Vỡ ối mà tử cung chưa mở có nguy hiểm không? Nguyên nhân, phòng ngừa

5 tháng trước 59

Vỡ ối ở cuối thai kỳ là dấu hiệu thai nhi sắp chào đời, báo hiệu mẹ cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu mẹ vỡ ối mà tử cung chưa mở để sinh con phải làm sao? Cùng lắng nghe chia sẻ của bác sĩ Dương Việt Bắc, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong bài viết dưới đây.

vỡ ối mà tử cung chưa mở

Cần biết gì về hiện tượng vỡ ối?

Trong suốt thai kỳ, thai nhi nằm trong bụng mẹ được bảo vệ bởi một chiếc túi chứa đầy dịch lỏng bên trong gọi là túi ối. Nước ối và túi ối được ví như đệm lót giúp bảo vệ thai nhi không bị chèn ép bởi những cơ quan nội tạng xung quanh, có thể xoay chuyển và cử động dễ dàng trong bụng mẹ.

Khi màng ối bị rách, nước ối trong buồng ối sẽ chảy ra ngoài qua cổ tử cung và âm đạo của mẹ. Đa phần các trường hợp vỡ ối xảy ra khi thai nhi đã đủ tháng, nhưng cũng có trường hợp xảy ra sớm hơn. Thống kê cho thấy, khoảng 10% trường hợp vỡ ối sớm trước khi bắt đầu các cơn co tử cung. Nếu vỡ ối xảy ra khi thai còn rất non và quá nhỏ, đây là một dấu hiệu tiên lượng tương đối xấu. (1)

Dấu hiệu rõ ràng nhất của vỡ ối là xuất hiện những cơn co tử cung thường xuyên trước khi cảm nhận được tiếng “bục” của túi ối, sau đó mẹ sẽ thấy có chất lỏng chảy ra từ âm đạo. Cảm giác vỡ ối ở mỗi mẹ bầu không giống nhau, có mẹ cảm nhận một dòng chảy nhanh và mạnh, nhưng có mẹ chỉ thấy dòng chảy nhẹ chầm chậm xuống chân hoặc chỉ ẩm ướt ở quần lót, khiến mẹ khó phân biệt đó là nước ối hay nước tiểu hoặc dịch tiết âm đạo.

“Vỡ ối rất dễ bị nhầm lẫn với dịch âm đạo hoặc hiện tượng són tiểu trong giai đoạn cuối thai kỳ. Để xác định chính xác có phải nước ối hay không, mẹ hãy quan sát các đặc điểm của chất lỏng và đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra cũng như hướng dẫn cách xử trí đúng”, bác sĩ Việt Bắc khuyến cáo.

chất lỏng chảy ra từ âm đạoKhi băn khoăn chất lỏng chảy từ âm đạo có phải nước ối hay không, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác

Mở tử cung là gì?

Mở tử cung và mở cổ tử cung là dấu hiệu quan trọng cho biết mẹ đã chuẩn bị cho việc sinh con. Việc cổ tử cung mở nhanh hay chậm, mau hay lâu sẽ phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe và nhiều yếu tố khác ở mỗi người. (2)

Ban đầu cổ tử cung chỉ mở khoảng 1cm để báo hiệu mẹ sắp “vượt cạn”, kể từ thời điểm đó cổ tử cung sẽ mở rộng dần, thường tăng thêm 1cm sau mỗi tiếng. Các giai đoạn mở của cổ tử cung như sau:

