Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi chuẩn nhất

1 năm trước 20

Khi cất tiếng khóc chào đời, trẻ sơ sinh sẽ rời khỏi sự bảo bọc an toàn, thoải mái của cơ thể người mẹ. Kể từ đây, con yêu phải học cách tự bú, tự thở, tự điều hòa thân nhiệt cũng như thích nghi với thế giới bên ngoài bao la, rộng lớn. Cha mẹ cần làm gì để giúp em bé luôn khỏe mạnh và hạnh phúc ngay trong giai đoạn đầu đời? Mời bạn tìm hiểu bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đầy đủ nhất trong bài viết sau.

Đặc điểm của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Bạn có biết, cân nặng của trẻ sơ sinh trong vài ngày đầu tiên sau khi chào đời sẽ giảm đi khoảng 10% so với lúc mới sinh. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân của vấn đề này là do lượng chất lỏng dư thừa bên trong cơ thể bé đã được đào thải ra ngoài theo cơ chế sinh lý tự nhiên.

Đặc điểm của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổiCân nặng của trẻ sơ sinh trong vài ngày đầu tiên sau khi chào đời sẽ giảm đi khoảng 10% so với lúc mới sinh.

Trong vòng 2 tuần tiếp theo, cân nặng của con bắt đầu tăng lên từ từ, trung bình 140 – 250g mỗi tuần trong tháng đầu tiên. Bên cạnh đó, chiều dài của con yêu cũng tăng thêm khoảng 10cm trong vòng 1 tháng kể từ khi lọt lòng. Vì vậy, nếu trẻ không đạt mức cân nặng cơ bản, gia đình cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để kịp thời tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra biện pháp khắc phục.

Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, phụ huynh cần theo dõi sự tăng trưởng của bé theo tuần nhằm nắm bắt từng mốc phát triển của con yêu. Nhờ đó, bạn có thể phát hiện đúng lúc những vấn đề bất thường và xử trí hiệu quả, nhanh chóng.

Để đánh giá sự tăng trưởng của trẻ theo thời gian, bác sĩ nhi khoa sẽ căn cứ vào chiều cao, cân nặng và chu vi vòng đầu của con. Bên cạnh đó, bác sĩ còn kiểm tra khả năng nghe – nhìn, ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ.

Sức khỏe của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Đa số cha mẹ đều vô cùng lo lắng khi con trẻ thường xuyên quấy khóc trong khoảng thời gian này. Nếu thường xuyên quấy khóc, bé có thể đang bị những cơn đau co thắt ở trẻ sơ sinh (hội chứng colic) làm phiền. Do đó, người mẹ hãy thử kiểm tra các triệu chứng.

Khi bị hội chứng holic, trẻ sơ sinh thường mở to hoặc nhắm chặt mắt khi khóc, bụng cứng, co đầu gối lên phía ngực, thậm chí nín thở. Nguyên tắc xác định em bé có đang mắc hội chứng này hay không phụ thuộc vào tiêu chí: con khóc khoảng 3 tiếng mỗi ngày, 3 ngày một tuần và diễn ra trong vòng ít nhất 3 tuần.

Trên thực tế, không phải mọi cơn quấy khóc của trẻ sơ sinh đều cảnh báo các vấn đề về sức khỏe. Khóc cũng là một hình thức giao tiếp của bé với bạn, thông báo rằng bé đang đói bụng, muốn thay tã mới hay cần được vỗ về.

Không chỉ dừng lại ở đó, tiếng khóc của trẻ sơ sinh còn là dấu hiệu chứng tỏ con yêu đang khỏe mạnh. Nếu em bé của bạn không khóc mà chỉ ọ ẹ, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân cụ thể ngay.

Trẻ dưới 1 tháng tuổi còn rất nhỏ và yếu ớt. Vì vậy, phụ huynh nên chú ý giữ gìn vệ sinh cẩn thận. Điều này có thể hạn chế tối đa hàng loạt rủi ro bệnh tật. Bạn hãy rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần thay tã, trước và khi chăm sóc con yêu, đồng thời giữ con tránh xa mầm bệnh cùng các tác nhân gây hại.

Ngoài ra, trong một tháng đầu tiên, bé cần được chủng ngừa một số bệnh lý nhất định. Cha mẹ đừng quên đưa con đi tiêm phòng đúng lịch và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhé!

