Giống như người lớn, trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh cũng cần vệ sinh miệng lưỡi. Bài viết dưới đây được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Đỗ Phương Nga Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ hướng dẫn bố mẹ cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh đúng cách để đảm bảo quá trình mọc răng sau này.
Vì sao cần vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh?
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng trẻ sơ sinh chưa mọc răng, cũng như chưa ăn thực phẩm gì nên chưa cần vệ sinh miệng. Bác sĩ Nga cho biết, vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng giống như ở người trưởng thành. Bề mặt lưỡi và khoang miệng của trẻ có rất nhiều vi sinh vật gây mùi hôi, nếu trẻ không được vệ sinh miệng sạch sẽ sẽ không thể cảm nhận hương vị sữa và món ăn tốt nhất, từ đó dẫn đến chán ăn hay bỏ bú.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được vệ sinh miệng đúng cách sẽ rất dễ gặp tình trạng tưa miệng – hiện tượng nhiễm nấm ở niêm mạc miệng, lưỡi, họng và thậm chí là thực quản. Nấm tấn công và tạo thành những mảng trắng bám trên lưỡi và họng của trẻ gây đau rát, chảy máu khi cọ xát. Hơn nữa, tình trạng này kéo dài lâu ngày có thể khiến bé ho khò khè và dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Vệ sinh răng miệng là cần thiết, trẻ cần vệ sinh răng miệng cho ít nhất 1 lần mỗi ngày.
“Bố mẹ cần biết cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để giữ khoang miệng sạch sẽ, giúp trẻ cảm nhận tốt hương vị, ăn tốt, bú tốt và cả quá trình mọc răng sau này”, bác sĩ Nga nhắn nhủ.
Hướng dẫn cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh bài bản
Việc vệ sinh miệng khi trẻ bị tưa miệng sẽ khác với việc vệ sinh hàng ngày, bác sĩ Nga hướng dẫn cụ thể 2 cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh giúp bố mẹ nắm rõ và thực hiện đúng.
1. Vệ sinh miệng hàng ngày
Sau khi trẻ ăn sữa xong, bố mẹ có thể thấy trong miệng trẻ xuất hiện các chấm trắng nhỏ trên mặt lưỡi dễ bong và trôi đi khi trẻ nuốt nước bọt, uống sữa, hoặc khi vệ sinh miệng .Đây là hiện tượng thường gặp khi bố mẹ nuôi trẻ bằng sữa công thức hoặc do trẻ có thói quen ngậm sữa khi ngủ. Để loại bỏ cặn sữa này, bố mẹ thực hiện như sau:
Chuẩn bị
- Khăn nhỏ mỏng hoặc miếng gạc mềm.
- Dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội.
Các bước vệ sinh
- Bố mẹ rửa tay thật sạch bằng xà phòng tiệt trùng, sau đó lau khô.
- Bế trẻ trên tay hoặc đặt trẻ nằm trên giường.
- Quấn khăn mỏng hoặc gạc quanh ngón trỏ rồi nhúng vào dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội được chuẩn bị.
- Nhẹ nhàng mở miệng trẻ rồi lau vòm miệng, massage nướu rồi chà lưỡi theo chuyển động tròn hoặc đưa ngón trỏ vào gốc lưỡi kéo ra ngoài để loại bỏ hết cặn sữa.
Lưu ý, bố mẹ không nên đưa ngón tay vào quá sâu trong miệng trẻ bởi có thể khiến trẻ nôn trớ. Không nên vệ sinh miệng ngay sau khi trẻ vừa ăn xong. Nên thực hiện vệ sinh ít nhất 1 lần mỗi ngày cho trẻ.
2. Vệ sinh miệng khi trẻ bị tưa miệng
Đôi khi hiện tượng mảng bám trắng trên lưỡi trẻ không phải là cặn sữa mà chính là tình trạng tưa miệng.
Tưa miệng là gì?
Tưa miệng là những mảng màu trắng bám ở niêm mạc miệng và mặt trên lưỡi của trẻ. Những mảng bám này thường phát triển nhanh và bám sâu vào niêm mạc lưỡi, vòm họng gây khó vệ sinh hết, việc cố gắng đánh bay mảng bám có thể gây đau đớn và chảy máu.
