Con người không thể ngừng già đi, lão hóa là điều tất yếu xảy ra. Tất cả các cơ quan, hệ thống của con người đều chịu sự tác động của lão hóa, và hệ miễn dịch cũng không phải là ngoại lệ.
1. Điều gì xảy ra với hệ miễn dịch khi con người già đi?
Khi ngày càng có tuổi, có phải chúng ta bị ốm nhiều hơn so với ngày còn trẻ? Khi thời tiết thay đổi có phải cơ thể sẽ ngay lập tức cảm thấy không khỏe? Và để trở lại bình thường cũng cần nhiều thời gian hơn so với trước đây? Đó chính là do sự yếu đi của hệ miễn dịch theo thời gian.
Không có một cơ quan hay bộ phận nào của cơ thể con người có thể tránh được sự tác động của lão hóa, tuy nhiên thật may mắn hệ miễn dịch không bị tác động quá nhiều. So với các tổ chức khác của cơ thể thì trong đa số trường hợp, hệ miễn dịch vẫn có thể hoạt động khá tốt ở bất kỳ độ tuổi nào, đủ để đảm bảo duy trì các nguy cơ từ nhiễm trùng hoặc bệnh tật không quá cao so với mức bình thường.
Hệ miễn dịch có cơ cấu thành phần rất phức tạp, gồm nhiều cơ quan, mô và tế bào khác nhau. Sự phối hợp hoạt động giữa các thành phần giúp hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng (chẳng hạn như vi khuẩn, virus, nấm,...).
Tuy ít bị ảnh hưởng hơn so với các cơ quan khác, nhưng theo tuổi tác hệ miễn dịch vẫn bị suy yếu dần đi. Các nhà nghiên cứu y học vẫn đang tích cực tìm hiểu xem vì sao hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian và nó suy giảm như thế nào. Một số vấn đề đã có câu trả lời:
- Tại sao đa số người cao tuổi lại có đáp ứng không tốt khi được sử dụng vắc - xin? Trong hệ miễn dịch của con người có các tế bào mang tên tế bào T, giữ nhiệm vụ tấn công các tế bào nhiễm bệnh, sau đó ghi nhớ tác nhân gây bệnh để có thể chống lại nó nhanh hơn, hiệu quả hơn trong tương lai. Khi con người già đi, số lượng tế bào T được tạo ra ít hơn, trong khi việc đáp ứng với vắc - xin lại phụ thuộc vào tế bào T, do đó người cao tuổi không đáp ứng tốt khi được sử dụng vắc - xin. Trên thực tế vẫn có ngoại lệ, đó là trường hợp của vắc - xin phòng Zona, và đó là một trong những lí do khiến vắc - xin này mang lại hiệu quả rất cao khi được sử dụng liều nhắc lại.
- Tại sao người cao tuổi lại hay bị ốm hơn? Không chỉ số lượng tế bào miễn dịch giảm đi theo thời gian, các tế bào miễn dịch ở người cao tuổi phối hợp hoạt động cũng không thật sự tốt, và từ đó hiệu lực bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh cũng kém đi.
Tại sao người cao tuổi lại cần nhiều thời gian để hồi phục từ các tổn thương hay bệnh tật hơn? Cơ thể người cao tuổi tạo ra ít tế bào miễn dịch hơn, trong đó bao gồm cả các tế bào bạch cầu, dẫn tới quá trình hồi phục sẽ kéo dài hơn.
2. Có thể nhận biết thời điểm hệ miễn dịch bắt đầu suy yếu hay không?
Sự suy yếu của hệ miễn dịch không diễn ra ở một độ tuổi nhất định nào cả, mỗi người sẽ diễn ra ở một thời điểm khác nhau, do đó không có cách nào nhận biết trước được. Và cho đến hiện nay vẫn chưa có xét nghiệm nào cho ta biết hệ miễn dịch đang không ở tình trạng tối ưu.
Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng, và hãy đi khám nếu như thường xuyên bị ốm hoặc thấy bản thân hồi phục quá chậm sau khi mắc bệnh hoặc chấn thương.
3. Những phương cách giúp cơ thể luôn luôn khỏe mạnh
Có rất nhiều thói quen, hành động tuy đơn giản nhưng sẽ giúp cơ thể luôn luôn khỏe mạnh:
- Luôn chú ý tới sức khỏe của bản thân: Nếu bản thân mắc bất kỳ bệnh lý nào, chẳng hạn như đái tháo đường, viêm khớp, hoặc những vấn đề khác ảnh hưởng tới các hoạt động thể chất và tinh thần, hãy tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Kiểm soát tốt bệnh lý của bản thân là điều kiện hàng đầu để cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Ngủ đủ giấc, ngủ ngon giấc: Các nghiên cứu đều cho thấy rất rõ rằng ngủ quá ít, hoặc chất lượng giấc ngủ thấp đều làm cho hệ miễn dịch yếu đi, kể cả dù là người trẻ tuổi. Tối thiểu nên đảm bảo đạt khoảng thời gian ngủ mỗi đêm là 7 giờ, đồng thời nếu xuất hiện các hiện tượng như ngủ ngáy, khó ngủ, trằn trọc, hãy đi thăm khám bác sĩ, bởi chúng là các dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ.
- Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng: Căng thẳng theo thời gian sẽ làm suy yếu các đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Căng thẳng tạo ra áp lực rất lớn cho cơ thể, gây khởi phát hàng loạt các vấn đề khác như chất lượng giấc ngủ kém, rối loạn ăn uống,... và cuối cùng chúng đều làm hệ miễn dịch suy yếu.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang ốm: Một thực tế rõ ràng rằng người cao tuổi cần đặc biệt thận trọng đối với việc phơi nhiễm trước các tác nhân gây bệnh, bởi những người này dễ mắc bệnh hơn những người trưởng thành trẻ tuổi. Hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc gần với những người đang mắc các bệnh truyền nhiễm (chẳng hạn như cảm lạnh, cảm cúm,...), và thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, mà hàng đầu là rửa tay đúng cách thường xuyên.
- Sử dụng vắc - xin đầy đủ, đúng lịch: Mặc dù việc đáp ứng với vắc - xin ở người cao tuổi có thể không đạt hiệu quả như ở người trẻ tuổi, nhưng sử dụng vắc - xin vẫn là một phương cách quan trọng để hạ thấp nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, bao gồm cúm và viêm phổi. Hãy thực hiện việc sử dụng vắc - xin đầy đủ và đúng lịch.
- Tránh lối sống tĩnh tại: Những chế độ tập luyện vừa phải sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, và làm hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.
- Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh: Không có chế độ ăn nào tăng cường được miễn dịch, nhưng một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp cơ thể nói chung, hệ miễn dịch nói riêng, hoạt động ở trạng thái tốt nhất. Ăn uống cân bằng, lành mạnh cũng giúp đạt được và duy trì cân nặng hợp lý, là yếu tố quan trọng để cơ thể khỏe mạnh.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm yếu đi các đáp ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Do đó tuyệt đối không nên hút thuốc lá.