Trước đây, dầu dừa vẫn bị coi là một loại dầu không lành mạnh nhưng các nghiên cứu khoa học đã “minh oan” cho loại dầu này và thậm chí còn chí ra nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Dầu dừa không chỉ được dùng trong nấu ăn mà còn có nhiều công dụng khác trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như dưỡng ẩm da, tẩy trang, chống côn trùng hay lau chùi đồ đạc.
Dầu dừa còn có công dụng chữa bệnh. Ví dụ, một số ý kiến cho rằng dầu dừa có thể điều trị nhiễm trùng nấm men và giúp cân bằng nồng độ cholesterol.
Nhiều lợi ích trong số này là nhờ axit caprylic trong dầu dừa.
Các lợi ích của axit caprylic
Axit caprylic là một trong những axit béo có trong dầu dừa.
Axit caprylic là một loại axit béo chuỗi trung bình có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng viêm mạnh. Nhờ những đặc tính này nên axit caprylic có lợi cho nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Một số nghiên cứu cho thấy axit caprylic giúp kiểm soát tình trạng nhiễm nấm, các bệnh về da, rối loạn tiêu hóa và cholesterol cao. Axit caprylic còn có thể làm giảm nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Để có được những lợi ích này, bạn có thể ăn dầu dừa và các loại thực phẩm chứa axit caprylic khác hoặc thoa dầu dừa trực tiếp lên da.
Dưới đây là lợi ích của axit caprylic đối với một số vấn đề sức khỏe.
Nhiễm trùng nấm men
Nhiễm nấm Candida là một dạng nhiễm trùng nấm men phổ biến. Loại nấm men này là thủ phạm chính gây nhiễm nấm âm đạo, nấm móng tay và nấm miệng. Đặc tính chống nấm của axit caprylic có thể giúp tiêu diệt và làm giảm nấm men.
Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy rằng axit caprylic giúp làm giảm các triệu chứng của một số bệnh nhiễm trùng do nấm Candida. (1)
Và trong một nghiên cứu vào năm 2019, axit caprylic cùng với các chất chống nấm có nguồn gốc tự nhiên khác có tác dụng tiêu diệt nấm Candida albicans một cách hiệu quả.
Dầu dừa là một loại dầu được sử dụng phỏ biến trong phương pháp súc miệng bằng dầu. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng, chẳng hạn như làm giảm vi khuẩn, ngăn ngừa sâu răng, trị hôi miệng và thậm chí còn được cho là có thể giúp điều trị nấm miệng. Cách thực hiện cũng giống như khi súc miệng bằng nước súc miệng. Chỉ cần súc dầu dừa trong miệng từ 10 đến 20 phút.
Vấn đề về da
Không chỉ giúp kiểm soát nhiễm trùng nấm men, axit caprylic còn có lợi cho một số vấn đề về da. Do có đặc tính kháng khuẩn và kháng vi sinh vật nên axit caprylic có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn tồn tại trong da.
Dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm và làm dịu da, nhờ đó có thể cải thiện triệu chứng của một số bệnh về da da. Một nghiên cứu trong ống nghiệm vào năm 2019 chứng minh dầu dừa nguyên chất giúp giảm viêm và tăng cường chức năng hàng rào bảo vệ da. (2)
Bệnh đường tiêu hóa
Một số bằng chứng cho thấy các axit béo chuỗi trung bình như axit caprylic có tác dụng cải thiện một số bệnh về tiêu hóa.
Đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của axit caprylic có thể giúp kiểm soát các bệnh lý như viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích. Cả hai bệnh lý này đều xảy ra do phản ứng viêm và đôi khi là do nhiễm vi khuẩn trong đường tiêu hóa.
Đặc tính kháng khuẩn của axit caprylic còn có lợi cho những người bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc thay các axit béo chuỗi dài từ các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật bằng các axit béo chuỗi trung bình, chẳng hạn như axit caprylic trong dầu dừa, có thể giúp giảm nguy cơ viêm đại tràng và giảm phản ứng viêm trong đường ruột.
Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá đầy đủ tác dụng của dầu dừa đối với những bệnh lý này.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng axit caprylic hoặc dầu dừa để điều trị các bệnh về tiêu hóa. Việc ăn dầu dừa hay axit caprylic đôi khi có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, đau bụng và tiêu chảy.