Sự phát triển giác quan của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Sự phát triển giác quan của em bé dưới 1 tháng tuổi được đánh dấu bằng các cột mốc quan trọng như sau:

  • Về mặt vận động và thể chất: Trẻ dưới 1 tháng tuổi đã biết cách điều khiển đôi tay. Vì vậy, các con có thể huơ tay, giật tay, thậm chí đưa tay lên miệng. Nếu được cho nằm sấp, bé có thể xoay đầu sang hai bên trái – phải. Thêm vào đó, một số trẻ có thể nắm chặt bàn tay hoặc nhoẻn miệng cười. 
  • Về khứu giác và xúc giác: Trong độ tuổi này, em bé có thể xác định chính xác mùi hương sữa mẹ, cảm nhận vị chua, đắng và tìm cách tránh né những thức ăn mang hương vị mà con không thích. Thêm vào đó, trẻ cũng thể hiện phản ứng khi bị cưng nựng một cách thô bạo hoặc tỏ ra yêu thích những hương thơm dễ chịu.
  • Về mặt thính giác và thị giác: Trong độ tuổi này, con có thể tập trung nhìn vào vật thể ở khoảng cách tối thiểu 25 – 30cm, đồng thời chăm chú theo dõi một vật chuyển động. Bé cũng có thể phát hiện giọng nói và cố gắng tìm về hướng nguồn phát.
Sự phát triển giác quan của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổiTrẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đã biết cách điều khiển đôi tay.

Phụ huynh cần lưu ý, những em bé sinh non không thể hiện những mốc phát triển rõ ràng, cụ thể. Việc đánh giá quá trình tăng trưởng của trẻ sinh non thường được dựa trên tuổi thai của con. Các bé sẽ dần dần đạt được từng cột mốc trên theo tốc độ riêng của mình.

Hành vi của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Trong giai đoạn này, em bé đã biết nhoẻn miệng cười như một phản xạ tự nhiên. Đến khi tròn 6 tuần tuổi, con sẽ cười nhiều hơn, nhận ra giọng nói và gương mặt quen thuộc của các thành viên trong gia đình. 

Đây cũng chính là thời điểm xuất hiện của hội chứng colic. Lúc này, bé sẽ quấy khóc thường xuyên mà không có lý do rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ tự động biến mất lúc con yêu được 4 – 6 tháng tuổi.

Khi trẻ bị hội chứng colic làm phiền, độc giả có thể ôm ấp, vỗ về, hát ru, tiếp xúc da chạm da, phát cho con nghe những bản nhạc êm dịu hay làm điều gì đó thu hút sự tập trung của con. Nếu bé không phản ứng tốt với những hành động này, người mẹ hãy kiên nhẫn, không la mắng, nổi nóng bởi con có thể bị căng thẳng và phản ứng thái quá với bạn đấy!

Mỗi khi bé khóc dạ đề, chị em nên thử áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách xử trí phù hợp nhất với mỗi trường hợp.

Hoạt động dành cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Những hoạt động đơn giản, an toàn có thể hỗ trợ quá trình phát triển ổn định của con yêu bao gồm:

  • Cơ cổ của bé vẫn còn yếu và đang trên đà phát triển nên khi bồng con, bạn hãy nhẹ nhàng đỡ lấy đầu, cổ của trẻ.
  • Cha mẹ nên cho con nằm sấp vài phút mỗi ngày để kích thích bé ngẩng đầu lên. Hoạt động này giúp cơ cổ của trẻ phát triển nhanh hơn. Lưu ý, người mẹ tuyệt đối không rời mắt khi con yêu đang nằm sấp bởi tư thế này cũng chính là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
  • Hãy chủ động tương tác với bé (massage, trò chuyện) trong lúc bạn chơi đùa hoặc thay tã cho con, đồng thời tập cho trẻ cách theo dõi chuyển động và giọng nói của bạn.
  • Cho bé nắm lấy ngón tay của bạn. Hành động này góp phần rèn luyện khả năng cầm nắm cũng như cải thiện chức năng vận động của bàn tay cùng ngón tay.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Căn cứ vào đặc điểm tâm – sinh lý của cơ thể em bé, cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi được chia ra thành 2 phần cụ thể là cách sóc trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên và cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong 3 tuần tiếp theo.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

7 ngày đầu sau khi chào đời là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Bởi đây chính là thời kỳ chu sinh của con. Nếu phụ huynh không nuôi dưỡng đúng cách thì nguy cơ tử vong của con em lên đến 50%. Ở giai đoạn này, thần kinh sọ não của bé bị ức chế do ngủ nhiều. Bé chỉ thức dậy khi ướt tã hoặc đói bụng. Vì vậy, cha mẹ cần theo sát con từng giây từng phút.

Giữ ấm cho bé cẩn thận

Điều quan trọng nhất đối với trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi là vấn đề giữ ấm. Khi nhiễm lạnh, con dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công. Người mẹ nên ưu tiên để em bé nằm kề cận bên mình. Nhờ đó, con yêu có thể dễ dàng đón nhận hơi ấm từ mẹ và cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng. Hơn nữa, điều này giúp chị em kịp thời quan sát và xử lý những sự cố bất ngờ.

