Xét nghiệm Pap định kỳ là điều rất cần thiết để sàng lọc ung thư cổ tử cung và các vấn đề khác về sức khỏe sinh sản ở phụ nữ.
Xét nghiệm Pap có đau không?
Xét nghiệm Pap hay Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) thường không gây đau.
Vào lần đầu tiên làm xét nghiệm thì có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu do chưa quen.
Đa số mọi người đều chỉ cảm thấy cổ tử cung hơi nhói khi lấy mẫu tế bào nhưng mỗi người có ngưỡng đau khác nhau.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác cũng có thể gây đau nhiều hơn bình thường khi làm xét nghiệm Pap.
Dưới đây là những thắc mắc phổ biến về phương pháp xét nghiệm này.
Ai cần làm xét nghiệm Pap?
Xét nghiệm Pap giúp phát hiện các tế bào tiền ung thư ở cổ tử cung và từ đó có thể can thiệp sớm và ngăn ngừa căn bệnh này.
Mặc dù ung thư cổ tử cung đa phần là do HPV (virus u nhú ở người - human papillomavirus) gây ra và loại virus này lây truyền qua tiếp xúc bộ phận sinh dục hoặc hậu môn nhưng ngay cả khi không quan hệ tình dục thì vẫn nên làm xét nghiệm Pap định kỳ.
Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ nên bắt đầu làm xét nghiệm Pap smear từ tuổi 21 và tiếp tục cho đến 65 tuổi. Nếu như quan hệ tình dục trước 21 tuổi thì nên bắt đầu làm xét nghiệm sớm hơn. Sau khi mãn kinh vẫn cần tiếp tục xét nghiệm.
Với những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung, việc có cần phải làm xét nghiệm Pap nữa hay không sẽ tùy thuộc vào những bộ phận được cắt đi và mục đích phải phẫu thuật. Nếu chỉ cắt tử cung bán phần (cắt đi phần trên của tử cung và giữ lại phần dưới cùng với cổ tử cung) thì sẽ cần tiếp tục làm xét nghiệm Pap.
Tương tự, nếu đã cắt tử cung toàn phần (cả tử cung và cổ tử cung đều được cắt bỏ) do ung thư hoặc tiền ung thư thì cũng vẫn phải làm xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện sớm tế bào ung thư mới hoặc thay đổi tiền ung thư. Tuy nhiên, nếu đã phẫu thuật cắt tử cung toàn phần vì những nguyên nhân khác không phải ung thư thì có thể ngừng làm xét nghiệm Pap.
Nếu không chắc mình có cần xét nghiệm Pap hay không thì hãy nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn.
Lý do cần làm xét nghiệm Pap
Xét nghiệm Pap smear được thực hiện để phát hiện tế bào bất thường ở cổ tử cung.
Nếu kết quả cho thấy có các tế bào bất thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành thêm các phương pháp kiểm tra khác để xác định xem các tế bào đó có phải là ung thư hay không.
Có thể cần tiến hành thủ thuật để loại bỏ các tế bào bất thường và giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm Pap có giống khám phụ khoa không?
Xét nghiệm Pap smear khác với khám phụ khoa nhưng hai quy trình này thường được thực hiện đồng thời.
Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra các cơ quan sinh dục, gồm có âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, buồng trứng và tử cung.
Bác sĩ sẽ kiểm tra trực quan âm hộ và cửa âm đạo xem có những dấu hiệu bất thường như tiết dịch, sưng đỏ và kích ứng hay không.
Tiếp theo, bác sĩ đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào để kiểm tra bên trong âm đạo và phát hiện u nang, sưng và các biểu hiện không bình thường khác.
Sau đó, bác sĩ đưa hai ngón tay đeo găng đã bôi trơn vào âm đạo trong khi tay kia ấn quanh bụng để kiểm tra các thay đổi bất thường ở buồng trứng hoặc tử cung.
Bao lâu thì nên làm xét nghiệm Pap một lần?
