Vì sao những đối tượng này có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nặng?

1 năm trước 30

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh và gặp phải các biến chứng bệnh cúm nghiêm trọng, bao gồm:

  • Người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Trẻ em dưới 5 tuổi
  • Người bị mắc các căn bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh hen suyễn, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, rối loạn về gan hoặc thận, rối loạn máu, trí tuệ kém phát triển, động kinh
  • Người có hệ miễn dịch bị suy giảm do dùng thuốc điều trị bệnh hoặc bị HIV/AIDS.

1.1 Người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, những người lớn trên 65 tuổi là đối tượng có nguy cơ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm cao hơn nhiều so với những người trẻ tuổi và có thể trạng tốt. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch trong cơ thể con người thường trở nên ngày càng suy yếu theo thời gian. Tức là tuổi càng cao, sức đề kháng càng giảm sút, từ đó dẫn tới nguy cơ dễ bị nhiễm các loại virus.

1.2 Phụ nữ đang mang thai

Bệnh cúm có khả năng gây ra các biến chứng của cảm cúm nặng ở phụ nữ mang thai nhiều hơn so với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản không mang thai. Phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ thường có những sự thay đổi lớn trong hệ thống miễn dịch, tim và phổi. Điều này sẽ khiến họ dễ bị nhiễm virus và gặp phải các biến chứng bệnh cúm nghiêm trọng. Phụ nữ mang thai bị cúm không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ mà còn cản trở đến sự phát triển của thai nhi. Ví dụ như triệu chứng sốt do cúm có thể khiến thai nhi bị khuyết tật ống thần kinh. Chính vì vậy, việc chủng ngừa với vắc-xin cúm là cách tốt nhất để bảo vệ cả mẹ và bé không bị nhiễm bệnh.

Vì sao những đối tượng này có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nặng?

Phụ nữ đang mang thai nhiễm cúm sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cả mẹ và thai nhi

GS.TS.BS Phạm Nhật An chia sẻ cách điều trị phòng cúm ở phụ nữ mang thai để tránh ảnh hưởng đến thai nhi

1.3 Trẻ em dưới 5 tuổi

Một đối tượng khác cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị biến chứng bệnh cúm nghiêm trọng đó là trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Có thể nói, cúm ở trẻ em có mức độ nguy hiểm hơn so với bệnh cảm lạnh thông thường. Mỗi năm, hàng triệu trẻ em bị cúm theo mùa; hàng ngàn trẻ em phải nhập viện và một số trẻ em đã tử vong vì cúm. Trẻ em ở độ tuổi này dễ gặp phải các biến chứng bệnh cúm, bởi vì sức đề kháng của trẻ đôi khi không đủ khả năng để bảo vệ cơ thể khỏi những loại virus nguy hiểm, bao gồm cả virus cúm. Một số biến chứng của cảm cúm nguy hiểm mà trẻ có thể mắc phải, như rối loạn chức năng não, viêm phổi, mất nước, các vấn đề về xoang và nhiễm trùng tai.

Biện pháp hiệu quả nhất để giúp trẻ không bị lây nhiễm cúm là tiêm phòng vắc-xin cúm cho trẻ. Theo khuyến cáo của CDC, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên cần được tiêm vắc-xin ngừa cúm theo mùa mỗi năm vào cuối tháng 10. Điều này không chỉ giúp chống lại những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn của cúm mà còn làm giảm sự lây lan của căn bệnh này sang cho những người xung quanh.

1.4 Người mắc các bệnh mãn tính

  • Người bị tiểu đường:

Những người bị mắc bệnh tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ ngay cả khi được kiểm soát tốt vẫn có khả năng cao bị các biến chứng bệnh cúm nặng, có thể dẫn tới nhập viện hoặc thậm chí là tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do người bị bệnh tiểu đường có hệ miễn dịch kém, ít có khả năng chống lại sự nhiễm trùng. Do vậy, các virus cúm từ bên ngoài môi trường có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của họ và gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang,...Bên cạnh đó, bệnh cúm mùa cũng khiến cho lượng đường trong máu của bệnh nhân tăng lên, làm cho tình trạng tiểu đường trở nên trầm trọng hơn trước.

  • Người bị bệnh hen suyễn:

Những người bị hen suyễn, thậm chí là hen nhẹ cũng có nguy cơ cao bị biến chứng bệnh cúm nặng. Nguyên nhân là do đường hô hấp của những người mắc bệnh hen thường bị sưng lên và vô cùng nhạy cảm. Một khi bị nhiễm virus cúm, nó có thể làm cho người bệnh bị viêm thêm đường hô hấp và phổi. Thêm vào đó, các virus cúm hoạt động mạnh mẽ trong cơ thể sẽ kích thích các cơn hen suyễn và làm cho các triệu chứng của bệnh hen trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới nhiễm trùng phổi do cúm.

  • Người bị bệnh tim và đột quỵ:

Một đối tượng khác cũng có nguy cơ cao bị mắc các biến chứng của cảm cúm nghiêm trọng là người bị bệnh tim mạch và đột quỵ. Lý do là những đối tượng này thường có hệ miễn dịch bị suy yếu, hệ thống phòng vệ hoạt động không được “năng suất” như người bình thường, do vậy các loại virus cúm có cơ hội thuận lợi xâm nhập vào cơ thể và khiến tình trạng bệnh tim của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

1.5 Người bị nhiễm HIV/AIDS

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là loại virus có thể dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV tấn công các tế bào CD4 trong hệ thống miễn dịch và nếu không được điều trị, nó sẽ dần dần phá hủy khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, khiến người bệnh dễ bị các loại virus xâm nhập. Chính vì vậy, những người bị nhiễm HIV thường có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm khi bị bệnh cúm, nhất là những người có số lượng tế bào CD4 thấp và không sử dụng thuốc kháng virus (ART) để điều trị HIV. Ngoài ra, các triệu chứng của cúm có thể kéo dài không dứt và gây nguy hiểm tới tính mạng đối với một số trường hợp bị nhiễm HIV.

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả dành cho những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm và các biến chứng cúm nghiêm trọng, bao gồm:

  • Tiêm vắc-xin ngừa cúm hằng năm
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh cúm
  • Hạn chế đến những nơi công cộng, đông người
  • Sử dụng khẩu trang y tế khi đi đến nơi công cộng
  • Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ để ngăn không cho vi khuẩn phát triển
  • Vệ sinh tay sạch sẽ với nước và xà phòng thường xuyên trong ngày, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Không nên sờ tay lên mắt, mũi, miệng để phòng tránh vi khuẩn xâm nhập từ tay vào cơ thể.

Nguồn tham khảo bài viết: cdc.gov

Đọc toàn bộ bài viết