Kháng thuốc kháng sinh
Đề kháng kháng sinh đang là một vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới và là hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Đề kháng kháng sinh có nghĩa là một loại vi sinh vật như vi khuẩn và nấm hình thành khả năng chống lại các loại thuốc được điều chế để tiêu diệt chúng. Nhờ có đặc tính kháng vi sinh vật nên axit caprylic có thể hỗ trợ điều trị các bệnh do thực phẩm mà không cần sử dụng thuốc kháng sinh.
Trong một nghiên cứu vào năm 2020, sự kết hợp axit caprylic và hydrogen peroxide giúp tiêu diệt hiệu quả một số chủng vi khuẩn chính gây ra các bệnh do thực phẩm như Salmonella, Escherichia coli và Listeria. (3)
Kiểm soát cholesterol
Axit caprylic là một loại axit béo chuỗi trung bình. Một số nghiên cứu đã cho thấy những axit béo này có lợi cho tình trạng cholesterol cao. Tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu còn chưa thống nhất.
Trong một nghiên cứu vào năm 2020, những con chuột có nồng độ cholesterol cao được cho ăn chế độ ăn giàu chất béo gồm có 2% axit caprylic hoặc chế độ ăn bình thường trong vòng 16 tuần. Kết quả là nồng độ cholesterol toàn phần và LDL cholesterol hay cholesterol xấu của những con chuột ăn nhiều axit caprylic thấp hơn đáng kể so với những con chuột theo chế độ ăn bình thường.
Trong một đánh giá tài liệu vào năm 2020 tổng hợp nhiều nghiên cứu được thực hiện trên người, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc ăn dầu dừa đến sức khỏe tim mạch và phát hiện ra rằng những người ăn dầu dừa có nồng độ HDL cholesterol hay cholesterol tốt cao hơn. (4)
Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu, dầu dừa lại làm tăng đáng kể mức LDL cholesterol.
Một bản đánh giá vào năm 2019 về tác động của việc ăn dầu dừa đến mức cholesterol cho thấy rằng dầu dừa làm tăng cả cholesterol tốt, cholesterol xấu và cholesterol toàn phần khi so sánh với các loại dầu khác.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để hiểu rõ hơn về tác động của axit caprylic đến nồng độ cholesterol trong máu.
Các cách bổ sung axit caprylic
Để có được những lợi ích của axit caprylic, bạn có thể ăn dầu dừa hoặc thoa dầu dừa lên da.
Ban đầu chỉ nên ăn tối đa 1 thìa canh dầu dừa mỗi ngày và theo dõi phản ứng của cơ thể. Có thể dùng dầu dừa làm dầu ăn hoặc trộn dầu dừa vào các món ăn, thức uống.
Nói chung, ăn dầu dừa là một cách an toàn để có được những lợi ích kể trên của axit caprylic.
Vì dầu dừa dễ tìm mua và dễ sử dụng nên ăn dầu dừa là cách đơn giản nhất để bổ sung axit caprylic nhưng axit caprylic còn có trong các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như dầu cọ và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra còn có thực phẩm chức năng bổ sung axit caprylic.
Nếu có ý định dùng thực phẩm chức năng axit caprylic axit caprylic thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo an toàn.
Lưu ý khi bổ sung axit caprylic
Việc uống bổ sung axit caprylic không được khuyến khích cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
Axit caprylic có thể gây ra các vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng. Những người thường xuyên có vấn đề về dạ dày nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống axit caprylic.
Nếu ăn dầu dừa thì nên thêm từ từ vào chế độ ăn uống để cơ thể có thể thích nghi và tránh rối loạn tiêu hóa.
Một điều quan trọng cần lưu ý là dầu dừa có hàm lượng chất béo rất cao. Chỉ 1 muỗng canh dầu có đến 12 gram chất béo. Do đó, việc ăn nhiều dầu dừa sẽ làm tăng đáng kể lượng chất béo trong chế độ ăn uống.
Tuy rằng dầu dừa và axit caprylic không tương tác với các loại thuốc nhưng vẫn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi ăn dầu dừa hoặc sử dụng thực phẩm chức năng axit caprylic.
Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng dầu dừa trên da, đặc biệt là những người có da nhạy cảm hoặc có vấn đề về da nào.