Khuyến nghị về tần suất làm xét nghiệm Pap theo từng độ tuổi như sau:
- Phụ nữ dưới 21 tuổi chưa cần làm xét nghiệm
- Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
- Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV 5 năm một lần hoặc chỉ xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
- Phụ nữ trên 65 tuổi nếu đã làm xét nghiệm đều đặn trước đây và kết quả bình thường thì không cần làm xét nghiệm nữa.
- Những người bị nhiễm HIV hoặc có hệ miễn dịch suy yếu do các nguyên nhân khác như dùng steroid trong thời gian dài, từng ghép tạng,… thì cần làm xét nghiệm Pap thường xuyên hơn. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị cụ thể dựa trên từng trường hợp.
Nếu muốn thì hoàn toàn có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên hơn so với tần suất được khuyến nghị.
Kể cả chỉ quan hệ tình dục với một người hoặc không quan hệ tình dục thì cũng vẫn nên làm xét nghiệm Pap.
HPV có thể ở trạng thái “ngủ đông” trong suốt nhiều năm rồi đột nhiên hoạt động và gây ung thu cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung cũng có thể là do những nguyên nhân khác không phải là HPV gây ra nhưng điều này là rất hiếm.
Hiện không có hướng dẫn cụ thể về tần suất nên đi khám phụ khoa.
Nói chung, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ hàng năm bắt đầu từ 21 tuổi, trừ khi có lý do cần bắt đầu sớm hơn. Ví dụ, bác sĩ sẽ yêu cầu khám phụ khoa trước khi kê các biện pháp tránh thai.
Có thể làm xét nghiệm Pap khi có kinh nguyệt không?
Nếu chỉ bị ra máu ít thì vẫn có thể tiến hành xét nghiệm Pap. Tuy nhiên, đa phần thì nếu ngày xét nghiệm rơi vào kỳ kinh nguyệt thì sẽ cần dời sang một hôm khác khi đã hết kinh hoàn toàn.
Việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian có kinh nguyệt sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.
Máu kinh sẽ gây khó khăn cho việc lấy mẫu tế bào sạch từ cổ tử cung. Điều này sẽ dẫn đến kết quả không chính xác và không phát hiện được vấn đề tiềm ẩn.
Xét nghiệm Pap được thực hiện như thế nào?
Với những người mới làm xét nghiệm Pap lần đầu thì bác sĩ sẽ giải thích rõ về quy trình thực hiện và giải đáp các câu hỏi nếu có.
Sau đó, bệnh nhân cần cởi đồ ở phần dứoi cơ thể và quấn một chiếc khăn choàng quanh hông.
Bệnh nhân nằm ngửa lên bàn kiểm tra và đặt hai chân lên bàn đạp ở hai bên bàn.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ từ từ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo.
Mỏ vịt là một dụng cụ bằng nhựa hoặc kim loại được dùng trong khám phụ khoa. Hai thanh kim loại của dụng cụ này có thể mở ra để tách rộng thành âm đạo, giúp bác sĩ có thể quan sát bên trong được dễ dàng hơn.
Bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi khó chịu khi mỏ vịt được đưa vào âm đạo.
Bác sĩ sẽ soi đèn để có thể nhìn rõ hơn thành âm đạo cùng với cổ tử cung. Sau đó sử dụng một bàn chải nhỏ hoặc tăm bông quệt nhẹ bề mặt cổ tử cung để lấy mẫu tế bào.
Ở bước này, bệnh nhân có thể sẽ thấy hơi nhói.
Sau khi lấy được mẫu tế bào, bác sĩ phết lên một phiến kính để đem đi phân tích và lấy dụng cụ mỏ vịt ra ngoài.
Xét nghiệm Pap thường mất bao lâu?
Toàn bộ quá trình, cả đặt mỏ vịt và lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung thường chỉ mất khoảng một vài phút.
Làm thế nào để giảm đau?
Mặc dù xét nghiệm Pap thường không gây đau nhưng nếu có ngưỡng đau thấp và sợ bị đau thì có thể thử những biện pháp dưới đây để giảm đau và cảm giác khó chịu.
Trước khi thực hiện
- Dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn trước khoảng 1 tiếng. Nên hỏi bác sĩ xem có thể uống các loại thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen hay không.
