nào chứng minh việc tự khám vú sẽ giúp bạn phát hiện ung thư sớm hơn nhưng điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong mô vú.

Do đó, nên tập thói quen khám vú ít nhất một lần mỗi tháng. Thời gian tốt nhất để thực hiện điều này là một vài ngày sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Nếu như đã bắt đầu mãn kinh thì hãy chọn một ngày cụ thể để thực hiện kiểm tra mỗi tháng.

Cách kiểm tra như sau: đặt một tay lên hông, dùng các đầu ngón tay của tay kia sờ nắn cả hai bên vú và cả bên dưới nách.

Nếu sờ thấy có u cục hoặc vùng mô dày lên thì cũng đừng hoảng vì độ dày ngực mỗi người không giống nhau, có thể ngực bạn dày hơn người khác và dễ nhận thấy các u cục hơn. Hoặc đó cũng có thể là u nang lành tính.

Mặc dù đó không phải là dấu hiệu báo động nhưng vẫn nên đi khám khi nhận thấy có bất cứ vấn đề nào không bình thường.

Đọc thêm: Tăng sản mô đệm giả mạch là gì?

Tiết dịch núm vú

Sữa tiết ra từ núm vú là hiện tượng bình thường trong thời gian cho con bú nhưng nếu không cho con bú mà núm vú vẫn tiết dịch thì lại là hiện tượng không bình thường. Dịch tiết bất thường từ núm vú, có thể trong suốt hoặc có lẫn máu có thể là triệu chứng của ung thư vú.

Nếu gặp hiện tượng này thì cần đi khám ngay để xét nghiệm và tìm ra nguyên nhân.

Thay đổi kích thước và hình dạng của vú

Vào chu kỳ kinh nguyệt, hiện tượng ngực sưng lên và thay đổi kích thước là điều bình thường.

Ngoài ra, trong thời gian này ngực còn có cảm giác căng, đau và hơi khó chịu khi mặc áo ngực hoặc nằm sấp. Tất cả đều hoàn toàn bình thường chứ hiếm khi là dấu hiệu ung thư vú.

Mặc dù vậy nhưng bạn vẫn không nên bỏ qua các thay đổi. Nếu nhận thấy ngực bị sưng vào những thời điểm khác ngoài chu kỳ kinh nguyệt hoặc chỉ có một bên ngực bị sưng hay hai bên sưng không đều thì cần đi khám ngay.

Thụt núm vú

Theo thời gian, núm vú có thể thay đổi và đây là điều bình thường. Nhưng nếu phát hiện thấy đột nhiên một bên núm vú bị thụt vào trong thì cần đến gặp bác sĩ ngay.

Không phải khi nào thụt núm vú cũng là dấu hiệu ung thư vú vì mỗi người lại có hình dạng núm vú khác nhau nhưng vẫn nên đi khám để loại trừ khả năng ung thư.

Lột da, đóng vảy hoặc bong tróc da

Đừng hoảng hốt nếu nhận thấy hiện tượng lột da, đóng vảy hoặc bong tróc trên vú hoặc vùng da quanh núm vú. Mặc dù đây là một trong những triệu chứng của ung thư vú nhưng cũng có thể là triệu chứng của viêm da dị ứng, bệnh chàm hoặc một vấn đề khác về da.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để loại trừ khả năng bệnh Paget - một loại ung thư vú ảnh hưởng đến núm vú và cũng có thể gây ra các triệu chứng này.

Phát ban trên da

Nhiều người thường nghĩ hiện tượng da mẩn đỏ hoặc phát ban không có liên quan gì đến ung thư vú nhưng thực tế, đó có thể là một triệu chứng sớm của bệnh ung thư vú dạng viêm. Đây là một dạng ung thư vú tiến triển nhanh, ảnh hưởng đến da và các mạch bạch huyết của vú.

Không giống như các loại ung thư vú khác, ung thư vú dạng viêm thường không gây ra các khối u. Tuy nhiên, ngực sẽ bị sưng, nóng ấm, nổi ban đỏ giống như bị côn trùng cắn và còn đi kèm với cảm giác ngứa.

Da có nhiều vết rỗ

Phát ban không phải là triệu chứng duy nhất bộc lộ ra bên ngoài của ung thư vú dạng viêm. Loại ung thư này còn làm thay đổi bề mặt da ngực. Khi mắc bệnh, da sẽ xuất hiện nhiều vết lõm nhỏ hay rỗ trông giống như vỏ cam do phản ứng viêm bên dưới.

Kết luận

Mỗi phụ nữ đều phải học cách xác định các triệu chứng của ung thư vú. Ung thư là căn bệnh nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì tỉ lệ sống sót vẫn rất cao.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tỉ lệ sống 5 năm đối với bệnh ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 là từ 100% đến 72%. Nhưng một khi ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể thì tỉ lệ sống 5 năm sẽ giảm xuống còn 22%.

Bạn có thể tăng khả năng phát hiện và điều trị ung thư sớm bằng cách:

  • Tập thói quen tự khám vú
  • Đi khám nếu phát hiện bất kỳ thay đổi nào ở ngực
  • Chụp quang tuyến vú thường xuyên

Tùy thuộc vào độ tuổi và nguy cơ của mỗi người mà sẽ có khuyến nghị khác nhau về việc chụp quang tuyến vú, vì vậy bạn nên nói chuyện với bác sĩ về thời điểm bắt đầu và tần suất chụp quang tuyến vú.

Đọc toàn bộ bài viết