Hẹp bao quy đầu ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán

1 năm trước 24

Khoảng 50% trẻ sau 1 tuổi, da quy đầu có thể tuột xuống khỏi khấc quy đầu. Đến 3 tuổi, tỷ lệ này lên đến 89%. Hẹp bao quy đầu xảy ra khoảng 8% trẻ từ 6 – 7 tuổi và 1% nam giới 16 – 18 tuổi. Hẹp bao quy đầu ở trẻ là hiện tượng thường gặp, không gây hại nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ hình thành bệnh. Bài viết sau sẽ chia sẻ cách nhận biết trẻ bị hẹp bao quy đầu, các biến chứng và cách xử trí vấn đề này.

hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là gì?

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là tình trạng bao quy đầu dài, ôm sát quy đầu dương vật của bé, khó lộn xuống. Hẹp bao quy đầu là vấn đề thường gặp ở trẻ em, sẽ hết khi trẻ lớn. Khi mới sinh ra, da bao quy đầu có nhiệm vụ che đậy, bảo vệ quy đầu dương vật của em bé khỏi các tác nhân gây bệnh.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện dưới dạng một vòng bao quanh và siết chặt và bịt kín quy đầu ngay cả khi dùng tay lộn xuống, ngăn cản sự co rút hoàn toàn, gây nhiều sự bất tiện cho trẻ.

Hẹp bao quy đầu ở bé trai được chia thành 2 dạng: hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý. Phần lớn trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, chỉ 1% trẻ bị hẹp bao quy đầu bệnh lý.

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: hầu hết bé trai mới sinh ra đều có bao quy đầu che phủ hoàn toàn quy đầu dương vật. Khi bé lớn lên, da quy đầu lột xuống một cách tự nhiên làm lộ dần quy đầu dương vật. Đến khoảng 5 – 7 tuổi trở lên, tình trạng hẹp bao quy đầu không còn.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: tình trạng hẹp bao quy đầu do tổn thương vật lý hoặc bệnh gây ra, thường là sẹo, nhiễm trùng hoặc viêm. Khi bị hẹp bao quy đầu do bệnh, trẻ gặp khó khăn trong việc lộn bao quy đầu xuống, có thể gây đau, thậm chí chảy máu. Nếu bao quy đầu của trẻ bị sưng khi đi tiểu, khó tiểu hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng thì phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khoa Nam học để điều trị.
trẻ bị hẹp bao quy đầu là gìHẹp bao quy đầu là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng tự nhiên ở trẻ nam sơ sinh. Khi trẻ lên 3 – 4 tuổi, da quy đầu bắt đầu có thể lộn xuống một cách bình thường, không gây đau, khó chịu. Tuy nhiên, một số trường hợp, trẻ không thể tuột bao quy đầu xuống hoặc chỉ có thể tuột xuống một ít. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do: (1)

  • Miệng bao quy đầu hẹp: một số trẻ nam, phần đầu da bao quy đầu rất hẹp không đủ để quy đầu dương vật có thể chui qua.
  • Ngắn dây hãm bao quy đầu: dây hãm bao quy đầu là nếp gấp da nối quy đầu dương vật với mặt dưới bao quy đầu. Nhiệm vụ của dây hãm là cho phép bao quy đầu có thể kéo lên khỏi quy đầu. Khi dây hãm ngắn, da quy đầu không thể kéo lên hoàn toàn, khi kéo gây đau và khó chịu. Tình trạng này còn gọi là ngắn dây hãm dương vật (frenulum breve).
  • Viêm nhiễm: Trẻ em bị hẹp bao quy đầu có thể do nguyên nhân viêm nhiễm do vi khuẩn tấn công dương vật gây ra sẹo xơ hóa ở quy đầu. Sẹo này cản trở khả năng tuột xuống của da quy đầu.

Dấu hiệu trẻ bị hẹp bao quy đầu

Các triệu chứng của tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ có sự khác nhau, tùy vào nguyên nhân hẹp bao quy đầu do sinh lý hay bệnh lý. Phụ huynh có thể dựa vào một số dấu hiệu sau đây để biết liệu trẻ có bị hẹp bao quy đầu hay không.

Nếu trẻ hẹp bao quy đầu sinh lý thì không đáng lo ngại. Biểu hiện thường gặp là da quy đầu ôm phần lớn hoặc hoàn toàn quy đầu dương vật. Khi trẻ lớn lên, da quy đầu sẽ tự tuột xuống giúp quy đầu dương vật lộ ra ngoài. Thông thường, bao quy đầu có thể kéo xuống hoàn toàn khi trẻ lên 3 tuổi hoặc lớn hơn một chút.