- Nhờ người thân hoặc bạn bè đi cùng. Có người đi cùng sẽ tạo tâm lý thoải mái, đỡ căng thẳng hơn. Nếu muốn thì người đó có thể đứng cạnh trong suốt quá trình thực hiện.
- Đi tiểu trước: Đôi khi, nguyên nhân tạo cảm giác khó chịu, đau đớn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm Pap smear là do áp lực ở vùng chậu. Nên đi tiểu trước khi bắt đầu để làm giảm bớt áp lực. Một số trường hợp sẽ còn phải lấy mẫu nước tiểu nên cần hỏi bác sĩ xem có thể đi vệ sinh trước hay không.
Trong khi thực hiện
- Yêu cầu bác sĩ sử dụng dụng cụ mỏ vịt cỡ nhỏ nhất: Có nhiều kích cỡ mỏ vịt khác nhau. Nếu sợ bị đau thì hãy nói với bác sĩ để dùng loại mỏ vịt nhỏ nhất.
- Dùng mỏ vịt bằng nhựa: Có hai loại mỏ vịt là loại bằng nhựa và bằng kim loại. Vào mùa đông thì nên dùng loại bằng nhựa để tránh bị lạnh khi đưa dụng cụ vào bên trong cơ thể.
- Nghe nhạc: Có thể đeo tai nghe và nghe nhạc làm dịu sự căng thẳng, lo lắng trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm.
- Hít thở sâu: Hít thở sâu sẽ làm dịu hệ thần kinh, giảm căng thẳng và cảm giác đau đớn, khó chịu.
- Cố gắng thả lỏng: Khi cảm thấy đau hay lo lắng, cơ thể sẽ có phản xạ tự nhiên là siết chặt cơ sàn chậu. Điều này sẽ làm tăng thêm áp lực ở vùng chậu, gây khó khăn cho việc tiếp cận vào trong để lấy mẫu tế bào và gây đau đớn nhiều hơn. Do đó hãy cố gắng thư giãn, thả lỏng cơ.
- Nếu cảm thấy đau thì đừng cố chịu mà hãy nói với bác sĩ để thực hiện nhẹ nhàng hơn.
Có thể gây tê không?
Khi đặt vòng tránh thai thì bác sĩ thường dùng thuốc tê để giảm đau ở âm đạo và cổ tử cung. Tuy nhiên, không thể thực hiện điều này khi làm xét nghiệm Pap. Việc dùng thuốc gây tê có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Sau khi thực hiện
- Sử dụng băng vệ sinh: Ra máu nhẹ sau khi làm xét nghiệm Pap là điều rất bình thường. Nguyên nhân là do vết xước trên cổ tử cung hoặc trên thành âm đạo do mỏ vịt và dụng cụ lấy mẫu tế bào tạo ra. Do đó, khi đến làm xét nghiệm thì nên mang một miếng băng vệ sinh.
- Dùng thuốc giảm đau: Một số người bị đau bụng dưới sau xét nghiệm Pap. Có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chườm một chai nước nóng hoặc sử dụng các biện pháp giảm đau tại nhà khác.
- Báo cho bác sĩ nếu bị chảy máu nhiều hoặc đau đớn dữ dội: Mặc dù hiện tượng ra một ít máu hoặc hơi đau bụng dưới là điều bình thường nhưng nếu bị đau dữ dội và chảy nhiều máu thì lại là một dấu hiệu của vấn đề bất thường và cần báo ngay cho bác sĩ.
Các nguyên nhân gây đau
Một số nguyên nhân làm tăng cảm giác đau đớn, khó chịu khi làm xét nghiệm Pap smear.
Vấn đề tiềm ẩn
Một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể khiến bệnh nhân bị đau nhiều hơn trong quá trình thực hiện xét nghiệm Pap.
Những vấn đề này gồm có:
- Khô âm đạo
- Co thắt âm đạo – âm đạo siết chặt khi có vật xâm nhập vào từ bên ngoài.