  • Giai đoạn chuyển dạ tiền kỳ: cổ tử cung mở khoảng 1-4cm, mẹ cần đợi cổ tử cung mở rộng hơn mới có thể đón thai nhi chào đời.
  • Giai đoạn chuyển dạ tích cực: cổ tử cung mở khoảng 4-7cm, lúc này mẹ sẽ thấy những cơn gò chuyển dạ xuất hiện dồn dập hơn.
  • Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp: cổ tử cung mở khoảng 7-9cm, khi đó thai nhi sẽ di chuyển đến vị trí thấp dưới tử cung khiến mẹ bị đau dữ dội. Tùy vào tình trạng của mẹ mà bác sĩ có thể bắt đầu hướng dẫn mẹ cách rặn sinh.
  • Giai đoạn sinh con: cổ tử cung mở được 10cm báo hiệu mẹ đã sẵn sinh sinh con. Lúc này mẹ hãy chú ý lắng nghe hướng dẫn lấy hơi thở và rặn sinh từ bác sĩ để giúp thai nhi nhanh chóng chui ra ngoài mà mẹ không bị mất sức.

Bác sĩ sẽ kiểm tra độ mở của cổ tử cung để xác định mẹ đang ở giai đoạn nào của giai đoạn chuyển dạ bằng cách đặt 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) vào trong âm đạo, có sử dụng găng tay y tế đã được khử trùng. Khi đẩy ngón tay vào sâu bên trong, bác sĩ sẽ biết được độ mở của tử cung cũng như ngôi thai như thế nào.

sự xóa mở của cổ tử cungCác giai đoạn xóa mở cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ

Vì sao vỡ ối nhưng cổ tử cung chưa mở?

Trường hợp mẹ đã vỡ ối, đau bụng suốt hơn 16 tiếng nhưng cổ tử cung vẫn chưa mở 10cm nhiều khả năng mẹ rơi vào tình huống chuyển dạ đình trệ. Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị vỡ ối nhưng cổ tử cung không mở gồm: (3)

  • Cổ tử cung ngắn hoặc mẹ có vấn đề ở cổ tử cung như viêm nhiễm, ung thư.
  • Hoạt động co thắt của tử cung bị rối loạn trong quá trình chuyển dạ.
  • Tiền sử phẫu thuật, thủ thuật như khoét chóp, đốt điện, cắt đoạn… để lại sẹo xơ trên cổ tử cung.
  • Mẹ quá căng thẳng hoặc áp lực cũng khiến cổ tử cung không mở.

Vỡ ối nhưng chưa mở tử cung có nguy hiểm không?

Bác sĩ Việt Bắc cho biết, tình trạng vỡ ối mà cổ tử cung chưa mở gây nhiều khó khăn cho thai phụ, không chỉ gây cản trở cho quá trình sinh tự nhiên mà còn làm chuyển dạ kéo dài, khiến mẹ bị đau nhiều. Ngoài ra, nhiều trường hợp gây rối loạn cơn gò tử cung và băng huyết sau sinh ở mẹ, nguy cơ thai nhi thiếu oxy hoặc hít phải phân su khi ở trong tử cung gây nguy hiểm nếu không được can thiệp xử trí kịp thời.

banner-lhts-30032024-content

Chính vì thế, ngay khi nhận thấy dấu hiệu của vỡ ối, mẹ cần di chuyển đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra hướng dẫn xử trí phù hợp. Tùy vào sức khỏe mẹ và tuổi thai nhi mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp để đảm bảo sự an toàn của cả hai mẹ con.

chỉ định phương pháp sinh phù hợpKhi nhập viện bác sĩ sẽ theo dõi độ mở tử cung tính từ thời điểm vỡ ối để có chỉ định theo dõi hoặc can thiệp sinh phù hợp

Cần làm gì khi vỡ ối mà tử cung chưa mở?

Khi mẹ nhập viện, bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu của thai nhi bình thường, không có dấu hiệu suy thai sẽ chỉ định theo dõi tiến triển xóa mở của cổ tử cung. Nếu cổ tử cung mở tốt sẽ truyền đẻ chỉ huy để kết thúc sớm cuộc sinh. Nhưng nếu cổ tử cung chưa mở đủ điều kiện sinh nở, bác sĩ sẽ chỉ định đợi 6 giờ tính từ lúc vỡ ối với hy vọng nước ối chảy ra sẽ giúp xóa mở cổ tử cung tốt hơn.

