Tinh Hoàn Của Bé Bị Sưng: Những Điều Cần Biết

1 năm trước 19

Bìu của bé trai là túi chứa 2 tinh hoàn. Tinh hoàn sưng là một vấn đề thường gặp, nó có thể có nhiều nguyên nhân gây ra. Tinh hoàn sưng thường được chia thành 2 loại tinh hoàn sưng không đau và tinh hoàn sưng đau.

1. Sưng tinh hoàn ở trẻ là gì?

Bìu là một túi chứa 2 tinh hoàn. Sưng bìu, hay sưng tinh hoàn là một vấn đề phổ biến với những trẻ sơ sinh hoặc trẻ em là nam giới. Sưng tinh hoàn ở trẻ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và có thể được chia thành hai loại là sưng bìu không đau và sưng bìu đau.

2. Nguyên nhân sưng tinh hoàn ở trẻ

Nếu tinh hoàn của bé bị sưng ngay sau khi mới sinh, điều đó đồng nghĩa với việc rất có thể là do trẻ sơ sinh đã mang thêm các loại chất lỏng cũng như hormone bổ sung mà trẻ có thể nhận được từ chính người mẹ của mình. Tình trạng sưng tinh hoàn này là vô hại và các chất dịch trong đó sẽ được tống hết ra ngoài qua đường nước tiểu sau một vài ngày. Nếu tình trạng sưng vẫn tiếp tục, đặc biệt đối với những trường hợp trẻ chỉ bị sưng 1 bên tinh hoàn, có thể trẻ đã phát triển chứng tràn dịch tinh mạc, trong đó chất lỏng từ bụng tích tụ trong một bên tinh hoàn, hoặc có thể là thoát vị bẹn khi mà một quai ruột chạy xuống tinh hoàn.

Khi 1 trong 2 bên tinh hoàn của trẻ bị sưng, điều đó cũng có thể là do bé đã mắc phải hội chứng hydrocele (tràn dịch tinh mạc). Tinh hoàn của bé trai phát triển bên trong bụng khi bé còn nằm trong bụng mẹ và đôi khi trước khi sinh, chúng thường đẩy qua một đường ống trong mô giữa bẹn và bụng và sau đó đi xuống túi bìu. Tại thời điểm đó, lối đi qua thành bụng sẽ đóng lại. Nếu nó vẫn mở (thực tế là có khoảng 50% bé trai xảy ra tình trạng này) chất lỏng có thể tích tụ xung quanh tinh hoàn và gây sưng. Khu vực sưng tròn, mềm này được gọi là hydrocele, chúng hoàn toàn vô hại và có thể biến mất khi trẻ được 1 tuổi. Nếu điều đó không xảy ra, trẻ có thể cần được thực hiện một ca tiểu phẫu để có thể loại bỏ hết lượng chất lỏng đó và cũng là để đóng lỗ mở.

Một trường hợp khác của trẻ cũng có thể khiến một bên tinh hoàn bị sưng chính là chứng thoát vị bẹn. Đây là tình trạng nguy hiểm và cần thực hiện các can thiệp y tế. Trên thực tế, khoảng 4% bé trai (tăng lên 30% trong những trường hợp sinh non) được sinh ra với một lỗ hở trên thành bụng đủ lớn để cho một vòng ruột của chúng chui vào vùng sinh dục. Vòng ruột này tạo ra một khối u cứng, hình thuôn dài có kích thước bằng ngón tay cái trong bìu của bé (một túi da lỏng lẻo bên dưới dương vật chứa tinh hoàn). Khối u này được gọi là thoát vị bẹn. Vòng ruột này có thể quay trở lại ổ bụng khi trẻ được thư giãn và sau đó lại phình ra khi bé hoạt động hoặc khóc to. Trong trường hợp này, bé sẽ cần một cuộc tiểu phẫu để giải quyết vấn đề đến từ khối thoát vị này. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp khẩn cấp trừ khi cha mẹ trẻ nhận thấy vết sưng đột ngột trở nên to hơn, cứng hơn hoặc sẫm màu hơn hay bé thường xuyên nôn hoặc đau đến phát khóc. Điều này có thể là do quai ruột đã bị mắc kẹt trong bìu, điều này khiến tinh hoàn bị cắt khỏi nguồn cung cấp máu và các chất dinh dưỡng. Nếu vấn đề này xảy ra, trẻ cần được phẫu thuật ngay lập tức để giảm thiểu tối đa những tổn thương có thể gặp phải liên quan đến ruột.