- Hội chứng đau âm hộ mãn tính – tình trạng đau kéo dài dai dẳng ở vùng bên trong và bên ngoài âm đạo
- Lạc nội mạc tử cung - xảy ra khi mô niêm mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung
Cần báo cho bác sĩ biết nếu gặp phải triệu chứng của những vấn đề này hoặc đã được chẩn đoán mắc các vấn đề này từ trước để có biện pháp điều chỉnh.
Chưa từng quan hệ tình dục
Những người chưa từng hoạt động tình dục thâm nhập sẽ thấy đau đớn hơn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Hoạt động tình dục thâm nhập ở đây bao gồm cả thủ dâm và quan hệ tình dục.
Chấn thương tình dục
Những người từng bị chấn thương tình dục cũng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện xét nghiệm Pap.
Nên thông báo cho bác sĩ về chấn thương của mình để bác sĩ điều chỉnh cách thực hiện nhằm giảm bớt đau đớn.
Cũng có thể đi cùng với một người thân hoặc bạn bè để cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn.
Chảy máu sau xét nghiệm Pap có bình thường không?
Chảy máu âm đạo sau xét nghiệm Pap là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Mặc dù không phải ai cũng trải qua nhưng đây không phải điều hiếm gặp.
Thông thường, nguyên nhân gây chảy máu là do những vết xước trên bề mặt cổ tử cung hoặc thành âm đạo.
Đa phần chỉ bị ra một ít máu và hết trong vòng một ngày.
Nhưng nếu bị ra nhiều máu hoặc kéo dài quá 3 ngày thì cần báo cho bác sĩ.
Khi nào sẽ có kết quả?
Kết quả xét nghiệm Pap smear thường có sau khoảng một tuần nhưng cũng còn tùy vào từng trường hợp và từng bệnh viện. Khi đi khám, bác sĩ sẽ cho biết khi nào thì có thể quay lại nhận kết quả.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Xét nghiệm Pap sẽ cho kết quả bình thường hoặc bất thường
Ngoài ra, đôi khi xét nghiệm sẽ cho ra kết quả không xác định do mẫu tế bào không chuẩn.
Để có được kết quả chính xác thì trong ít nhất hai ngày trước xét nghiệm, cần tránh:
- Dùng tampon
- Viên đặt, kem bôi âm đạo, gel bôi trơn và thụt rửa
- Các sản phẩm dùng cho vùng kín khác như xịt thơm
- Hoạt động tình dục, bao gồm cả thủ dâm xâm nhập và quan hệ tình dục qua đường âm đạo
Nếu kết quả xét nghiệm không rõ ràng thì sẽ cần làm lại xét nghiệm vào một ngày khác.
Nếu xét nghiệm cho kết quả bất thường thì cũng chưa chắc đã bị ung thư cổ tử cung.
Mặc dù các tế bào bất thường phát hiện được trong mẫu xét nghiệm có thể là tế bào tiền ung thư hoặc ung thư nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Các tế bào bất thường cũng có thể là do các nguyên nhân khác như:
Bác sĩ sẽ giải thích chi tiết về kết quả và yêu cầu làm thêm xét nghiệm xác định HPV hoặc các bệnh nhiễm trùng khác nếu cần thiết.
Không thể kết luận ung thư cổ tử cung chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm Pap. Thường sẽ cần phải soi cổ tử cung. Đây là phương pháp mà bác sĩ sử dụng máy soi cổ tử cung – một thiết bị giống như kính hiển vi, có chức năng phóng đại hình ảnh để kiểm tra bên trong.
Ngoài ra cũng có thể sẽ cần lấy mẫu mô để xét nghiệm thêm trong phòng thí nghiệm và xác định xem các tế bào bất thường có phải là ung thư hay không.
Tóm tắt bài viết
Xét nghiệm Pap định kỳ là điều rất cần thiết để sàng lọc ung thư cổ tử cung và các vấn đề khác về sức khỏe sinh sản ở phụ nữ.
Mặc dù quá trình xét nghiệm Pap sẽ hơi khó chịu nhưng rất nhanh chóng và hơn nữa, có nhiều cách để giảm đau và cảm thấy thoải mái hơn.