Cho bú thường xuyên khi con đói

Lúc còn nằm trong bụng mẹ, bé sẽ được cung cấp nguồn dưỡng chất thiết yếu một cách liên tục và đầy đủ thông qua nhau thai. Kể từ khi lọt lòng, con phải một mình chống chịu với cảm giác đói bụng và môi trường lạnh giá hơn hẳn bên trong tử cung người mẹ. 

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổiĐối với trẻ sơ sinh, nguồn dinh dưỡng hoàn hảo và toàn diện nhất đối chính là sữa mẹ.

Do đó, khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, độc giả nên nhớ rằng bé có nhu cầu năng lượng rất cao, cần được bú mẹ càng sớm càng tốt khi vừa chào đời. Bạn hãy đáp ứng nhu cầu của con ngay và không cần tuân theo những khung giờ nhất định.

Đối với trẻ sơ sinh, nguồn dinh dưỡng hoàn hảo và toàn diện nhất đối chính là sữa mẹ. Trong những năm tháng đầu đời, con không cần ăn hay uống thêm bất cứ loại sữa bột hay thức uống nào khác. 

Trong tuần đầu sau sinh, lượng IgA bên trong sữa mẹ cao gấp hàng nghìn lần so với các loại sữa thông thường. Bạn có biết, 1cm3 sữa non chứa đến khoảng 4000 tế bào bạch cầu. Vì vậy, nguồn dưỡng chất tuyệt vời này có thể giúp con yêu nâng cao sức đề kháng nhằm tiêu diệt tận gốc mọi vi khuẩn gây hại đang tồn tại trong đường ruột.

Theo thống kê, tỷ lệ trẻ sơ sinh bú mẹ ngay sau khi sinh mắc chứng tiêu chảy và viêm phổi thấp hơn hẳn những em bé không được bổ sung sữa mẹ. Đây chính là lý do chị em cần trân trọng từng giọt sữa non quý giá, không nên vắt sữa bỏ đi.

Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng nguồn sữa, chị em nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, không kiêng khem quá mức. Bởi trong giai đoạn này, mọi chất dinh dưỡng mà người mẹ dung nạp sẽ được truyền sang cho bé thông qua sữa mẹ.

Ngoài ra, độc giả có thể tạo nên cảm giác thoải mái khi con đang bú bằng cách để trẻ ngậm lấy toàn bộ phần núm và nhũ hoa thay vì chỉ ngậm đầu ti. Hãy luôn vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước – sau khi cho con bú thông qua việc nhúng khăn sạch vào nước ấm và lau chùi kỹ lưỡng.

Nuôi con bằng sữa công thức đúng cách

Dù biết rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng tất nhiên, vì một lý do nào đó, chị em không thể cho con bú sữa mẹ. Để tạo điều kiện cho con trẻ phát triển tối ưu và nhanh chóng, những nhà khoa học hàng đầu cùng các chuyên gia y tế đã dành ra nhiều năm phối hợp nghiên cứu các loại sữa công thức cao cấp, có giá trị dinh dưỡng gần như tương đương sữa mẹ.

Nhìn chung, các loại sữa bột dành cho trẻ sơ sinh chủ yếu được phân loại dựa trên thành phần đường và protein trong công thức. Hàm lượng chất béo, protein sữa bò cùng nhiều vi chất dinh dưỡng khác (ARA, DHA, cholin…) sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với mọi độ tuổi.

Dưới đây là một số vấn đề phụ huynh cần lưu ý khi nuôi con bằng sữa công thức:

  • Nếu bé không bú được sữa mẹ, chị em hãy cho con dùng loại sữa bột được bổ sung nhiều chất sắt.
  • Xem kỹ ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm.
  • Pha chế chính xác theo hướng dẫn sử dụng. Nếu uống sữa quá đặc, bé dễ bị tổn thương thận và rối loạn điện giải. Ngược lại, nếu uống sữa quá loãng, con dễ bị thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao – cân nặng.
  • Sữa bột là loại sữa công thức có giá cả tương đối phải chăng với cách pha chế vô cùng đơn giản: hòa 1 muỗng sữa bột vào 60ml nước ấm. Cha mẹ có thể chọn mua loại sữa công thức dạng lỏng, đã được khuấy sẵn từ trước dựa trên tỷ lệ cân bằng giữa nước và sữa. Tuy nhiên, sữa pha chế sẵn thường khá đắt đỏ.
  • Luôn rửa tay thật sạch sẽ trước và sau khi pha sữa cho con.
  • Bạn nên giữ lạnh sữa công thức sau khi đã pha xong, đồng thời đổ bỏ phần sữa còn dư nếu bé không uống hết. 
  • Làm ấm sữa lạnh bằng cách ngâm bình sữa trong 1 chén nước ấm.
  • Tuyệt đối không hâm nóng bình sữa bằng lò vi sóng vì lúc này, bình sữa có thể làm bé phỏng miệng.
  • Nguồn nước được sử dụng để pha sữa công thức cần được kiểm tra hàm lượng nitrat cẩn thận, đã nấu sôi và làm mát cẩn thận.
  • Hãy chùi rửa núm vú và bình sữa bằng nước ấm với xà phòng, có thể rửa trong máy rửa chén.
  • Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi không nên uống thêm bất kỳ loại nước lọc, nước trái cây nào khác.

