Nếu như con người ăn tiết canh hoặc thịt động vật bị bệnh dại chưa được nấu chín kỹ thì sẽ có khả năng nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nguy cơ lây bệnh dại cũng có thể xảy ra trong quá trình giết mổ, chế biến thịt động vật bị dại.
1. Bệnh dại lây như thế nào?
Bệnh dại là căn bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus dại, đường lây truyền bệnh là từ các loại động vật sang người, nếu như động vật bị bệnh dại cắn thì nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao.
Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại:
- Thể điên cuồng (thể điên cuồng là phổ biến nhất)
- Thể dại câm (bại liệt)
Trên thực tế, rất nhiều người không biết bệnh dại lây như thế nào nên việc phòng tránh gặp nhiều khó khăn. Bệnh dại có thể lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Con đường lây truyền bệnh dại từ động vật sang người cũng có thể là do động vật dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, niêm mạc miệng, mũi của con người. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy mình có nguy cơ mắc bệnh dại thì cần phải tiêm phòng bệnh dại trước khi xuất hiện triệu chứng.
Các triệu chứng bệnh dại rất giống với bệnh cúm thông thường và kéo dài từ 2-12 ngày (trong một số trường hợp các triệu chứng có thể kéo dài hơn), sau đó dần dần trở nên mạnh hơn. Từ những dấu hiệu giống như cảm cúm, tình trạng bệnh sẽ dần trầm trọng hơn và các triệu chứng như sau:
- Cảm thấy hồi hộp, lo lắng
- Sốt rét, đau đầu, buồn nôn
- Nhầm lẫn
- Kích động
- Miệng thường xuyên tiết nước bọt
- Sợ nước do khó nuốt, sợ ánh sáng nên hay chui vào chỗ tối
- Ảo giác, gặp ác mộng dẫn đến mất ngủ
- Cương đau dương vật
- Tê liệt một phần cơ thể
2. Dùng thịt từ động vật bị bệnh dại có truyền bệnh không?
Có rất nhiều thắc mắc không biết việc dùng thịt từ động vật bị bệnh dại có khả năng nhiễm bệnh hay không. Trong trường hợp thực phẩm đã được nấu chín kỹ thì virus gây bệnh đã bị tiêu diệt hoàn toàn thì khả năng truyền bệnh là không có. Tuy nhiên, nếu như sử dụng tiết canh hoặc thịt chưa được nấu chín kỹ từ động vật bị bệnh dại thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao.
Virus gây bệnh dại sẽ chết khi thịt được nấu chín hoàn toàn. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ không thể biết rõ nguồn gốc của động vật hay chúng có bị bệnh hay không trước khi ăn thịt nên nguy cơ nhiễm bệnh dại và một số bệnh khác là rất cao.
Bên cạnh đó, con đường lây bệnh dại có thể xảy ra trong quá trình giết mổ, chế biến thịt động vật bị dại. Bởi virus dại tồn tại trong nước bọt, nếu bị động vật dại cắn, liếm vào vết thương hở hoặc vết thương tiếp xúc với nước bọt của động vật dại trong quá trình giết mổ sẽ tạo điều kiện cho virus dại xâm nhập, gây bệnh cho người.
3. Làm gì khi nghi ngờ bị bệnh dại?
Khi nghi ngờ bị động vật bị bệnh dại cắn hay tiếp xúc với dịch tiết nước bọt, thì cần bình tĩnh và thực hiện những việc cần làm sau khi bị động vật dại cắn bao gồm:
- Sơ cứu ban đầu: Nếu nghi ngờ động vật bị bệnh dại cắn thì phải rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn để diệt virus gây bệnh dại; tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Băng ép cầm máu nếu thấy máu chảy nhiều (không nặn máu vì sẽ làm vết thương trầm trọng hơn. Nhưng nếu không chảy máu thì không nên băng quá kín). Sau đó, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
- Theo dõi động vật gây ra vết thương: Các động vật dại, ví dụ ở chó dại thường chạy không có mục đích rõ ràng; thay đổi âm thanh như khàn khàn và gầm gừ hoặc không có khả năng phát ra âm thanh; tiết nước bọt hoặc tạo bọt quá mức ở các góc miệng,...
- Theo dõi các dấu hiệu của bệnh trên cơ thể người: 80% trường hợp người bị động vật dại cắn sẽ đau hoặc ngứa tại vết thương bị cắn; sốt, khó chịu, đau đầu kéo dài trong 2- 4 ngày; sợ nước,...
- Tiêm vắc-xin phòng dại: Nếu như nghi ngờ động vật bị dại cắn thì bạn cần phải tiêm vắc xin phòng dại.
4. Biện pháp phòng ngừa bệnh dại
Những việc bạn nên làm để phòng ngừa bệnh dại:
- Việc tiêm phòng dại cho thú nuôi là cách phòng ngừa bệnh dại lây truyền sang người. Các gia đình nuôi thú nuôi cần phải tiêm phòng cho chó ở 6 - 8 tuần tuổi và tiêm phòng cho mèo ở 8 tuần tuổi hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, cần tiêm đủ mũi, đúng lịch, việc này giúp đơn giản hóa việc chăm sóc sức khỏe sau phơi nhiễm. Sau khi tiêm không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.
- Khi động vật đi lạc cần phải báo cáo cho cơ quan y tế địa phương hoặc nhân viên kiểm soát động vật.
- Nhắc nhở trẻ em không được chạm vào hoặc chó, mèo đi lạc và dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ và cáo.
- Nếu bạn đã bị động vật cắn, đặc biệt là một con chó không rõ nguồn gốc hoặc động vật hoang dã thì bước sơ cứu ban đầu là cần rửa sạch vùng bị cắn bằng xà phòng với nước, sau đó sử dụng dung dịch sát khuẩn và băng vết cắn bằng băng sạch rồi đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Sau đó, gọi các cơ quan kiểm soát động vật để giúp tìm động vật đã cắn mình.