Mang thai có được tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản?

1 năm trước 24

Viêm não Nhật Bản là do nhiễm virus cấp tính, làm tổn thương hệ thần kinh trung ương,bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là từ tháng 5 - 7 hàng năm. Tiêm vắc-xin Viêm não Nhật Bản là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

1. Tại sao phải tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản?

Bệnh viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis - JE) là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng nông thôn ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh lây truyền sang người khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt vào. Viêm não Nhật Bản không truyền từ người sang người.

Du khách ít có nguy cơ bị mắc bệnh. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đối với người sống tại các vùng có bệnh này hoành hành, hoặc đối với người lưu trú tại đó một thời gian dài. Phần lớn người mắc virus Viêm não Nhật Bản không có bất cứ triệu chứng nào. Những người khác có thể có triệu chứng nhẹ như sốt, đau đầu, hoặc nghiêm trọng như viêm màng não (nhiễm trùng não). Người bị viêm màng não có thể bị sốt, cứng cổ, co giật và hôn mê. Cứ khoảng 4 người bị viêm não thì có 1 người tử vong. Khoảng một nửa số người không chết có thể bị khuyết tật trọn đời. Người ta tin rằng viêm não Nhật Bản ở phụ nữ đang có thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản có thể giúp phòng tránh bệnh hiệu quả.

2. Tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không?

Đối với một loại vắc-xin cũng giống như với bất cứ loại thuốc nào, đều có khả năng bị tác dụng phụ. Khi có tác dụng phụ do tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản, chúng thường không nghiêm trọng và sẽ tự động biến mất.

Các vấn đề nhẹ có thể gặp phải sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản:

  • Đau khi tiếp xúc, đỏ tấy hoặc sưng ở vị trí tiêm vắc-xin (tỷ lệ gặp khoảng 1 trên 4 người tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản).
  • Sốt (thường gặp ở trẻ em hơn so với người lớn).
  • Đau đầu, đau cơ (thường gặp ở người trưởng thành).

Các vấn đề vừa và nghiêm trọng:

  • Nghiên cứu chỉ ra rằng các phản ứng nặng với vắc-xin viêm não Nhật Bản là rất hiếm gặp. Tình trạng ngất xỉu có thể xảy ra sau bất cứ thủ thuật y tế nào, kể cả tiêm vắc-xin. Nên ngồi hoặc nằm nghỉ khoảng 15 phút giúp phòng tránh nguy cơ bị ngất xỉu và các chấn thương do té ngã. Hãy nói cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy chóng mặt, mờ mắt hoặc ù tai.
  • Đau vai kéo dài và giảm phạm vi hoạt động của cánh tay được tiêm vắc-xin có thể xảy ra sau khi tiêm nhưng rất hiếm.
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản (nổi mề đay, sưng mặt và cổ, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt và yếu người) rất hiếm khi xảy ra, ước tính tỷ lệ chưa đến 1 trên 1 triệu liều. Nếu có hiện tượng dị ứng, nó thường xảy ra sau khi tiêm vắc-xin vài phút đến vài tiếng.
Mang thai có được tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản?

Đau đầu, đau cơ là vấn đề nhẹ có thể gặp sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

3. Mang thai có được tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản?

Vắc-xin viêm não Nhật Bản chống chỉ định cho các đối tượng sau:

  • Bất cứ ai có phản ứng dị ứng nặng (đe dọa tính mạng) với một liều vắc-xin viêm não Nhật Bản đều không nên tiêm liều tiếp theo.
  • Bất cứ ai bị dị ứng nặng (đe dọa tính mạng) với bất cứ thành phần nào của vắc-xin viêm não Nhật Bản đều không nên dùng vắc-xin.
  • Phụ nữ có thai không nên tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản. Nếu bạn có thai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Người đang mắc các bệnh bẩm sinh cần hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Người đang mệt mỏi, sốt cao hoặc bệnh nhiễm trùng đang tiến triển.
  • Người mắc bệnh tim, thận hoặc bệnh gan.
  • Người bệnh tiểu đường.
  • Bệnh ung thư máu và các bệnh lý ác tính nói chung.
Mang thai có được tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản?

Phụ nữ có thai không nên tiêm vắc-xin Viêm não Nhật Bản

4. Thận trọng khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

Cũng như tất cả các loại vắc-xin khác, luôn luôn phải có sẵn Epinephrine (Adrenaline) để sử dụng trong các trường hợp cấp cứu sốc phản vệ có thể xảy ra.

Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú: Chưa có số liệu nghiên cứu về việc tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho phụ nữ đang cho con bú, vì vậy cần cân nhắc lợi ích khi chỉ định tiêm vắc-xin cho đối tượng này.

5. Liều tiêm, đường tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

Đường tiêm: Tiêm dưới da.

Liều tiêm:

  • Trẻ em từ ≥ 12 tháng (1 tuổi) tuổi đến ≤ 36 tháng tuổi (3 tuổi) tiêm 0.5ml/liều.
  • Trẻ em > 36 tháng tuổi (> 3 tuổi) và người lớn tiêm 1.0 ml/liều.

Lịch tiêm

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: sau mũi thứ nhất từ 1 – 2 tuần.
  • Mũi 3: sau mũi thứ nhất 1 năm.

Tái chủng

Một liều tiêm dưới da mỗi 3 năm nhắc lại một lần để duy trì khả năng miễn dịch.

XEM THÊM:

Đọc toàn bộ bài viết