Phụ huynh nên lưu tâm nhiều đến trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu bệnh lý. Theo đó, cách nhận biết hẹp bao quy đầu ở trẻ em do bệnh bao gồm:

  • Bao quy đầu sưng phồng khi bé đi tiểu.
  • Tiểu khó, tiểu phải rặn.
  • Viêm bao quy đầu.
  • Viêm quy đầu.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Đau khi trẻ cương cứng (dậy thì).
  • Rất khó tuột bao quy đầu xuống.

Nếu con bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đưa trẻ đến bệnh viện có khoa Nam học để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, phù hợp. (2)

Các triệu chứng của tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ có sự khác biệtCác triệu chứng của tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ có sự khác biệt

Những biến chứng có thể gặp khi trẻ bị hẹp bao quy đầu

Bao quy đầu có nhiệm vụ bảo vệ quy đầu dương vật của trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khi bao quy đầu bị chít hẹp lại trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến dương vật của trẻ. Một số bệnh trẻ có thể mắc khi bao quy đầu bị thắt nghẹt gồm:

1. Viêm quy đầu

Phía dưới lớp da quy đầu là nơi sinh sống của nhiều loại vi khuẩn. Nếu da quy đầu có thể tuột xuống bình thường, phụ huynh và trẻ có thể dễ dàng vệ sinh vùng da này. Nhưng khi trẻ bị hẹp bao quy đầu, việc vệ sinh trở nên khó khăn. Theo thời gian, sự tích tụ bã nhờn, nước tiểu và cặn bẩn tạo điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, gây viêm nhiễm, khiến quy đầu của trẻ bị sưng đỏ, đau.

2. Viêm nhiễm đường tiết niệu

Khi trẻ bị hẹp bao quy đầu, việc vệ sinh vùng da phía dưới và rãnh quy đầu gặp khó khăn tạo môi trường thích hợp để vi khuẩn gây bệnh phát triển, gây viêm quy đầu. Nếu trẻ không được điều trị, vi khuẩn tiếp tục xâm nhiễm vào niệu đạo gây viêm niệu đạo. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn từ niệu đạo có thể đi ngược dòng, tấn công bàng quang, niệu quản, thận.

3. Gây nghẹt quy đầu

Ở một số trẻ, da quy đầu ôm rất chặt, khó kéo xuống khỏi dương vật hoặc có thể kéo xuống nhưng không thể kéo trở về như ban đầu. Khi trẻ lớn lên, sự cương cứng diễn ra, da quy đầu chịt hẹp giống như một vòng dây cao su thắt chặt đầu dương vật làm tắc nghẽn lưu thông máu, gây sưng phù, đau, thậm chí dẫn tới hoại tử.

4. Ung thư dương vật

Quy đầu và bao quy đầu bị viêm nhiễm mạn tính có thể làm các tế bào biến đổi, hình thành khối u, dẫn đến ung thư dương vật. Trẻ gặp phải hiện tượng chít hẹp bao quy đầu có nguy cơ bị ung thư dương vật cao hơn nhiều so với trẻ có bao quy đầu bình thường. Với trường hợp này, cắt bao quy đầu sớm là giải pháp hiệu quả.

5. Nguy cơ vô sinh

Chít hẹp bao quy đầu ở trẻ không chỉ gây viêm nhiễm tại bao quy đầu và quy đầu mà còn ảnh hưởng tới niệu đạo, bàng quang, niệu quản, thận, tinh hoàn, tuyến tiền liệt… Khi vi khuẩn tấn công tinh hoàn, chức năng sản xuất tinh trùng bị ảnh hưởng, thậm chí ngưng trệ, đe dọa đến khả năng sinh sản của bé trai sau này.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhauHẹp bao quy đầu ở trẻ có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau

Nên làm gì khi trẻ bị hẹp bao quy đầu?

Phụ huynh cần bình tĩnh vì tình trạng hẹp bao quy đầu của bé. Bởi đây có thể do nguyên nhân sinh lý, khi bé lớn hơn có thể sẽ hết. Trong trường hợp bé đã lớn mà bao quy đầu vẫn chít hẹp, khó lộn xuống, gây đau, ảnh hưởng tới sinh hoạt của bé thì phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện có khoa Nam học để được khám và tư vấn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu con bạn có những biểu hiện sau đây, bạn cần đưa bé đi gặp bác sĩ ngay:

  • Bao quy đầu bịt kín cả lỗ tiểu khiến trẻ bị tiểu khó.
  • Bao quy đầu có hiện tượng sưng phồng khi tiểu.
  • Trẻ bị đau khi đi tiểu.
  • Quy đầu dương vật của trẻ xuất hiện tình trạng sưng tấy, viêm nhiễm.
  • Trẻ hơn 3 tuổi nhưng bao quy đầu vẫn không thể hoặc khó lộn xuống, khi dùng tay lộn xuống làm bé bị đau.
Nếu hẹp bao quy đầu ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ thì cần gặp bác sĩ sớmNếu hẹp bao quy đầu ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ thì cần gặp bác sĩ sớm

Chẩn đoán tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Để chẩn đoán trẻ có bị hẹp bao quy đầu hay không, bác sĩ dựa vào một số biểu hiện lâm sàng như sau:

  • Bao quy đầu không thể tụt xuống được hoặc chỉ được một phần nhỏ.
  • Miệng bao quy đầu nhỏ hoặc bịt kín toàn bộ quy đầu, khó quan sát thấy lỗ tiểu.
  • Nếu trẻ dậy thì, có sự cương cứng, bao quy đầu không tự lộn xuống, đẩy quy đầu ra phía trước được.
  • Trẻ khó tiểu, tia nước tiểu nhỏ, phụt mạnh và xa.