Các biểu hiện sinh lý bất thường của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi nói chung và em bé 1 tuần tuổi nói riêng thường đi ngoài phân su, phân màu xanh thẫm, đặc quánh và không có mùi. Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài phân su và bị vàng da, giảm cân, tím tái, khóc nhiều, cứng hàm, khó thở, sặc khi bú, ngủ li bì trên 2 ngày thì phụ huynh cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Một số trẻ xuất hiện bướu huyết thanh trên đầu. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên tự ý chọc hút cục bướu. Thay vào đó, hãy theo dõi con yêu sát sao và tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sĩ. 

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong 3 tuần tiếp theo

Thời kỳ chu sinh của bé diễn ra trong vòng 28 ngày tuổi. Ở giai đoạn này, nếu phụ huynh chăm sóc cẩn thận, nguy cơ gặp phải các rủi ro về mặt sức khỏe của con em sẽ giảm đi đáng kể. 

Chăm sóc con khi cho bú

Lúc mới chào đời, phản xạ ăn uống của trẻ vẫn còn vô cùng non nớt. Vì vậy, con yêu cần sự trợ giúp từ người mẹ. Trẻ sơ sinh dễ bị ọc sữa, nôn trớ nếu không được cho bú đúng cách. Khi cho con bú, để giảm thiểu tình trạng này, chị em nên bế đứng con trong vòng vài phút và khum tay vỗ nhè nhẹ vào lưng bé sau khi ăn. 

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong 3 tuần tiếp theoKhi bú, bé nên nằm nghiêng hoặc được kê đầu cao hơn ngực một chút.

Khi bú, bé nên nằm nghiêng hoặc được kê đầu cao hơn ngực một chút. Điều này góp phần hạn chế tối đa nguy cơ hít sặc. Độc giả lưu ý tuyệt đối không cho trẻ chưa đầy tháng ngủ trong tư thế nằm sấp.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, nếu có đủ sữa, phái đẹp nên đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi con tròn 1 tuổi. Để có được nguồn sữa dồi dào và đầy đủ dưỡng chất, người mẹ nên ăn uống khoa học, đa dạng thực phẩm và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. 

Để bé ngủ thật nhiều 

Đây là cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đơn giản và hiệu quả mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Thông thường, con yêu có thể ngủ 16 – 18 tiếng mỗi ngày và chỉ thức dậy khi đói bụng hay cần đi tiểu. 

Vì giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bé trong giai đoạn đầu đời nên người mẹ hãy hỗ trợ con ngủ đủ, sâu và ngon giấc. Chị em cần quan sát từng biểu hiện của con trẻ và cho con ngủ ngay khi con ngầm thông báo. Bởi nếu cơn buồn ngủ kéo dài quá lâu, trẻ sẽ quấy khóc, cau có và không chịu đi ngủ.

Phụ huynh hãy tạo một không gian sạch sẽ, êm ái và thoải mái, đồng thời thường xuyên thay tã nhằm phòng tránh hiện tượng “quá tải” khiến bé khó chịu, bứt rứt. Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, độc giả nên tìm cách hạn chế những tiếng động ầm ĩ bởi lúc này, trẻ vẫn còn nhạy cảm và dễ giật mình trước các tác động từ thế giới xung quanh. Để giúp bé dễ ngủ hơn, người mẹ có thể cho con nghe những bản nhạc không lời du dương êm dịu hoặc ngân nga vài điệu hát ru ngọt ngào.

Trong những năm tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh thường quấy khóc vào ban đêm. Đây là hiện tượng sinh lý hoàn toàn tự nhiên và bình thường. Thế nhưng, tình trạng này khiến cha mẹ mệt mỏi, căng thẳng vì phải liên tục thức dậy giữa đêm để dỗ dành con yêu.

Đôi khi, vì mong bé ngủ ngoan vào ban đêm nên chị em cố gắng giữ bé thật tỉnh táo vào ban ngày. Cách làm này vừa không thể cải thiện tình hình vừa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Hãy để giấc ngủ của con đến đúng lúc, tự nhiên và nhẹ nhàng. Đừng đặt ra quá nhiều quy tắc hay áp lực, bạn nhé!

Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, phụ huynh cần:

  • Luôn cho bé nằm ngửa khi ngủ nhằm giảm thiểu nguy cơ đột tử (SIDS).
  • Tuyệt đối không cho con nằm trên giường có gối bông, chăn mềm cùng đồ chơi bằng len dạ.
  • Trẻ sơ sinh nên được ngủ trong một không gian riêng tư và thoải mái. Đó có thể là chiếc nôi nhỏ cạnh giường cha mẹ. Lúc này, bạn có thể dễ dàng trông nom và chăm sóc bé vào ban đêm.
  • Tránh để con yêu nằm ngủ chung giường với những đứa trẻ lớn hơn, người lớn thích uống rượu bia, hút thuốc nhiều hoặc bị thừa cân – béo phì.
  • Hạn chế cho bé nằm trên nệm hơi hoặc nệm nước bởi khuôn mặt của con dễ bị biến dạng theo hình dáng tấm nệm.

Tắm rửa và chăm sóc rốn cho em bé sơ sinh

Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi rất dễ bị nhiễm trùng thông qua đường rốn. Vì vậy, cha mẹ cần chăm sóc rốn con đúng cách hàng ngày. Sau khi tắm bé xong, độc giả hãy nhẹ nhàng vệ sinh vùng rốn bằng nước muối sinh lý, sau đó lau khô. Bạn tuyệt đối không thoa bất kỳ chất lạ nào lên trên rốn trẻ. Nếu muốn rốn con mau rụng, người mẹ chỉ cần giữ khu vực này thông thoáng, sạch sẽ thay vì băng kín.

Trước khi tắm trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, phụ huynh nên chuẩn bị quần áo, tã, khăn tắm, khăn lau, nước tắm, thuốc nhỏ mắt – mũi đầy đủ. Điều này giúp con yêu được ủ ấm ngay lập tức sau khi tắm xong. Nơi tắm phải kín đáo, không để gió trời lùa vào. 

Các chuyên gia cho biết, trong năm đầu tiên của cuộc đời, trẻ chỉ cần được tắm rửa khoảng 3 lần/tuần. Bạn có thể sử dụng nước mát từ thảo mộc tự nhiên hoặc các loại xà phòng chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh. Lưu ý, hãy lau người bé thật khô trước khi mặc quần áo cho con. 

Tắm rửa và chăm sóc rốn cho em bé sơ sinhCác chuyên gia cho biết, trong năm đầu tiên của cuộc đời, trẻ chỉ cần được tắm rửa khoảng 3 lần/tuần.

Cách tắm lau tắm em bé

  • Chuẩn bị 1 thau nước ấm
  • Đặt bé nằm yên trên mặt phẳng/khăn tắm sạch
  • Cởi hết quần áo rồi quấn trẻ trong một chiếc khăn mềm
  • Lau mắt con yêu bằng một chiếc khăn nhỏ đã thấm nước ấm theo chiều từ trong ra ngoài
  • Làm sạch tai và mũi của trẻ bằng khăn ướt rồi rửa mặt
  • Sử dụng bọt tắm gội hoặc dầu gội để nhẹ nhàng làm sạch đầu tóc của trẻ
  • Nhẹ nhàng lau rửa toàn bộ thân thể con (nhất là những nếp nhăn sau tai, dưới cánh tay, quanh cổ và xung quanh bộ phận sinh dục)
  • Lau khô người con thật kỹ lưỡng
  • Mặc tã và quần áo cho trẻ

Cách tắm con trong thau nước

vào những lần đầu tiên cho con tắm thau, người mẹ nên tiến hành nhanh gọn và nhẹ nhàng. Ngoài các vật dụng cần chuẩn bị được liệt kê phía trên, chị em hãy chú ý đến thau tắm của trẻ. Bạn chuẩn bị một lượng nước ấm có nhiệt độ vừa phải, sau đó đổ vào thau và ngừng lại khi nước dâng cao khoảng 5cm. Trước khi tắm trẻ, độc giả nên kiểm tra nhiệt độ bằng cách thử nhúng cổ tay/khuỷu tay vào thau nước. 

  • Cởi quần áo của bé
  • Dùng tay đỡ lấy đầu con
  • Từ từ đưa trẻ xuống nước
  • Rửa mặt và lau tóc cho con bằng một chiếc khăn nhỏ
  • Sử dụng bàn chải mềm hoặc ngón tay xoa bóp da đầu bé
  • Đặt khăn sạch/miếng tắm chứa dầu gội lên trán con để nước chảy sang hai bên và không chạm vào mắt
  • Nhẹ nhàng làm sạch thân thể bằng nước ấm cùng một lượng sữa tắm vừa đủ
  • Xối nước nhẹ nhàng lên người con để bé không bị nhiễm lạnh
  • Quấn khăn cho con ngay lập tức và bao đầu con lại sau khi tắm xong (bạn nên chọn mua loại khăn có nón trùm đầu)
  • Khi đang tắm trẻ, chị em không nên để con một mình, nếu cần khỏi phòng tắm, hãy quấn bé vào khăn và ẵm con theo cùng

Đội nón và quấn tã cho con 

Để chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi thật tốt, phụ huynh cần ghi nhớ cách đội nón và quấn tã cho bé đúng cách. Vì sợ trẻ nhiễm lạnh nên nhiều chị em liên tục đội nón cho con bất kể ngày đêm, dù thời tiết lạnh lẽo hay nắng nóng. 

