- Chuyện hôn nhân với nàng tiểu thư con nhà giàu quả thực không giống như anh chàng này tưởng tượng.
Trong xã hội ngày nay, trước khi kết hôn, nhiều người xem xét đến yếu tố tài chính, tài sản của đối phương. Chàng trai trong câu chuyện dưới đây từng kỳ vọng đổi đời sau khi cưới tiểu thư con nhà giàu nhưng mọi chuyện lại không như mong đợi.
Cưới tiểu thư con nhà giàu tưởng đổi đời, chàng rể vướng chuyện cười ra nước mắt
Mới đây, trên một hội nhóm thu hút khá đông người dùng trên mạng xã hội, một chàng rể tên P. đã kể câu chuyện hôn nhân. Được biết, anh chàng nên duyên với một tiểu thư con nhà giàu.
Những tưởng sẽ sớm thay đổi cuộc đời, nào ngờ, chàng rể thất vọng vì bố mẹ vợ để cả hai tự lập, không giúp đỡ hai vợ chồng bất cứ chuyện gì. Không những thế, P. còn ngán ngẩm với thói quen tiêu xài hoang phí của người vợ tiểu thư.
Trích tâm sự của người dùng này:
"Mình và vợ yêu nhau 2 năm rồi cưới, vợ mình học xong đại học, nhà cũng có điều kiện, bố làm nhà nước còn mẹ làm kinh doanh. Bố mẹ vợ tương trợ nhau nên cũng thành công, có của ăn của để. Bản thân vợ mình lúc tốt nghiệp đại học cũng đã được bố mẹ mua cho một căn chung cư để tiện đi làm, bố mẹ vợ từng nói là có nhà cửa rồi muốn làm gì thì làm nên mua cho vợ một căn.
Lần đầu về nhà vợ cũng bị ngợp, bố mẹ vợ ở biệt thự 5 tầng, xung quanh sân vườn rộng khoảng 500m2, bố đi Land, mẹ đi Mec… vào nhà thì cũng toàn đồ gỗ xong đồ gì cũng kiểu phải có tí dát vàng. Bố mẹ vợ mình lúc mình về ra mắt cũng không yêu cầu gì, chỉ mong 2 đứa yêu nhau rồi tập trung làm ăn. Lúc trước khi lấy vợ mình cũng nghĩ bố mẹ vợ có điều kiện vậy sau này sẽ giúp mình, không về mặt công việc thì cũng về mặt kinh tế. Dù sao giúp con rể cũng là giúp cho con gái, cho cháu mình…
Nhưng không mọi người ơi, sau 2 năm chung sống thì từ lúc lấy nhau về, bố mẹ vợ chỉ cho vợ đúng cái khoản tiền đám cưới và phong bì vậy thôi, còn lại từ ấy đến giờ, mình cứ đi làm quần quật một tháng hơn 30 triệu nuôi vợ… Vợ mình thì chỉ làm một công việc nhẹ nhàng, thoải mái, thu nhập một tháng khoảng hơn 10 triệu đồng nhưng tiêu toàn 30- 40 triệu đồng, thậm chí tiêu cả tiền tiết kiệm (đợt đám cưới 2 gia đình cho)…
Như vậy thì tháng nào cũng nuôi vợ không để ra được đồng nào lại còn âm. Mình cũng đã nói nhiều lần là bố mẹ vợ không giúp thì 2 vợ chồng tự lập, cố gắng nhưng vợ mình không nghe, cứ ậm ừ xong dần dần kiểu thôi kệ chồng nói gì thì kệ. Nhiều lần công việc cũng khó khăn mình đề xuất với vợ là về nói với bố mẹ vợ tạo điều kiện công việc cho đầu tư kinh doanh làm ăn (bằng số tiền tiết kiệm) nhưng vợ bảo là “Đàn ông là phải tự lập, cố gắng lo được cho gia đình, anh đừng có hi vọng bố mẹ em lo gì cả, bố mẹ cho cái gì thì cho, không cho thì thôi.”
