Nhiễm trùng tai, trong đó có viêm tai giữa là nguyên nhân phổ biến gây vỡ màng nhĩ, đặc biệt hay xảy ra ở trẻ em. Khi nhiễm trùng, chất lỏng tích tụ sau màng nhĩ làm tăng áp lực dẫn đến màng nhĩ bị rách hoặc thủng, khiến người bệnh mất thính lực. Màng nhĩ thủng thường lành trong vài tuần mà không cần điều trị nhưng một số trường hợp, người bệnh cần phải phẫu thuật vá nhĩ đơn thuần.
1. Triệu chứng của thủng màng nhĩ
Các dấu hiệu và triệu chứng của thủng màng nhĩ có thể bao gồm:
- Lúc đầu đau tai nhưng sau đó giảm nhanh
- Có chất nhầy, mủ hoặc máu chảy ra từ tai
- Nghe kém hoặc mất thính lực
- Ù tai
- Cảm giác chóng mặt
- Cảm giác buồn nôn hoặc nôn do chóng mặt.
2. Biến chứng của thủng màng nhĩ
Màng nhĩ có hai vai trò chính:
- Thính giác. Khi sóng âm đập vào màng nhĩ thì màng nhĩ rung lên và chuyển sóng âm thanh thành các xung thần kinh.
- Bảo vệ. Màng nhĩ hoạt động như một rào cản, bảo vệ tai giữa tránh nước chảy vào hay các vi khuẩn và chất lạ khác xâm nhập.
Nếu màng nhĩ bị vỡ sau khi bị viêm tai giữa, đặc biệt là nếu màng nhĩ không tự phục hồi sau ba đến sáu tháng thì các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Mất thính lực. Thông thường, mất thính giác là tạm thời, chỉ kéo dài cho đến khi vết rách hoặc lỗ thủng trong màng nhĩ đã lành. Kích thước và vị trí của vết rách sẽ quyết định đến mức độ mất thính lực.
- Viêm tai giữa mạn tính. Khi màng nhĩ bị thủng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa và điều trị viêm tai giữa không hiệu quả hoặc lỗ thủng màng nhĩ lớn, khó lành thì người bệnh dễ chuyển sang viêm tai giữa mãn tính.
- Viêm tai giữa cholesteatoma. Mặc dù rất hiếm, viêm tai giữa cholesteatoma xuất hiện ở người bệnh có viêm tai giữa có các khối cholesteatoma ăn mòn và phá hủy tai giữa và các cấu trúc xung quanh, khiến viêm lan rộng ra.
- Nếu màng nhĩ bị vỡ, các mảnh vụn của da không bị cản bởi màng nhĩ nên đi thẳng vào tai giữa và hình thành một u nang. U nang trong tai giữa là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và u này có chứa các protein có thể làm hỏng xương tai giữa.
3. Vá nhĩ đơn thuần
Để thực hiện vá nhĩ trong trường hợp người bệnh có viêm tai giữa thì bắt buộc người bệnh phải được điều trị viêm tai giữa trước cho tới khi tình trạng viêm đã ổn định và người bệnh không còn tình trạng chảy dịch. Bên cạnh đó, người bệnh phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn như lỗ thủng dưới 4 mm ở vị trí trung tâm của màng nhĩ, lỗ tai khô ráo.
Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện vi phẫu thuật và sử dụng kháng sinh, các bác sĩ đã chủ động phẫu thuật để điều trị tình trạng thủng màng nhĩ do viêm tai giữa. Vi phẫu vá màng nhĩ là kỹ thuật chỉnh hình được thực hiện dưới kính hiển vi và bác sĩ sẽ vá lỗ thủng bằng các vật liệu tự thân của người bệnh như sụn, cân cơ thái dương hoặc màng tai đồng chủng.
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ băng lại để che tai kín tai của người bệnh trong năm đến bảy ngày sau khi phẫu thuật. Thông thường, sau phẫu thuật vi phẫu vá nhĩ thì người bệnh có thể được xuất viện trong ngày nếu như không có thêm biến chứng hay vấn đề bất thường nào.
Chăm sóc tại nhà
- Khi về nhà, người bệnh có thể được sử dụng thêm một số loại thuốc nhỏ tai. Người bệnh nên gỡ băng nhẹ nhàng và nhỏ vào tai đúng số giọt mà bác sĩ đã khuyến cáo. Khi thấy băng bị bẩn thì người bệnh người thay băng khác và không đeo hay đặt bất cứ thứ gì khác vào tai.
- Cố gắng ngăn nước vào tai trong quá trình hồi phục. Tránh bơi và đội mũ khi tắm để tránh nước vào tai.
- Không đeo tai nghe và không xì mũi. Nếu chuẩn bị hắt hơi thì người bệnh hãy mở to miệng ra để áp lực nén vào trong tai.
- Tránh những nơi đông người và những người có thể bị bệnh. Nếu bị cảm lạnh sau phẫu thuật thì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy nhói tai hoặc cảm thấy trong tai có chứa nhiều chất lỏng hoặc một số tiếng lạ. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ biến mất sau một vài ngày.