Điều này hoàn toàn không tốt cho bé. Cơ thể con chưa thể tự điều hòa thân nhiệt. Do đó, việc đội nón kín đầu khiến bé đổ nhiều mồ hôi, cảm thấy ngứa ngáy và dễ quấy khóc hơn. Trong nhiều trường hợp, trẻ còn bị tăng thân nhiệt, dẫn đến hiện tượng sốt cao.

Bạn có biết, trong giai đoạn này, bé thường thoát nhiệt qua da đầu, đặc biệt là khu vực sau gáy? Vì vậy, cha mẹ chỉ nên đội nón cho con khi đi ra ngoài hoặc khi trời chuyển lạnh. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quấn tã khít chặt có thể giúp con ngủ ngon hơn, ít bị giật mình và hạn chế quấy khóc. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng đây là quan niệm sai lầm. Nếu phụ huynh quấn tã quá chặt, khớp háng của con buộc phải duỗi thẳng, hướng về phía trước, khiến chân con bị bí bách, nóng nực, khó chịu, thậm chí lệch trục.

Chăm sóc mắt, mũi, miệng, cổ, móng

Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, độc giả cần đặc biệt chú ý đến đôi mắt và làn da của con yêu. Khi vệ sinh mắt, mũi, miệng, cổ, móng của bé, bạn nên tuân thủ triệt để các quy trình sau:

Vệ sinh mắt

  • Nhỏ vào mỗi bên mắt một giọt dung dịch nước muối sinh lý (sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh)
  • Nghiêng người con để thuốc nhỏ mắt rửa sạch, cuốn trôi mọi bụi bẩn bên trong lẫn bên ngoài mắt
  • Lau sạch vùng da xung quanh mắt bằng một miếng bông gòn đã được ngâm trong nước ấm
  • Làm sạch mọi góc mắt, nhẹ nhàng lau từ góc trong đến góc ngoài

Lưu ý

  • Tại mỗi vị trí, độc giả sử dụng những miếng bông gòn khác nhau. Điều này có thể hạn chế sự lây lan vi khuẩn nhiễm bệnh từ mắt bên này sang mắt bên kia.
  • Thực hiện thật chậm rãi, nhẹ nhàng. Nếu mắt con xuất hiện gỉ khô, chị em chỉ cần nhỏ thêm một chút nước muối, sau đó lấy bông gòn sạch thấm hút nhẹ nhàng, tránh tì mạnh gây tổn thương đôi mắt của con.

Vệ sinh mũi

  • Gấp khăn giấy thành 4 phần rồi xoắn nhẹ một góc
  • Một tay mẹ giữ lấy đầu bé, tay còn lại đưa phần khăn giấy đã xoắn vào bên trong lỗ mũi và nhẹ nhàng làm sạch mũi con
  • Làm lại lần nữa nếu bạn cảm thấy mũi trẻ chưa sạch

Lưu ý

  • Ngoài khăn giấy, phụ huynh có thể sử dụng loại khăn mỏng, mềm dành riêng cho trẻ sơ sinh và tiến hành tương tự.
  • Hãy đưa tay xoắn theo chiều xoắn của khăn giấy nhằm cuốn sạch bụi bẩn và gỉ mũi vào trong kẽ xoắn.
  • Tuyệt đối không lấy gỉ mũi bằng móng tay hoặc ngón tay bởi bạn rất dễ gây tổn thương lớp màng mũi nhạy cảm, mỏng manh của con.
Chăm sóc mắt, mũi, miệng, cổ, móngCách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Vệ sinh tai

  • Xoắn nhẹ một góc của một chiếc khăn bông mỏng
  • Từ từ đưa khăn sâu vào bên trong lỗ tai bé
  • Tiếp tục xoắn nhẹ nhàng theo chiều xoắn ban đầu của khăn bông
  • Lau sạch khu vực bên ngoài lỗ tai

Lưu ý

  • Chị em chỉ nên sử dụng khăn sạch với chất liệu mềm mại, mỏng mịn.
  • Tuyệt đối không sử dụng tăm bông để vệ sinh lỗ tai của trẻ bởi cách làm này có thể gây tổn thương tai nghiêm trọng, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc.
  • Nếu ráy tai của con khá nhiều và vón cục, bạn có thể nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào tai bé khoảng 3 – 4 lần/ngày để giúp ráy tai dần dần mềm chảy. Sau đó, bạn lần lượt tiến hành các bước trên.