Mình thấy buồn cười thật, giống kiểu bố mẹ nuôi rồi đến cái tuổi mà lập gia đình thì bố mẹ đẩy trách nhiệm ấy cho con rể, cho nhà thông gia vậy. À đấy, đến cái nhà 2 vợ chồng đang ở (là nhà mà bố mẹ vợ mua cho vợ) cũng bị thu lại, bảo là chỉ cho 2 đứa ở thuê với giá rẻ, tiền nhà gửi cho em trai đang học đại học…
Ngẫm lại giàu có quan trọng gì nữa, có giàu có điều kiện thì mình cũng không được nhờ vả cái miếng nào, tự dưng lại nuôi thêm cả vợ, vợ sống tiết kiệm lo cho gia đình chẳng sao, lại giữ cái thói quen tiêu hoang trước khi lấy chồng…
Nghĩ lại cũng mệt thật mà không biết phải nói sao cho người khác hiểu…'
Câu chuyện của P. đã thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng chàng rể này có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào người khác. Trong khi đó, người vợ cũng quen được gia đình nuông chiều, quản lý chi tiêu chưa khoa học.
Cách quản lý chi tiêu cho vợ chồng mới cưới
1. Thiết lập quỹ chung cho những chi tiêu gia đình
Các cặp đôi nên cân nhắc thiết lập một quỹ chung sau khi kết hôn. Cả hai đều phải đóng góp tùy thuộc vào thu nhập của mỗi người, nhưng phải có sự thỏa thuận và dựa trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng.
Mẹo này mang lại rất nhiều lợi ích như: giúp hai vợ chồng kiểm soát chi tiêu cân bằng và khoa học, đảm bảo phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu hàng ngày, đặc biệt còn xây dựng “lá chắn” tài chính trước các rủi ro, gia tăng niềm tin và nâng cao chất lượng cuộc sống.
2. Phân vai tài chính trong hôn nhân
Ngoài đóng góp quỹ chung, thì phân vai tài chính cũng là một trong những mẹo hữu ích để quản lý tiền bạc cho vợ chồng mới đám cưới.
Ví dụ: Người chồng phụ trách tiền học của con, tiền thuê nhà với tiền điện nước. Trong khi đó, người vợ sẽ phụ trách chi phí sinh hoạt, ăn uống hoặc quản lý quỹ tiết kiệm của gia đình.
Vai trò của cả hai cũng được phép hoán đổi với nhau. Không nhất thiết người vợ kiểm soát thu chi, người chồng là trụ cột gia đình. Vị trí “tay hòm chìa khóa” có thể giao cho người có năng khiếu và yêu thích công việc quản lý.
Nếu gặp phải khó khăn khi hoạch định và phân bổ chi tiêu thì bạn nên thảo luận, nhờ hỗ trợ của “nửa kia” để vợ/chồng cảm thấy được tôn trọng, từ đó cởi mở, trung thực và chủ động nhiều hơn khi tích lũy tài chính trong hôn nhân.
3. Theo dõi và đánh giá hành trình chi tiêu theo từng mốc thời gian
Dành thời gian theo dõi, cùng nhau quản lý chi tiêu là “chìa khóa” nuôi dưỡng quan hệ vợ chồng trở nên hòa thuận và gắn bó. Theo đó, dựa vào mốc thời gian nhất định như một tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, mỗi cặp đôi nên ngồi lại, trao đổi và đánh giá mức độ thu - chi trong sinh hoạt gia đình. Ví dụ như, thu nhập mỗi tháng được phân bổ cho mục đích thế nào; tài chính liệu có dư dả, cạn kiệt và phát sinh khoản nợ hay không.
Tất cả điều này phải được chia sẻ thẳng thắn và minh bạch với nhau, để vợ chồng nắm rõ tiền bạc đã đi về đâu, tránh tình trạng hoang mang, mâu thuẫn trong hôn nhân, cũng như cảm thấy thất vọng khi tài sản bị thiếu hụt vì bội chi.
Khánh Chi