Cứu sống một trường hợp ngừng tuần do hen phế quản nhờ kết hợp nhuần nhuyễn - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

3 năm trước 37

Ca bệnh

Khoảng 05h ngày 13/04/2018, bệnh nhân nam 42 tuổi, được nhân viên cấp cứu 115 đưa vào BV Đại học Y Hà Nội trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Qua thăm khám và khai thác thông tin nguyên nhân ngừng tuần hoàn do cơn hen phế quản nguy kịch.

Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản từ nhỏ, điều trị thuốc không thường xuyên. Trước đó 03 ngày nghi ngờ bị nhiễm khuẩn hô hấp, đây là yếu tố khởi phát tình trạng khó thở tăng dần và đáp ứng kém với các thuốc điều trị.

Khoảng 1h trước khi vào viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở dữ dội, gia đình gọi số cấp cứu 115. Khi nhân viên 115 có mặt tại nhà, bệnh nhân đã mất ý thức, ngừng thở, mất mạch cảnh: tức là đã ngừng tuần hoàn.

Bệnh nhân được tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay, kèm theo bóp bóng oxy, tiêm adrenalin tĩnh mạch. Sau 15 phút, có mạch trở lại, bệnh nhân được đặt mask thanh quản, bóp bóng oxy, và được chuyển đến Khoa CC&HSTC - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tại Bệnh viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực bằng thở máy và dùng thuốc giãn phế quản cắt cơn hen, duy trì thuốc vận mạch. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng ý thức bệnh nhân phục hồi dần, hô hấp được cải thiện. Sang ngày thứ 4, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và tự thở oxy kính.

Hiện tại, sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không cần hỗ trợ đặc biệt về các phương tiện cấp cứu.

Xử trí:

  • Dấu hiệu: mất ý thức, ngừng thở và mất mạch cảnh.
  • Ngay lập tức phải gọi cấp cứu 115, đặt bệnh nhân lên nền cứng, có thể dưới sàn nhà, đồng thời tiến hành ép ngực bệnh nhân:
  • Đặt tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tần số nhanh khoảng 120 lần/phút, thả tay hết cỡ để ngực nở tối đa.
  • Nếu có thể thì phối hợp ép ngực 30 lần- thổi ngạt 2 lần.
  • Ép ngực liên tục cho đến khi đội cấp cứu 115 đến.
  • Không nên vận chuyển bệnh nhân rời khỏi hiện trường khi tuần hoàn chưa tái lập (chưa có mạch cảnh). 

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Đọc toàn bộ bài viết