Vệ sinh miệng

Hiện nay, nhiều chị em chọn cách rơ lưỡi em bé bằng mật ong. Tuy nhiên, vì mật ong chứa thành phần có thể khiến trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị ngộ độc nên bạn tuyệt đối không áp dụng mẹo dân gian này. Các chuyên gia khuyến cáo, để vệ sinh miệng con đúng cách, cha mẹ nên:

  • Chuẩn bị 1 ly nước ấm và 1 chiếc khăn trắng sạch
  • Nhúng khăn vào ly nước
  • Quấn một ngón tay vào khăn rồi đưa lên miệng 
  • Rơ lưỡi và làm sạch vòm miệng

Vệ sinh cổ

Vùng cổ trẻ sơ sinh có nhiều nếp nhăn. Do đó, bụi bẩn và cặn bã dễ tích tụ ở những lằn kẽ này. 

  • Chuẩn bị 1 ly nước ấm và 1 chiếc khăn trắng sạch
  • Nhúng khăn vào ly nước
  • Lần lượt vạch từng lớp ngấn cổ để vệ sinh cho trẻ
  • Nhẹ nhàng lau cổ từ trái sang phải và ngược lại
  • Sau khi lau lần 1, bạn giặt sạch khăn và lau thêm lần nữa
  • Cách vệ sinh vùng nách, háng và các ngấn tay chân tương tự cách làm này.

Vệ sinh móng tay

Móng tay của trẻ sơ sinh dài ra rất nhanh và thường dính nhiều bụi bẩn. Bình thường, con luôn nắm chặt ngón tay nên việc vệ sinh móng tay gặp khá nhiều khó khăn. Độc giả có thể thực hiện từng bước sau đây:

  • Chuẩn bị kềm bấm móng tay dành riêng cho trẻ sơ sinh
  • Tranh thủ cắt móng khi con đang mê ngủ hoặc nhờ người nhà giữ chặt ngón tay lúc bé đang thức
  • Sử dụng phần mài của dụng cụ để mài móng tay trẻ thật kỹ, nếu không, các móng tay sắc nhọn có thể gây trầy xước da con

Tăng cường tương tác với con

Sau khi tròn 2 tuần tuổi, các giác quan của trẻ sẽ bắt đầu hoàn thiện. Cơ thể có thể cử động tự chủ và linh hoạt hơn đáng kể. Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, phụ huynh sẽ phát hiện:

  • Vào thời điểm này, con yêu có thể lắng nghe khá tốt, đặc biệt yêu thích giọng nói của mẹ và sẽ biểu lộ niềm hân hoan khi được chuyện trò cùng mẹ. Tuy lúc này con chưa thể thấu hiểu nhưng những cuộc trò chuyện hàng ngày của hai mẹ con sẽ kích thích trẻ phát triển thính giác, đồng thời tích lũy vốn từ vựng phong phú, từ đó xây dựng kỹ năng giao tiếp sau này.
  • Âm thanh cũng có thể trở thành một nguồn kích thích độc đáo. Nếu con trẻ quấy khóc, chị em có thể hát ru, đọc thơ hoặc bật cho bé nghe một bản nhạc nhẹ nhàng.
  • Con yêu có thể nhìn rõ trong bán kính 20cm và biết cách phân biệt các gam màu có mức độ tương phản cao như: đen, trắng, đỏ. Vì vậy, để giúp bé phát triển thị giác, người mẹ có thể cho con quan sát đồ chơi nhiều màu cũng như khuyến khích trẻ theo dõi sự chuyển động chậm chạp của một số đồ vật. 

Tạo nên sự gắn kết giữa mẹ và bé chính là phần thú vị nhất trong bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Sự gần gũi, thân thuộc về mặt thể xác có khả năng kết nối cảm xúc vô cùng mạnh mẽ, đồng thời góp phần nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp đầu đời của con yêu. Cha mẹ có thể trở nên thân thiết với con bằng cách nhẹ nhàng ôm ấp, âu yếm, “da kề da” và vuốt ve trẻ mỗi ngày.

Thêm vào đó, người mẹ nên thường xuyên massage cho bé (nhất là trẻ được sinh non hoặc đang mắc bệnh). Một số loại massage có thể tăng cường sự gắn kết cũng như góp phần thúc đẩy con yêu tăng trưởng – phát triển toàn diện. Phụ huynh có thể tìm hiểu và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, tham gia khóa học hoặc tìm đến các dịch vụ massage dành cho trẻ sơ sinh chuyên nghiệp.