 Những điều cần biết

Chứng thoát vị bẹn có thể là nguyên nhân gây sưng tinh hoàn ở trẻ

3. Triệu chứng và chẩn đoán sưng tinh hoàn ở trẻ

Các triệu chứng của bệnh sưng tinh hoàn khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ngoài sưng, bé cũng có thể bị đau hoặc gặp phải các triệu chứng khác. Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Để chẩn đoán sưng tinh hoàn ở trẻ em, các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bé. Họ cũng có thể khai thác cả tiền sử sức khỏe của các thành viên khác trong gia đình của trẻ. Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát cho bé, bao gồm khám bụng, bìu và tinh hoàn. Một số xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm nước tiểu cũng có thể được chỉ định để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng của trẻ. Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, một số chẩn đoán hình ảnh cũng có thể được sử dụng.

4. Điều trị sưng tinh hoàn ở trẻ em

Việc điều trị sưng tinh hoàn sẽ phụ thuộc vào triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe tổng quát của bé. Ngoài ra chúng cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sưng tinh hoàn. Việc điều trị có thể bao gồm một số phương pháp sau:

  • Phẫu thuật: Đối với những trẻ bị xoắn tinh hoàn, bé sẽ được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp để đưa tinh hoàn trở về trạng thái bình thường. Ngoài ra, bé cũng cần phẫu thuật nếu bị chấn thương nặng ở khu vực bìu và tinh hoàn. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được phẫu thuật khẩn cấp nếu khối thoát vị bị kẹt hoặc bị siết. Trong trường hợp khối thoát vị không bị kẹt, các bác sĩ thường khuyến nghị hình thức phẫu thuật tự chọn. Phẫu thuật tinh hoàn cũng được chỉ định trong những trường hợp ung thư tinh hoàn
  • Sử dụng thuốc: Nếu trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, bé sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Ung thư tinh hoàn ở các bé trai thường đáp ứng tốt với các loại thuốc điều trị ung thư. Nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn cần áp dụng phương pháp điều trị bằng xạ trị.
  • Theo dõi theo thời gian: Trẻ có thể không cần điều trị một số tổn thương nhẹ như chấn thương nhẹ, quai bị, thoát vị nhỏ, tràn dịch màng tinh hoàn, sưng vô căn hoặc ban xuất huyết Henoch Schönlein. Đa số trong đó được theo dõi để xem các triệu chứng liệu có tự biến mất hay không. Các bác sĩ đôi khi sẽ chỉ chỉ định một số loại thuốc giảm đau và thuốc giảm sưng trong quá trình theo dõi những tình trạng này.

Các bác sĩ cũng sẽ cung cấp toàn bộ thông tin đến các bậc cha mẹ về những rủi ro, lợi ích và tác dụng phụ có thể có của tất cả các phương pháp điều trị kể trên.

 Những điều cần biết

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý trẻ đang gặp

5. Biến chứng của sưng tinh hoàn ở trẻ em

Nếu không được điều trị hợp lý và kịp thời, giãn tĩnh mạch thừng tinh theo thời gian có thể dẫn đến tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn và khiến những đứa trẻ khi trưởng thành không thể có con. Các nguyên nhân đột ngột và nghiêm trọng gây sưng tinh hoàn như xoắn tinh hoàn cần phải được phẫu thuật ngay lập tức trong vòng vài tiếng nếu không tinh hoàn có thể ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Trong những trường hợp được nêu dưới đây, cha mẹ của trẻ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, bao gồm:

  • Sưng đau bìu kéo dài không dứt
  • Đau do chấn thương tinh hoàn kéo dài trên một giờ đồng hồ
  • Các triệu chứng không có xu hướng thuyên giảm, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn
  • Xuất hiện các triệu chứng mới
  • Sưng tinh hoàn hay sưng bìu nghiêm trọng và bắt đầu đột ngột là tình trạng cấp cứu và cần được xử trí ngay lập tức.

Sưng tinh hoàn hoặc sưng bìu là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ sơ sinh cũng như trẻ em nam. Nó có thể diễn ra nhanh chóng hoặc chậm rãi theo thời gian. Sưng tinh hoàn ở trẻ em do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong một số trường hợp, tình trạng sưng tinh hoàn không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định và tự biến mất. Trong các trường hợp khác, bé có thể cần được điều trị bằng thuốc và thậm chí cần sự can thiệp của phẫu thuật.

Đọc toàn bộ bài viết