Trị hăm tã cho trẻ sơ sinh bằng dầu dừa

2 năm trước 34

Dầu dừa được sử dụng để chăm sóc da và điều trị nhiều vấn đề về da, chẳng hạn như khô da, viêm da cơ địa hay nấm da. Dầu dừa còn giúp điều trị và ngăn ngừa hăm tã.

Hăm tã là một dạng viêm da xảy ra ở những vùng da mặc tã (bỉm) như bụng dưới, bẹn, đùi và mông, có biểu hiện là mảng da mẩn đỏ và nguyên nhân thường là do tã ướt, không thay tã thường xuyên, da nhạy cảm và cọ xát nhiều với tã.

Thoa dầu dừa có thể làm dịu vết hăm tã, giảm mẩn đỏ, ngứa và đau rát. Dầu dừa còn giúp dưỡng ẩm da và chữa lành vết thương.

Trị hăm tã bằng dầu dừa có hiệu quả không?

Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào đánh giá tác dụng trị hăm tã của dầu dừa. Tuy nhiên, dầu dừa có thể làm giảm viêm da, ngứa và kích ứng. Dầu dừa còn tạo thành một lớp hàng rào bảo vệ da khỏi bị nhiễm trùng trong thời gian vết hăm tã lành lại.

Một số nghiên cứu còn cho thấy dầu dừa giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương. (1)

Mặc dù cần nghiên cứu thêm về tác dụng của dầu dừa đối với hăm tã nhưng dầu dừa có nhiều đặc tính có lợi cho da và những đặc tính này có thể phần nào ngăn ngừa và điều trị hăm tã.

Dầu dừa có an toàn cho da trẻ sơ sinh không?

Dầu dừa lành tính đối với cả làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, không nên thoa quá nhiều dầu dừa lên da. Vì có nguồn gốc tự nhiên nên có thể sử dụng dầu dừa trong thời gian dài nhưng phải ngừng sử dụng ngay nếu nhận thấy da bé có dấu hiệu kích ứng hay dị ứng. Tốt nhất nên thử thoa dầu dừa lên một vùng da nhỏ trước khi thoa rộng ra để điều trị hăm tã.

Cách trị hăm tã bằng dầu dừa

Trước tiên cần lau rửa sạch vùng da bị hăm tã và chờ cho da khô. Sau đó bôi khoảng 1 thìa cà phê dầu dừa lên vùng da cần điều trị.

Nếu dầu dừa đông lại thì cần đặt bát đựng dầu dừa vào nước ấm hoặc xoa dầu giữa hai lòng bàn tay để làm chảy dầu. Nếu ngâm trong nước ấm thì phải kiểm tra nhiệt độ của dầu trước khi thoa lên da bé để tránh gây bỏng. Không nên cho dầu dừa vào lò vi sóng.

Sau khi thoa dầu dừa, chờ cho da khô hoàn toàn trước khi mặc tã mới. Có thể thoa dầu dừa vài lần trong ngày.

Điều quan trọng là phải chọn mua dầu dừa nguyên chất. Dầu dừa tinh luyện có thể chứa các chất hóa học gây hại cho làn da mỏng manh của trẻ.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ có thể kết hợp dầu dừa với các loại tinh dầu như tinh dầu tràm trà, tinh dầu oải hương hoặc tinh dầu hoa cúc để trị hăm tã. Hoặc cũng có thể mua các loại kem trị hăm tã có chứa thành phần dầu dừa và oxit kẽm.

Bao lâu sẽ có tác dụng?

Hăm tã thường khỏi sau vài ngày. Tình trạng mẩn đỏ do hăm tã sẽ giảm sau một vài lần thoa dầu dừa. Tuy nhiên, không phải khi nào dầu dừa cũng có hiệu quả trị hăm tã. Nếu sau vài ngày sử dụng dầu dừa mà tình trạng hăm tã vẫn không đỡ thì nên thử các phương pháp khác.

Các cách trị hăm tã

Khi trẻ bị hăm tã, việc cần làm là phải kiểm soát tình trạng viêm da và ngăn da bị tổn thương nặng thêm. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình lành da và giảm cảm giác khó chịu cho trẻ.

Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa và trị hăm tã:

  • Thay tã cho trẻ thường xuyên và thay ngay khi tã bị ướt hoặc bẩn.
  • Giữ cho vùng mặc tã luôn khô ráo và sạch sẽ. Nhẹ nhàng lau sạch da cho trẻ mỗi lần thay tã.
  • Để vùng da bị hăm tã khô hoàn toàn mới thoa dầu dừa.
  • Rửa tay thật sạch trước và sau khi thay tã.
  • Không nên cho trẻ mặc tã (bỉm) suốt cả ngày mà thi thoảng nên tháo tã và cho trẻ mặc quần áo mềm mại, thoải mái. Điều này sẽ giúp vùng mặc tã được thoáng khí, nhờ đó giúp da lành nhanh hơn khi bị hăm tã.
  • Chọn những loại bỉm có khe hở để không khí có thể đi vào bên trong tã và giữ cho da bé không bị ẩm ướt.
  • Không mặc tã (bỉm) quá chật. Nếu trẻ bị hăm tã nặng hoặc thường xuyên bị hăm tã thì nên tăng kích cỡ bỉm.
  • Sử dụng nước lã hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ để làm sạch vùng quấn tã. Phải hết sức nhẹ nhàng khi vệ sinh khu vực này.
  • Không được chà xát vùng quấn tã sau khi tắm và khi thay tã mà chỉ dùng khăn bông thấm nhẹ để làm khô da.
  • Không sử dụng các sản phẩm có thành phần nước hoa trên da bé, chẳng hạn như nước giặt xả và khăn ướt có mùi thơm. Chú ý theo dõi phản ứng da mỗi khi bắt đầu dùng một sản phẩm mới.
  • Không nên sử dụng phấn rôm.
  • Chọn quần áo bằng chất liệu vải tự nhiên, chẳng hạn như cotton để giữ cho vùng mặc tã khô ráo, thoáng mát.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Nếu tình trạng hăm tã của trẻ không đỡ sau vài ngày điều trị hoặc trẻ thường xuyên bị hăm tã thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị.

Ngoài ra, cần đưa trẻ đến bác sĩ nếu có các biểu hiện sau:

  • Sốt
  • Nổi mụn nước hoặc loét ở vùng hăm tã
  • Chảy mủ hoặc dịch
  • Chảy máu
  • Trẻ khóc quấy dữ dội
  • Vùng hăm tã bị sưng tấy

Tóm tắt bài viết

Hăm tã là một vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường có thể dễ dàng điều trị được tại nhà. Có nhiều cách tự nhiên để trị hăm tã, chẳng hạn như dùng dầu dừa.

Khi sử dụng dầu dừa để trị hăm tã, bố mẹ cần theo dõi phản ứng của da và ngừng sử dụng ngay khi nhận thấy da bé bị kích ứng hoặc dị ứng.

Nếu trẻ bị hăm tã thường xuyên hoặc tình trạng hăm tã không đỡ sau vài ngày điều trị thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Đọc toàn bộ bài viết