Bác sĩ Nga cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tưa miệng ở trẻ, trong đó phải kể đến nấm Candida albicans bình thường sống ký sinh trong khoang miệng trẻ bỗng gặp điều kiện thuận lợi phát triển nhanh và gây hại. Trẻ nhỏ bài tiết ít nước bọt hoặc niêm mạc miệng ở môi trường toan, pH thấp cũng dễ bị tưa miệng.
Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ các dụng cụ cho trẻ ăn như chén, cốc, bình sữa hoặc đầu núm vú không được tiệt trùng. Trẻ sơ sinh cũng có thể nhiễm nấm gây hại lây qua đường sinh dục của mẹ trong quá trình sinh đường âm đạo.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh tưa miệng bắt đầu là những chấm trắng nhỏ xuất hiện ở đầu lưỡi của trẻ, sau đó phát triển thành mảng trắng sữa (vàng kem hoặc xám) to ở mặt lưỡi trên và lan sang hai bên niêm mạc má và vòm miệng khó bóc. Lúc này trẻ sẽ bú kém, biếng ăn và quấy khóc do đau rát. Nếu nặng hơn, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu ho, tiêu chảy hoặc viêm phế quản phổi.
Điều trị tưa miệng
Nguyên tắc điều trị bệnh tưa miệng ở trẻ là tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp, có thể là thuốc dạng nước hoặc dạng kem chứa hoạt chất chống nấm.
Ngoài ra, bố mẹ cần thực hiện đúng cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh khi bị tưa miệng, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ cho trẻ ăn sữa, nếu trẻ bú mẹ cần vệ sinh vú mẹ cả trước và sau khi cho trẻ bú bằng khăn ấm.
Cách chăm sóc miệng cho trẻ bị tưa miệng
- Bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng tiệt trùng.
- Bế trẻ trên tay hoặc đặt trẻ nằm trên giường.
- Bước 1: Vệ sinh miệng bằng nước sôi để nguội:
- Quấn khăn mỏng hoặc gạc quanh ngón trỏ rồi nhúng vào nước đun sôi để nguội được chuẩn bị. Nhẹ nhàng mở miệng trẻ rồi lau vòm miệng, massage nướu rồi chà lưỡi theo chuyển động tròn hoặc đưa ngón trỏ vào gốc lưỡi kéo ra ngoài để loại bỏ hết cặn sữa.
- Bước 2: Vệ sinh miệng bằng dung dịch thuốc kháng nấm:
- Sử dụng một miếng gạc hoặc khăn nhỏ mỏng quấn quanh đầu ngón trỏ nhúng vào dung dịch kháng nấm Nhẹ nhàng mở miệng trẻ, đưa ngón trỏ vào mặt trên lưỡi của trẻ rồi lau từ trong ra ngoài. Thực hiện tiếp lần 2 nếu thấy còn mảng bám trắng. Thay mới khăn hoặc gạc sau mỗi lần thực hiện. Chú ý khi vệ sinh không được để các mảng tưa rơi vào miệng trẻ. Không cố gắng chà, lấy hết mảng bám trong 1 lần lau.
- Bố mẹ nên làm sạch mảng tưa bằng dung dịch kháng nấm 4-6 giờ/ lần mỗi ngày đến khi các nốt tưa hết hẳn. Tiếp tục đánh tưa thêm 2 ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tương tự như cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh hàng ngày, bố mẹ không nên đưa ngón trỏ vào sâu trong họng trẻ bởi có thể gây nôn trớ. Nên thực hiện đánh tưa miệng cho trẻ sau cữ ăn 30 phút.
Phòng bệnh tưa miệng
Bệnh tưa miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách:
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ ăn và bình sữa cho trẻ từng bữa.
- Vệ sinh miệng cho trẻ bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội ít nhất 1 lần mỗi ngày.
- Tuyệt đối không cạy những chấm trắng hoặc mảng bám trắng trên lưỡi trẻ bởi có thể gây chảy máu dẫn đến nhiễm trùng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn xử lý đúng cách.
Cách vệ sinh miệng cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi
Thông thường trẻ sẽ mọc chiếc răng đầu tiên lúc 6 tháng tuổi, một số trẻ có thể mọc răng muộn hơn hoặc sớm hơn. Khi trẻ mọc răng, bố mẹ cần chú trọng hơn nữa việc vệ sinh răng miệng cho trẻ.