Tăng cường tương tác với conSự gần gũi, thân thuộc về mặt thể xác có khả năng kết nối cảm xúc vô cùng mạnh mẽ, đồng thời góp phần nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp đầu đời của con yêu.

Một số lưu ý khác khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Để chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi thật tốt, bên cạnh những bí quyết trên, cha mẹ cần lưu tâm đến những vấn đề sau:

  • Thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhiệt độ cơ thể của con bằng cách quan sát bằng mắt và sử dụng nhiệt kế. Nhiệt độ bình thường của bé khoảng 36,5 – 37 độ C. Nếu nhiệt độ của con trên 38 độ C thì con đang bị sốt. Sau khi lau mát cơ thể, nếu bé vẫn chưa hạ sốt, chị em cần đưa con đi thăm khám bác sĩ ngay.
  • Không để con yêu tiếp xúc với những loại mỹ phẩm, xà phòng chứa nhiều phụ gia, hóa chất.
  • Thay tã ngay khi phát hiện tã ướt, chỉ chọn mua các loại tã an toàn, dịu nhẹ, đảm bảo không gây bí nóng da con.
  • Duy trì độ ẩm thích hợp của làn da bé.
  • Tuyệt đối không để hóa chất độc hại vương vào mắt trẻ. Nếu bé bị chảy nước mắt hoặc đổ ghèn trong tuần đầu sau khi sinh, bạn hãy vệ sinh mắt con thật cẩn thận hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Chuẩn bị khăn lau mặt riêng chỉ dành cho con.
  • Tránh để người ngoài thăm nom, tiếp xúc và ôm ấp trẻ.
  • Cho bú khi bé đói, đảm bảo tần suất 6 lần bú mẹ/ngày hoặc 12 lần bú bình/ngày.
  • Cho con ngủ theo nhu cầu của con, không ép buộc trẻ đi ngủ hoặc đánh thức lúc bé đang say giấc, nên để con nằm trong nôi (hạn chế nguy cơ con rơi xuống đất khi trở mình)
  • Thiết kế phòng ngủ an toàn tuyệt đối (xa cửa sổ, xa cửa ra vào, tránh nắng gắt và gió trời, không có các vật dụng/đồ chơi nguy hiểm).
  • Luôn rửa tay sạch sẽ, cẩn thận trước và sau khi chăm sóc con yêu.
  • Tiêm chủng đúng lịch.
  • Tái khám thường xuyên.
  • Không mặc tã quá chặt, quá kín.
  • Tuyệt đối không dùng nước giặt và chất tẩy rửa để giặt quần áo của con.
  • Không để bé mặc quần áo mới mua, chưa giặt sạch vì con có thể bị tổn thương hoặc dị ứng với chất vải mới.
  • Nếu mua quần áo bông, bạn nên chọn cỡ lớn hơn kích thước cơ thể của bé một chút vì sau khi giặt, chất vải sẽ co nhỏ hơn ban đầu. 
  • Không tắm cho bé quá kỹ bởi lúc này, da trẻ rất nhạy cảm, mỏng manh và có nhiều mạch máu. Nếu cha mẹ sử dụng xà phòng có tính kiềm mạnh thì làn da con dễ nổi mẩn đỏ và suy giảm chức năng.
  • Tự giác dọn dẹp nhà cửa, đảm bảo nơi ở sạch sẽ, thoáng mát với bầu không khí dễ chịu, trong lành.
  • Cho bé nằm ở nơi có ánh sáng vừa đủ (không chói chang, gay gắt). Nhờ đó, người mẹ có thể dễ dàng phát hiện tình trạng vàng da sinh lý và bệnh lý của con (nếu có).
  • Nếu cho bé uống sữa công thức, phụ huynh cần đảm bảo pha sữa đúng theo hướng dẫn sử dụng, đồng thời vệ sinh dụng cụ pha chế cẩn thận. 
  • Để bé nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ, tránh nằm sấp.
  • Luôn cần có người thân bên cạnh trông nom con trẻ.
  • Lắp ổ điện ở xa nơi bé nằm.
  • Không cho trẻ chơi với các loại đồ chơi sắc nhọn hoặc có kích thước quá nhỏ.
  • Tránh tắm con trực tiếp dưới vòi nước nóng – lạnh.
  • Không tự ý cho con uống thuốc hoặc áp dụng các biện pháp chăm sóc – chữa trị truyền miệng khi chưa tham vấn y khoa.
  • Nếu bé có biểu hiện bất thường, hãy nhanh chóng đưa con đi thăm khám bác sĩ nhi khoa.

Hy vọng với những bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi trên, độc giả có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm tâm – sinh lý của con em trong giai đoạn này, từ đó yêu thương và nuôi dưỡng trẻ đúng cách.

Đọc toàn bộ bài viết