Trong trường hợp ối vỡ sớm, tùy vào tuổi thai nhi mà có hướng xử trí riêng. Nếu tuổi thai lớn có thể hỗ trợ sinh ngay, tuổi thai nhỏ cần tiếp tục chăm sóc và dưỡng thai. Những trường hợp đặc biệt như thai to, cạn ối mà tiên lượng sinh ngả âm đạo rất khó khăn, bác sĩ sẽ tư vấn mẹ chọn phương pháp mổ lấy thai.

1. Tuổi thai 22 – 31 tuần

Ở tuổi thai này thai nhi chưa phát triển toàn diện, nếu chào đời sẽ có nhiều nguy cơ sức khỏe và phát triển về sau. Do đó, nếu vỡ ối ở tuổi thai này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc trưởng thành phổi và tăng cường quản lý nhiễm khuẩn để duy trì thai kỳ lâu nhất có thể.

2. Tuổi thai 32 – 33 tuần

Bác sĩ vẫn ưu tiên chăm sóc và dưỡng thai trong thời gian lâu nhất có thể để đảm bảo sức khỏe của bé khi chào đời.

3. Tuổi thai 34 – 36 tuần

Theo dõi monitoring sản khoa và siêu âm tim thai, tùy thuộc vào tình trạng thai nhi, túi ối và mức độ nhiễm khuẩn mà bác sĩ sẽ chỉ định chờ chuyển dạ tự nhiên hay khởi phát chuyển dạ. Hơn 90% thai phụ sẽ chuyển dạ tự nhiên trong vòng 24 giờ sau khi vỡ ối.

4. Tuổi thai trên 37 tuần

Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo can thiệp chấm dứt thai kỳ đối với tuổi thai trên 37 tuần nếu bị vỡ ối sớm. Đợi 12-24 giờ nếu mẹ chưa chuyển dạ tự nhiên sẽ khởi phát chuyển dạ bằng thuốc để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Nhìn chung, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn tiếp tục theo dõi hoặc can thiệp xử trí phù hợp.

Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia – bác sĩ giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám và điều trị cá thể hóa, phối hợp chặt chẽ liên chuyên khoa bệnh viện như khoa Cấp cứu, Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh… tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ có phác đồ can thiệp riêng để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và sự an toàn của cả thai phụ lẫn thai nhi.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia – bác sĩ Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:

Mẹ nên làm gì khi bị vỡ ối?

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của vỡ ối, mẹ nên nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt. Đặc biệt, những tình huống sau đây mẹ cần nhập viện ngay lập tức, bao gồm: (4)

  • Vỡ ối sớm trước tuần thứ 37 của thai kỳ để được can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, sa dây rốn, nhau bong non,… thậm chí đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi.
  • Nước ối có những đặc điểm bất thường như có màu đen, màu xanh vàng hoặc lẫn máu, có mùi hôi tanh. Đây là những dấu hiệu nguy hiểm cần được can thiệp xử trí sớm.

Ngoài ra, ở những tuần cuối thai kỳ mẹ cũng cần đến ngay cơ sở y tế khi có những biểu hiện bất thường sau:

  • Cơ thể mệt mỏi, bị sốt hoặc thường xuyên đổ mồ hôi.
  • Xuất hiện những cơn đau liên tục và kéo dài ở vùng bụng.
  • Thai nhi giảm hoặc ít cử động.

Tóm lại, vỡ ối mà tử cung chưa mở là tình huống cần được theo dõi sát sao để can thiệp xử trí kịp thời. Tùy thuộc vào tuổi thai và nhiều yếu tố khác mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng can thiệp phù hợp. Tốt nhất, mẹ khi thấy vỡ ối mẹ nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để đảm bảo sự an toàn của cả hai mẹ con.

Đọc toàn bộ bài viết