- Cuối cùng cô vẫn dùng chiêu thức cũ, thành thực xin lỗi: “Hôm qua con mệt quá nên ngủ quên...".
Tết đến là những ngày mọi gia đình được đoàn viên, sum họp, các nàng dâu cũng được dịp thể hiện sự đảm đang, khéo léo với nhà chồng. Thế nhưng có những tình huống dở khóc dở cười xảy ra ngay ngày mùng 1 như câu chuyện của cô vợ N.T được đăng tải trên một diễn đàn dưới đây:
“Mình về nghỉ Tết sớm nên trước Tết cũng đưa mẹ chồng đi mua sắm các thứ. Mẹ chồng mình rất thương con cháu nhưng vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng của thế hệ trước nên nhiều cái hơi khắt khe. Công việc của mình thì không có khái niệm ngày nghỉ, chỉ khác nhau là được làm online hay lên văn phòng thôi. Cũng nhiều lần bị mẹ chồng phê bình vì vài tháng mới về quê chơi 1 lần mà chỉ cắm mặt vào điện thoại máy tính suốt. Nhưng mỗi lần như thế mình lại nhăn nhở xin lỗi xong trêu mẹ chứ không bao giờ tỏ thái độ gì.
Đêm qua Giao thừa thấy mọi người rủ nhau đi xem bắn pháo hoa mà nhà còn mỗi mẹ tất bật chuẩn bị đồ cúng nên mình chẳng dám đi. Lúc sau mình rủ bà lên tầng 3 chọn chỗ cao nhất để xem, nhìn sắc mặt bà vui lắm. Không biết từ trước đến nay đã bao nhiêu lần bà từ bỏ những sở thích cá nhân để lo cho gia đình, con cái”.
T. kể, mọi người đón Giao thừa, ăn uống chúc tụng xong cũng hơn 2 giờ mới đi ngủ. Do phải trực online mấy ngày Tết, T. vẫn tiếp tục ngồi làm việc đến 3 giờ nên sáng hôm sau cô ngủ quên mất.
“Chả hiểu sao đặt báo thức rồi mà điện thoại không kêu. 10h mình mới dậy, lò dò đi xuống bếp thấy mẹ làm cơm xong hết rồi. Lúc ấy ngại không thể tả nổi đành vội vàng phụ bà bê mâm lên ban thờ. Mẹ chồng mình chỉ nói ngắn gọn: ‘Ai nấu mà chẳng được’ nên mình cũng hơi rén. Cúng xong mình rót cho bà cốc trà nóng rồi thủ thỉ: ‘Hôm qua con nằm mơ thấy bố đấy mẹ ạ’. Bà sốt sắng hỏi con dâu mơ thế nào mình kể luôn: ‘Bố bảo chúng mày là vô tâm với mẹ lắm, giờ còn mình mẹ phải chăm sóc cho mẹ thay bố. Bảo mẹ năm mới phải vui tươi, mạnh khỏe, không được khóc lóc sụt sùi nữa, phải đi chơi, tận hưởng nhiều hơn đừng để đổ bệnh mới tiếc nuối cuộc sống như bố’.
Nghe xong mẹ chồng mình lại rơm rớm, thực ra mơ thấy bố là thật nhưng ông cũng không dặn mình như thế, dùng cách này sẽ khiến mẹ phấn chấn hơn”.
Cuối cùng cô vẫn dùng chiêu thức cũ, thành thực xin lỗi: “Hôm qua con mệt quá nên ngủ quên, mai cơm cúng mẹ cứ để con, mẹ tranh thủ đi chơi nhà các dì, đi lễ chùa hay đi du xuân, chồng con đưa mẹ đi”, T. nhẹ nhàng ôm bà an ủi như mẹ với con gái vậy.
Người ta thường nói rằng, việc sử dụng sự chân thành là cách tốt nhất để chạm đến trái tim. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chân thành trong giao tiếp. Trong cuộc sống, ai cũng phải đối mặt với những tình huống khó khăn và sai sót, cách chúng ta xử lý và đối mặt với chúng quyết định đến mức độ thành công của mối quan hệ.
Muốn mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bớt căng thẳng, tốt nhất, bạn nên mở lòng và sống bao dung. Nàng dâu nên tránh thái độ phản kháng hay cãi lời, tập trung vào việc giải quyết mọi tình huống một cách lịch sự. Hãy nhận lỗi và thể hiện thiện chí khi cần thiết. Bạn cần tránh làm gia tăng căng thẳng bằng cách hạn chế nghiêm túc những vấn đề không quan trọng. Thay vào đó, hãy lựa chọn giữa bỏ qua và đối mặt với chúng.
Trong dịp lễ Tết, nàng dâu nên làm tròn bổn phận của mình, thông báo trước nếu có khó khăn về công việc hay sức khỏe, giúp tránh hiểu lầm và không hài lòng từ phía mẹ chồng. Giao tiếp trực tiếp và mở cửa giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra hiểu lầm hoặc tình trạng bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Khánh Chi (Tổng hợp)