Bố mẹ nên dùng bàn chải đánh răng mềm, bàn chải đánh răng đầu nhỏ, lông mềm – loại dành riêng cho sơ sinh. Nhúng đầu bàn chải vào nước muối sinh lý hoặc nước sạch rồi chải kỹ các mặt của răng. Sau khi đánh răng xong, bố mẹ hãy dùng khăn mềm lau sạch răng và massage toàn bộ nướu của trẻ. (1)
Có thể cân nhắc dùng kem đánh răng có lượng nhỏ fluoride ngay khi trẻ có những chiếc răng đầu tiên 2 lần mỗi ngày sau khi ăn sáng và trước khi ngủ tối. Dùng dụng cụ hút lượng kem đánh răng dư thừa, ko cần súc miệng lại với nước.
Nếu nướu trẻ đang có hiện tượng chuẩn bị nhú răng, phụ huynh có thể hỗ trợ giảm đau giúp trẻ bằng cách massage nướu bằng khăn ẩm mát.
Cách vệ sinh răng miệng cho bé trên 1 tuổi
Trẻ đã có thể sử dụng bàn chải đánh răng khi mọc chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên, vì trẻ dưới 3 tuổi chưa thể kiểm soát tốt hoạt động nuốt nên bố mẹ cần sử dụng kem đánh răng phù hợp. Kem đánh răng có fluoride dùng cho trẻ sẽ được bác sỹ nha khoa khuyến cáo riêng cho mỗi tình trạng răng (răng tốt, răng mới có vết sâu, răng sâu nhiều). Chỉ nên sử dụng một lượng kem đánh răng vừa đủ, cỡ hạt gạo cho trẻ. Dùng dụng cụ hút lượng kem đánh răng dư thừa, ko cần súc miệng lại với nước.
Cách chải răng cho bé là đặt bàn chải nghiêng 45 độ so với nướu, di chuyển bàn chải qua lại nhẹ nhàng, chải tất cả các bề mặt của răng từ mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai. Để chải mặt trong của răng cửa, bố mẹ hãy nghiêng bàn chải theo chiều dọc (hoặc xoay tròn) và tiến hành chải nhẹ nhàng lên xuống. Chú ý massage nướu và làm sạch lưỡi cho trẻ để loại bỏ vi khuẩn.
Bên cạnh tìm hiểu cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, để trẻ có hàm răng khỏe và đẹp bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Không nên cho trẻ nằm uống sữa trong giai đoạn mọc răng bởi dễ hình thành thói quen ngậm chặt núm vú, răng ngâm lâu trong sữa dễ bị biến dạng và hỏng men răng tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và gây sâu răng.
- Không nên cho bé nhai một bên vì sẽ dễ lệch hàm khiến khuôn mặt bị lệch mất cân đối.
- Chọn thức ăn phù hợp với độ tuổi của bé, tránh ăn thức ăn quá cứng để răng phát triển tốt hơn.
- Nâng môi trẻ để kiểm tra tổn thương ở chân răng thường xuyên.
- Tránh các hoạt động lây truyền nước bọt giữa trẻ và người khác: cho thức ăn qua miệng người chăm sóc trước khi cho trẻ ăn, vệ sinh núm ti, thìa ăn của trẻ bằng miệng.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Theo khuyến cáo chung, bố mẹ nên đưa trẻ thăm khám nha khoa trong vòng 6 tháng sau khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên hoặc trước 1 tuổi tùy điều kiện nào đến trước. Đặc biệt, khi nhận thấy trẻ có vấn đề như tưa miệng, bố mẹ cần đưa trẻ thăm khám ngay để được kiểm tra và xử lý đúng cách, hiệu quả.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, quy tụ chuyên gia giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm, liên kết chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong bệnh viện như Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Sơ sinh, khoa Nhi, khoa Răng – Hàm – Mặt… phối hợp chăm sóc trẻ sơ sinh tốt nhất ngay từ khi trẻ lọt lòng, xử lý hiệu quả các vấn đề răng miệng cũng như sức khỏe trẻ, đảm bảo trẻ có nền tảng sức khỏe tốt và phát triển tối ưu.
Hy vọng thông qua bài viết này bố mẹ đã biết cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đúng cách, chăm sóc sức khỏe răng miệng ngay từ nhỏ và giúp trẻ duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt khi lớn lên. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc lo lắng nào, bố mẹ đừng ngần ngại liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia giỏi hỗ trợ!