Ung thư vú và điều không nên bỏ qua - Bệnh viện K

3 năm trước 39

Nếu như trước đây, người mắc ung thư vú thường gặp ở độ tuổi trên 40 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.

Ung thư vú là gì?

Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ung thư ác tính được phát hiện trong mô vú, tình trạng này thường phát triển từ các ống bên trong vú. Các tế bào ung thư sau đó có thể lan rộng ra toàn bộ vú và sang các bộ phận khác trên cơ thể.

Dấu hiệu ban đầu của bệnh

Ung thư vú có thể bao gồm các triệu chứng sau:

  • Cục u không đau ở vú         
  • Ngứa và phát ban kéo dài quanh núm vú
  • Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú
  • Vùng da trên vú sưng và dày lên
  • Vùng da trên vú sần vỏ cam hoặc nhăn nheo
  • Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong
  • Vùng nách sưng, đau hoặc có u

Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, bạn cần lưu ý:

  • Độ tuổi: Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trên 45 tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.
  • Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú: như xơ vú, áp – xe – vú… nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư.
  • Yếu tố di truyền: trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2 có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh.
  • Người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.
  • Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.
  • Béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan,…
  • Lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học: Chế độ ăn uống nhiều calo trong khi cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.
  • Phơi nhiễm phóng xạ: Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Điều trị ung thư vú

Ngày nay, với tiến bộ của y học hiện đại đã mang đến nhiều giải pháp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh ung thư vú.

Điều trị ung thư vú dựa trên nguyên tắc điều trị là đa mô thức tức là kết hợp các phương pháp điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết .... tùy vào giai đoạn bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của người bệnh.

  • Phẫu thuật là cắt bỏ khối u toàn bộ hoặc một phần, và có thể loại bỏ hạch nách khi cần.
  • Xạ trị là chiếu tia bức xạ vào vùng bệnh nhằm mục tiêu phá hủy tế bào ung thư. Xạ trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật hoặc sau hóa trị.
  • Hóa trị là đưa thuốc vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị thường sử dụng qua đường tĩnh mạch và theo chu kỳ. Hóa trị có thể được sử dụng trước phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc giai đoạn muộn.
  • Liệu pháp nội tiết là điều trị quan trọng nhất dành cho trường hợp UTV có thụ thể nội tiết ER (+) và/hoặc PR (+). Thuốc ức chế hoặc ngăn chận tác động của các hormon nội tiết – được biết là có liên quan đến quá trình tăng sinh tế bào ung thư. Liệu pháp nội tiết có thể được sử dụng sau phẫu thuật hoặc giai đoạn muộn.
  • Liệu pháp kháng HER2 là điều trị quan trọng dành cho trường hợp UTV có HER2 dương tính. Thuốc ức chế tác động của các thụ thể HER2 – được biết là có liên quan quá trình tăng sinh tế bào ung thư.
  • Liệu pháp kháng HER2 có thể được sử dụng trước phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc giai đoạn muộn. Liệu pháp kháng HER2 có thể được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da (như trastuzumab tiêm dưới da). Dạng dùng tiêm dưới da sẽ giúp bệnh nhân giảm đau và giảm đáng kể thời gian tiêm truyền thuốc (chỉ trong khoảng 2 - 5 phút) so với dạng tiêm truyền tĩnh mạch (cần khoảng 60 - 90 phút).

Cách phòng ngừa ung thư vú

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chị em cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh.

Chị em nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Khám vú tại nhà: Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà. 
  • Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: giảm một số chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… tránh ăn mỡ, da động vật; thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế đồ uống có cồn, rượu bia, đồ uống có ga.
  • Bổ sung đầy đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…) trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn nhiều rau củ quả: những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… có khả năng giảm 20 - 40% tỷ lệ mắc ung thư vú vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.
  • Không hút thuốc lá
  • Duy trì lối sống lành mạnh: hãy luôn thực hiện theo chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên.
  • Khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện K

Đọc toàn bộ bài viết