Viêm gan A là một căn bệnh do virus viêm gan A gây nên. Bệnh thường truyền nhiễm qua đường ăn uống, quan hệ tình dục, đường máu hoặc tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh. Hiện nay chưa có thuốc điều trị mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc cải thiện các triệu chứng và nâng cao thể trạng cho người bệnh.
1. Virus viêm gan A là gì?
Virus viêm gan A thường tồn tại và phát triển trong phân của người mắc bệnh. Chúng có thể lây nhiễm thông qua các con đường sau:
- Tiếp xúc cá nhân gần gũi, chẳng hạn như chung sống với các thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh hoặc có quan hệ tình dục không an toàn với người mang virus viêm gan A.
- Nguồn nước bị ô nhiễm
- Các động vật có vỏ, trái cây, rau quả hoặc những thực phẩm chưa được nấu chín
Những người trưởng thành bị mắc viêm gan A sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt hơn so với trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng có thể kéo dài dưới hai tháng, bao gồm:
- Sốt và mệt mỏi (tương tự như bệnh cúm)
- Nước tiểu đậm màu
- Vàng da, hoặc vàng mắt
- Tiêu chảy, đau bụng dữ dội hoặc buồn nôn
2. Những đối tượng nên chủng ngừa viêm gan A
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị người trưởng thành nên tiêm ngừa vắc-xin viêm gan A (HAV) trong các trường hợp sau:
- Đang đi du lịch hoặc công tác tại các quốc gia có tỷ lệ cao mắc viêm gan A: Bao gồm Trung Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi, Đông Âu, Mexico và nhiều nước Châu Á. Căn bệnh này có mức độ phổ biến cao hơn nhiều so với bệnh thương hàn hoặc bệnh tả ở các du khách quốc tế.
- Có mối quan hệ thân thiết với người có con nuôi đến từ một quốc gia thường mắc viêm gan A.
- Quan hệ tình dục giữa những người đồng tính nam
- Sử dụng thuốc cấm
- Đã trải qua tình trạng vô gia cư
- Mắc bệnh gan mãn tính
- Làm việc trong phòng thí nghiệm, tiếp xúc với các loài linh trưởng bị nhiễm vi rút viêm gan A
3. Những đối tượng không nên chủng ngừa vắc-xin viêm gan A
Dưới đây là những đối tượng không nên tiêm phòng vắc-xin viêm gan A, bao gồm:
- Những người đã từng có các phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc-xin viêm gan A, hoặc với bất kỳ thành phần vắc-xin nào.
- Những người đang mắc phải bệnh nặng
- Phụ nữ đang mang thai (trừ các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh viêm gan A cao như đi du lịch, bệnh gan mãn tính hoặc bị phơi nhiễm vi rút viêm gan A).
4. Khi nào nên tiêm chủng vắc-xin viêm gan A
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên bắt đầu tiêm vắc-xin viêm gan A khi có nguy cơ bị nhiễm trùng, và chủng ngừa ít nhất một tháng trước khi đi du lịch đến vùng có dịch bệnh. Vắc-xin sẽ được tiêm ở vùng cơ bắp trên cánh tay. Mỗi người sẽ cần tiêm hai liều vắc xin viêm gan A trong ít nhất 6 tháng.
Ngoài ra, hiện nay đã có loại vắc-xin kết hợp dành cho người lớn giúp bảo vệ chống lại cả bệnh viêm gan A và B. Tuy nhiên, việc tiêm ngừa những loại vắc-xin này cần có một lịch trình sử dụng thuốc nhất định. Do đó, khi thực hiện chủng ngừa, bạn nên hỏi bác sĩ để biết thêm các thông tin chi tiết.
5. Các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin viêm gan A
Việc tiêm vắc-xin viêm gan A giúp đem lại hiệu quả phòng bệnh cao. Tuy nhiên, một số trường hợp rất hiếm bị dị ứng nặng với loại vắc-xin này. Tình trạng dị ứng có thể xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiêm. Các dấu hiệu phản ứng nặng với vắc-xin viêm gan A, bao gồm:
- Sốt cao
- Khó thở hoặc thở khò khè
- Khàn giọng
- Thay đổi hành vi
- Nổi mề đay
- Tim đập nhanh
- Da xanh xao
- Cơ thể yếu đuối
- Chóng mặt
- Tử vong
Một số phản ứng nhỏ khác khi tiêm ngừa vắc-xin viêm gan A, bao gồm: Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức tại chỗ tiêm. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ một đến hai ngày, và có thể tự biến mất sau đó. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.