Bài viết liên quan: 5 cách chữa hẹp bao quy đầu tại nhà không cần phẫu thuật

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em có thể chẩn đoán từ các biểu hiện lâm sàngHẹp bao quy đầu ở trẻ em có thể chẩn đoán từ các biểu hiện lâm sàng

Cách điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ

Việc xử lý hẹp bao quy đầu ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.

1. Trẻ từ 3 tuổi trở xuống

Có đến 96% trẻ trong độ tuổi này bị hẹp bao quy đầu. Nguyên nhân do yếu tố sinh lý, sẽ hết khi trẻ lớn nên các bậc cha mẹ không cần lo lắng. Cha mẹ chú ý giữ vệ sinh vùng kín cho trẻ. Nếu có dấu hiệu bất thường, cha mẹ không nên tự ý xử lý tại nhà mà nên đưa trẻ đến bệnh viện.

2. Trẻ từ 3 – 7 tuổi

Ở độ tuổi này, khoảng 10% trẻ tiếp tục gặp hiện tượng hẹp bao quy đầu. Phụ huynh cần lưu tâm nếu bao quy đầu của trẻ không thể tự xuống vì đây có thể là dấu hiệu của hẹp bao quy đầu bệnh lý. Khi đó, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách vệ sinh cơ quan sinh dục và tự nong da quy đầu khi tắm.

Trường hợp bao quy đầu của trẻ quá hẹp, không thể tự tụt xuống dù đã thử nhiều cách, phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị.

  • Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc bôi hẹp bao quy đầu ở trẻ em và hướng dẫn trẻ tự nong bao quy đầu. Các loại thuốc này có tác dụng làm mềm và giãn da quy đầu. Khi kết hợp với thao tác nong nhẹ nhàng dưới vòi nước, theo thời gian, bao quy đầu sẽ tuột xuống được.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể trực tiếp nong bao quy đầu cho trẻ tại bệnh viện. Đây là thao tác đơn giản nhưng cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Nam học có kinh nghiệm vì chỉ cần một sơ suất nhỏ về kỹ thuật cũng có thể gây ra tổn thương bao quy đầu của trẻ.

(*) Đối với những trẻ nam trong độ tuổi này, bác sĩ thường ít khi chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu.

3. Trẻ trên 7 tuổi

Tỷ lệ trẻ trên 7 tuổi bị hẹp bao quy đầu rất thấp, chỉ khoảng 8%. Có 3 phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu với các em trong độ tuổi này, gồm:

  • Thoa thuốc steroid tại chỗ và hướng dẫn trẻ tự tụt bao quy đầu tại nhà.
  • Can thiệp nong bao quy đầu cho trẻ.
  • Phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Một số trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu cần can thiệp phẫu thuật cắt bao quy đầuMột số trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu cần can thiệp phẫu thuật cắt bao quy đầu

Phòng ngừa hẹp bao quy đầu ở trẻ

Hẹp bao quy đầu xảy ra ở 96% trẻ sơ sinh. Nói cách khác, đây là hiện tượng bẩm sinh nên không thể phòng tránh. Tuy nhiên, phụ huynh có thể giúp bé phòng ngừa các bệnh có thể xảy ra do bị hẹp bao quy đầu. (3)

  • Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục cho trẻ, đặc biệt vùng da bên dưới da quy đầu bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ấm.
  • Nhẹ nhàng tụt dần bao quy đầu xuống, tránh tác động mạnh khiến bé bị đau.
  • Tránh sử dụng các loại hóa chất, dung dịch vệ sinh, mỹ phẩm của người lớn cho trẻ.
  • Cho trẻ cắt bao quy đầu nếu được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.

Các bậc cha mẹ lo lắng về vấn đề hẹp bao quy đầu của con có thể đưa bé tới khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để được các bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn phương án xử lý phù hợp, hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của  bé.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ có thể là vấn đề bình thường, không đáng lo nhưng cũng có thể trở thành tác nhân gây bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục của trẻ. Mong rằng thông qua bài viết này, các bậc cha mẹ đã biết được những dấu hiệu hẹp bao quy đầu bệnh lý ở trẻ để sớm đưa bé tới bệnh viện điều trị, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Đọc toàn bộ bài viết